Dân Việt

Phú Thọ: Phá hàng loạt đường dây “tín dụng đen”

Tuấn Trung 17/05/2019 06:49 GMT+7
Trước tình trạng “tín dụng đen” nở rộ với lãi suất “cắt cổ” gây mất an ninh trật tự, Công an tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự tập trung đấu tranh triệt phá và xử lý nghiêm các đối tượng cho vay. Và chỉ chưa đầy nửa năm, 3 đường dây cho vay nặng lãi đã bị phá, bắt giữ hàng chục đối tượng.

Theo Công an tỉnh Phú Thọ, chỉ tính từ tháng 11/2018 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt giữ 3 vụ với hàng chục đối tượng cho vay lãi nặng. Đây hầu hết đều là những đối tượng từng có tiền án, tiền sự. Để hoạt động “tín dụng đen”, đối tượng cầm đầu thường chiêu nạp những đối tượng thanh, thiếu niên chơi bời, lêu lổng thành một nhóm chuyên cho vay nặng lãi, đi thu nợ, đòi nợ thuê hoặc đánh đập, dọa dẫm những người không trả lãi.

img

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ các đối tượng cho vay lãi nặng. Ảnh Công an tỉnh Phú Thọ

Để dẫn dụ “con mồi”, hoạt động “tín dụng đen” thường được khoác lên bằng những cái tên rất mỹ miều như: “hỗ trợ tài chính”, “trợ giúp tài chính”, “vay họ”, “Alo là có tiền”, “vay tiền chỉ cần chứng minh nhân dân”, “vay không thế chấp”... Tuy nhiên, thực chất đó là các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng.

“Đa số các cơ sở trên đều hoạt động không có giấy phép, được núp dưới các hiệu cầm đồ hoặc các cửa hàng tạp hóa. Thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng và không cần thế chấp tài sản chính là cái bẫy khiến không ít những người đang gặp khó khăn về kinh tế sa chân vào “tín dụng đen”. Khi đã vướng vào rồi thì người vay không thể rút ra được. Đây là nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản…”, Thiếu tá Lê Trí Dũng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ chia sẻ.

Kết quả điều tra cho thấy, để thực hiện trót lọt các giao dịch cho vay, khi người vay đến giao dịch thường diễn ra kín đáo, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn như: ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất, hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự, gây khó khăn trong công tác điều tra. Thực tế, mức lãi suất mà người đi vay phải trả thường từ 3.000 đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương đương từ 109,5 đến 182,5%/năm. Khi người vay mất khả năng chi trả, các đối tượng sẽ đe dọa, ném chất bẩn; cố ý gây thương tích; hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản... gây phức tạp về an ninh trật tự.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Văn Hiếu (trú tại Nguyễn Trãi, Phường Âu Cơ, TX.Phú Thọ) khai nhận, trên các hợp đồng vay tiền, bọn chúng thường không ghi mức lãi suất hoặc chỉ ghi bằng mức lãi suất của ngân hàng, mọi thứ đều thỏa thuận miệng, giao dịch dân sự.