Hôm nay ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ ở mức 23.064 đồng, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hôm nay mua vào ở mức 23.200 đồng và bán ra ở mức 23.696 đồng.
Nhiều ngân hàng thương mại cũng đã tăng tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ thêm khoảng 10 đồng so với cuối phiên trước. Cụ thể, Vietcombank niêm yết chiều mua ở mức 23.310 đồng và chiều bán là 23.430 đồng. Vietinbank là 23.327 đồng (mua) và 23.447 đồng (bán). ACB là 23.330 đồng (mua) và 23.430 đồng (bán).
Tỷ giá USD tiếp tục tăng cao trong tuần
Theo phân tích của CTCK SSI, đến ngày 10/5 tuần trước, chỉ số DXY đã giảm nhẹ từ 97,5 xuống 97,3 trong khi Nhân dân tệ (CNY) mất giá thêm 1,3% về 6,82 CNY/USD. Rủi ro gia tăng khiến các kênh trú ẩn như Yên Nhật, vàng tăng trong khi lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ sụt giảm.
Ở thị trường trong nước, ngày 9/5, tỷ giá giao dịch USD/VND tại các ngân hàng đã tăng mạnh và lập đỉnh tại mức 23.340 – 23.460 đồng, tương ứng mức tăng 130 - 150 đồng/USD. Sau đó, tỷ giá đã hạ nhiệt và giảm khá mạnh vào ngày cuối tuần, chốt ở mức 23.285 - 23.405 đồng, tăng so với cuối tuần trước đó 95 đồng/USD.
Tuy nhiên, bước sang đầu tuần này, có thể thấy tỷ giá lại đang tiếp tục tăng cao. Nguyên nhân được cho là do đồng USD trên thị trường thế giới tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ leo thang.
Theo đó, Mỹ đã chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Chưa hết, Tổng thống Donald Trump còn đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế 25% vào 325 tỷ hàng hóa còn lại nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong 1 tháng tới. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã đáp trả bằng việc áp thuế 25% lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ từ ngày 14/5.
Doanh nghiệp “người lo, kẻ mừng”
Theo phân tích trong bản tin về tỷ giá của CTCK VNDirect: những doanh nghiệp xuất khẩu ròng đồng thời không có hoặc có nợ vay bằng đồng USD sẽ được hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD/VND. Điển hình là những doanh nghiệp trong ngành thủy sản, dệt may và cao su.
Cụ thể, với ngành thủy sản, những đơn vị có doanh thu về xuất khẩu sẽ hưởng lợi đà tăng của tỷ giá USD/VND bất chấp một số doanh nghiệp vay ngoại tệ tương đối lớn.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thể hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD
Còn đối với các doanh nghiệp dệt may, đà tăng của tỷ giá sẽ có tác động hai chiều đến kết quả kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp dệt may phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về để gia công. Vì vậy, việc tỷ giá USD/VND tăng sẽ làm đội giá sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, với những doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn, có nguồn thu ngoại tệ ổn định, thì sự biến động của tỷ giá sẽ làm thay đổi kết quả kinh doanh theo chiều hướng tích cực.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp được hưởng lợi khác có thể kể đến như ngành gia công phần mềm, doanh nghiệp xuất khẩu ròng cao su tự nhiên và thường rót vay nợ bằng USD. Hay những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có lượng khách hàng nước ngoài lớn và có giá cho thuê đất được tính bằng đồng USD.
Ỏ chiều ngược lại, theo VNDirect, những doanh nghiệp nhập khẩu ròng sẽ phải đối mặt với đà tăng của nguyên liệu đầu vào và kéo theo sự suy giảm của tỷ suất lợi nhuận khi tỷ giá USD/VND biến động tăng, ví dụ như như sữa (Vinamilk), nhựa (Tiền Phong, Bình Minh). Các doanh nghiệp trên có đặc điểm chung là phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh: VNM nhập khẩu sữa bột nguyên liệu, BMP và NTP nhập khẩu nhựa…
Ngoài ra, những doanh nghiệp vay nợ lớn bằng đồng USD trong khi không có hoặc có nguồn thu ổn định bằng USD sẽ gặp khó khăn với rủi ro tăng chi phí tài chính. Điển hình như các doanh nghiệp ngành điện, thép, dầu khí, thực phẩm, phân bón, vận tải biển.
Thị trường chứng khoán hồi phục phiên thứ ba liên tiếp sau đợt sụt giảm mạnh cùng thế giới.