"Ngăn sông, cấm chợ" không giúp ích cho phòng, chống dịch
Theo quy định của Luật Thú y và hiện các địa phương, hộ chăn nuôi, doanh nghiệp đang phải nghiêm túc tuân thủ, khi xảy ra dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi), tại vùng dịch và vùng chịu uy hiếp bởi dịch với bán kính 3km, việc buôn bán, vận chuyển lợn ra ngoài sẽ bị cấm. Cụ thể, việc giết, mổ, tiêu thụ thịt lợn chỉ được diễn ra tại khu vực đó.
Điều này đang được cho là biện pháp "cực đoan", song cũng không ngăn nổi dịch bệnh lây lan ra các địa phương khác. Cụ thể, theo con số báo cáo gần đây nhất của Bộ NNPTNT, dịch bệnh đã xảy ra tại 29 tỉnh, thành ở khắp 23 miền Bắc, Trung, Nam. Nếu cộng cả 2 tỉnh mới xuất hiện là Khánh Hòa và Hậu Giang, con số này đã được phát triển lên 31 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi.
Rất nhiều trang trại lớn đang bị tồn lợn do quy định cấm buôn bán, vận chuyển lợn ra bên ngoài trong bán kính 3km tại khu vực xảy ra dịch và chịu uy hiếp bởi dịch tả lợn châu Phi.
Việc cấm vận chuyển lợn như biện pháp trên đã khiến các trang trại lớn, các nhà máy giết mổ tập trung đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi với những trang trại lớn lên tới cả vài nghìn con, địa bàn đó sẽ không thể tiêu thụ hết số lợn đó.
Như tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở NNPTNT TP. Hà Nội, tính đến ngày 13/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi của thành phố, chiếm 9,6% tổng số hộ chăn nuôi và TP đã phải tiêu hủy trên 120.000 con lợn với trọng lượng gần 8.200 tấn.
Tuy nhiên, theo Sở NNPTNT Hà Nội, các hộ chăn nuôi lớn, áp dụng đầy đủ quy trình an tòan sinh học, hiện lợn đến kỳ xuất chồng không bán được nếu chỉ tiêu thụ trên địa bàn cấp xã, huyện, cũng là nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh, tạo tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách bồi dưỡng chưa phù hợp cho người trực tiếp tham gia chống dịch, nên việc huy động nhân lực phòng, chống dịch cũng gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Huy Đăng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP. Hà Nội cho biết: "Hà Nội hiện có 1,9 triệu con lợn, đứng thứ hai cả nước chỉ sau Đồng Nai. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã cướp đi 120.000 vạn con, tương đương 8.100 tấn, thiệt hại lên đến 200 tỷ đồng. Nếu không có những biện pháp cấp bách, quyết liệt ngay lúc này thì có thể thiệt hại còn lớn hơn nữa"
Do đó, theo ông Đăng, chúng ta xác định phải sống chung với loại dịch bệnh này, Tây Ban Nha phải mất đến 5 năm mới khống chế thành công vì không có vaccine, không có thuốc điều trị, nếu không làm tốt vấn đề an toàn sinh học là rất dễ mắc. "Chúng tôi kiến nghị, Bộ NNPTNT phát động phong trào hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền người dân không quay lưng với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi"- ông Đăng nói.
Người tiêu dùng cũng sẽ chịu thiệt thòi, nếu quy định trên không sớm được điều chỉnh linh động.
Không gỡ sớm, người Việt sẽ phải ăn... thịt nhập
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Anh Tuấn- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn C.P cho biết: "Hiện nay C.P đang có tổng đàn lợn lên tới khoảng 300.000 con, hàng ngày vẫn đang cung cấp ra thị trường một khối lượng thịt lớn. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, đã xuất hiện tình trạng tồn lợn tại một số trại. Có nhiều con đã đạt trọng lượng 120-130kg, thậm chí 160-170kg, nhưng chưa tiêu thụ được. Đây là áp lực rất lớn của công ty, cũng như các trang trại, nên đang rất cần các giải pháp để tháo gỡ, giúp tiêu thụ thịt lợn an toàn được lưu thông bình thường trên thị trường".
Theo ông Tuấn, việc tiêu thụ lợn tại các trang trại lớn chưa nhiễm bệnh, thịt lợn sạch vẫn cần phải được thực hiện bình thường, chứ nếu cứ áp dụng việc cấm buôn bán ra bên ngoài tại các khu vực có dịch như hiện nay sẽ rất khó khắn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thiều Nam- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan cũng cho rằng, việc "ngăn sông, cấm chợ" như hiện nay, chẳng những không làm cho dịch bệnh bớt lây lan, mà còn khiến các trang trại, nhà máy giết mổ quy mô lớn, đúng quy trình bị vạ lây. "Chúng tôi đã đầu tư tổ hợp chế biến thịt hàng nghìn tỷ đồng tại Hà Nam với công suất giết, mổ cả nghìn con mỗi ngày. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Kim Bảng của tỉnh này đang trong tình trạng có dịch, nên theo quy định, việc vận chuyển tiêu thụ thịt lợn chỉ được diễn ra trên địa bàn của huyện này, thì làm sao có thể tiêu thụ hết sản lượng thịt lợn hàng ngày của chúng tôi"- ông Nam nói.
Được biết, từ ngày 12/4, Masan đã tiến hành đóng của tổ hợp chế biến thịt Meat Hà Nam do trong khu vực mà nhà máy xây dựng đang xảy ra dịch và từ đó đến nay vẫn chưa thể mở cửa trở lại do chưa có quyết định bằng văn bản của cơ quan chức năng là Bộ NNPTNT.
Tại cuộc họp ngày 13/5, ông Đặng Hoàng An- Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, việc những nhà máy được đầu tư bài bản, tuân thủ quy trình giết, mổ nghiêm ngặt như tổ hợp chế biến thịt của Masan rất cần khuyến khích hoạt động để tiêu thụ một lượng lớn lợn từ các trại chưa bị nhiễm, an toàn và sạch bệnh.
Cũng theo lý giải của ông Nam, thịt lợn là nguồn dinh dưỡng không thể thay thế của người Việt, nếu chúng ta duy trì lệnh cấm theo kiểu "ngăn sông, cấm chợ" kéo dài như hiện nay sẽ đẩy người tiêu dùng tìm sang các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu, khi đó ngành chăn nuôi trong nước càng khó khăn hơn, thậm chí bị chiếm mất thị phần. "Chúng tôi đề nghị, cơ quan chức năng cần cử cán bộ thú y đến các trang trại chưa nhiễm bệnh để cấp giấy xác nhận được vận chuyển và tới các nhà máy giết mổ để cấp chứng nhận thịt lợn an toàn được phép lưu thông. Như thế, sẽ lập tức tháo gỡ được câu chuyện tiêu thụ thịt lợn hiện nay"- ông Nam đề xuất thêm.
Trung Quốc công bố danh sách các cơ sở được phép giết mổ
Trung Quốc là nước xảy ra dịch tả lợn châu Phi trước nước ta. Để phòng, chống dịch; Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã có thông báo về hoạt động 100 ngày thực hiện tự kiểm tra dịch tả lợn Châu Phi và hệ thống trạm thú y chính thức trong quá trình giết mổ lợn.
Theo đó, kể từ ngày 15/4, Bộ Nông nghiệp đã thực hiện chế độ quản lý tiến độ công việc hàng tuần. Trước ngày 30 tháng 4, thông tin cơ bản của tất cả các doanh nghiệp giết mổ cả nước đã nhập vào kho dữ liệu và các tệp tin điện tử của các doanh nghiệp giết mổ ban đầu được thiết lập.
Trước ngày 1 tháng 5, các doanh nghiệp giết mổ lợn từ 50.000 đến 100.000 con mỗi năm đều tự kiểm tra. Trước ngày 15 tháng 5, tất cả các doanh nghiệp giết mổ sẽ được bổ sung đầy đủ hệ thống thú y chính thức. Trước ngày 1 tháng 7, các doanh nghiệp giết mổ lợn hàng năm giết mổ dưới 50.000 con sẽ tự thực hiện kiểm tra. Trước ngày 31 tháng 7, Bộ Nông nghiệp công bố danh sách tất cả các doanh nghiệp giết mổ lợn hợp pháp trong nước. Trước khi kết thúc năm 2019, tất cả các thông tin về doanh nghiệp giết mổ lợn sẽ được đưa vào đưa vào hệ thống kiểm dịch điện tử cho chứng nhận kiểm dịch động vật và liên kết nó với chứng nhận kiểm dịch để đạt được sự giám sát chính xác.
Cần sớm có quyết định cho phép tiêu thụ thịt lợn bình thường Sau cuộc họp ngày 13/5, lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết, sẽ hoàn thiện ngay văn bản để trình Chính phủ ban hành một loạt các giải pháp nhằm phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả,; trong đó có biện pháp về tháo gỡ tiêu thụ thịt lợn an toàn. Tuy nhiên, đến nay các địa phương, hộ chăn nuôi, doanh nghiệp vẫn chưa biết được thông báo và đang chờ đợi biện pháp trên sớm được ban hành. |