Dưới cái nắng hầm hập của những ngày trung tuần tháng 5, phóng viên đã ghi lại được những hình ảnh người thợ với đôi bàn tay tài hoa đang “thổi hồn” vào cho các khối đá khổng lồ ở nhiệt độ gần 40 độ C.
Để tạo nên tác phẩm "độc nhất" đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, thích nghi tốt với môi trường làm việc vất vả, luôn ở ngoài trời chịu nắng, bụi và tiếng ồn.
Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Nguyễn Văn Thanh quê xã Thành Tâm (huyện Thạch Thành) tâm sự: "Tôi làm nghề đá điêu khắp này hơn 10 năm, đây là nghề khó nhọc, trực tiếp ngoài trời với nhiệt độ gần 40 độ C, nhưng bù lại cho thu nhập tháng từ 8-10 triệu đồng. Từ những khối đá khổng lồ chúng tôi đục bỏ những phần dư thừa rồi mài, giũa, đánh bóng để tác phẩm trở nên có hồn với vẻ đẹp độc đáo mang nhiều ý nghĩa".
"Trước kia, người thợ như chúng tôi chỉ chế tác những sản phẩm hữu ích như cối đá, cột nhà, phù điêu và sau này là những sản phẩm giàu tính thẩm mỹ đã thể hiện được đời sống tâm linh của người Việt gồm hòn non bộ, tranh đá, tượng người, hình con vật...các công đoạn làm thủ công".
Dùng tấm bạt làm mái ché nắng. Ảnh: Vũ Thượng
Được biết, tại khu phố 7, phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hiện nay có 74 hộ đang tham gia vào chế tác đá, cây cảnh, với hơn 300 lao động trực tiếp làm nghề.
Ông Vũ Mạnh Hà phường Bắc Sơn, một người có hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết: "Nghề chế tác đá này cũng qua nhiều thăng trầm, có những lúc tưởng không trụ lại được. Nhưng nhờ có những người yêu nghề, còn chịu cực nhọc với đá nên mới có ngày hôm nay”.
Những khối đá khổng lồ, nhiều màu sắc. Ảnh: Vũ Thượng
Để tạo được một sản phẩm mỹ nghệ, những người thợ đá đã phải đi khai thác đá từ những vách núi cheo leo hiểm trở ở các mỏ tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình...rồi thuê vận chuyển về cơ sở những khối đá lớn vài tấn, vài chục tấn. Sau đó mới xẻ thành những khối đá nhỏ hơn tùy vào tác phẩm định chế tác.
Đá được các cơ sở thu mua chủ yếu là đá cẩm thạch nhiều màu sắc như trắng sữa, hồng phấn, sáng đục, xám vân đỏ...Dụng cụ chế tác là những chiếc búa, đục rất thô sơ. Công việc nhanh hay chậm tùy thuộc vào tác phẩm có nhiều chi tiết hay không, tay nghề của người thợ và nhiệt độ gần 40 độ C cũng ảnh hưởng đến tiến trình.
Hòn non bộ với giá hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Vũ Thượng
Bà Hoàng Thị Nga chuyên kinh doanh đá cảnh, nhận lắp đặt hòn non bộ, thi công thiết kế sân vườn chia sẻ: "Nghề chế tác đá, cây cảnh ở khu phố 7, phường Bắc Sơn đã có nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được công nhận là làng nghề. Đây là nghề cho thu nhập cao, tuy nhiên vẫn còn tính tự phát, mạnh ai người đấy làm. Nên chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện quy hoạch, xây dựng một khu riêng để giúp các cơ sở yên tâm phát triển".