Dân Việt

Nóng trong tuần: Vì sao gã khổng lồ bán lẻ của Pháp tháo chạy khỏi Việt Nam

Phương Linh 19/05/2019 16:00 GMT+7
CEO chuỗi siêu thị Pháp, Auchan Retail đã lên tiếng cho biết, tập đoàn này đã quyết định bán 18 cửa hàng tại Việt Nam.

Chuỗi bán lẻ Auchan tháo chạy khỏi Việt Nam

Tuần qua, ông Edgar Bonte, CEO chuỗi siêu thị Pháp, Auchan Retail đã lên tiếng cho biết, tập đoàn này đã quyết định bán 18 cửa hàng tại Việt Nam.

Đại diện Auchan Retail cho biết đang tiến hành đàm phán với các đơn vị bán lẻ tại Việt Nam để tìm ra đối tác tiếp quản trong thời gian tới.

Auchan vào Việt Nam vào năm 2014. Ở miền Nam, Auchan hợp tác với CT Group để mở siêu thị. Tại miền Bắc, tập đoàn này bắt tay với Công ty cổ phần Hóa Dầu Quân Đội (Mipec).

img

CEO chuỗi siêu thị Pháp, Auchan Retail đã lên tiếng cho biết, tập đoàn này đã quyết định bán 18 cửa hàng tại Việt Nam.

Trước Việt Nam, Auchan Retail cũng đã phải bán toàn bộ các hoạt động thua lỗ của Auchan Retail Italia cho tập đoàn bán lẻ Conad của Ý.

Đây là hai trong số các thị trường theo Auchan Retail đang thua lỗ. Auchan thành lập năm 1961, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, thương mại điện tử, bất động sản, ngân hàng… Tập đoàn được mệnh danh “Walmart của Pháp".

Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có văn bản gửi Chính phủ nêu quan điểm, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít hiện tại đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi.

Theo VINPA, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

Qua đó, hiệp hội này kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới.

Trước đó, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28/3/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng: "Nguyên tắc của Quỹ là lúc dư thì đóng vào đó, lúc khó thì lấy ra dùng. Sau mười mấy năm điều hành giá xăng dầu, chúng tôi thấy đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu. Cho nên, đây không phải là can thiệp hành chính mà chính là biện pháp kinh tế".

Bộ Công Thương công bố kết quả thanh tra giá điện

Tuần qua, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin về kết quả kiểm tra bước đầu của Bộ Công Thương về việc thực hiện điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Theo đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra tại tổng công ty điện lực và các doanh nghiệp ở ba miền Bắc, Trung, Nam không phát hiện bất thường trong tháng 4 vừa qua.

img

Cơ quan chức năng đã kiểm tra tại tổng công ty điện lực và các doanh nghiệp ở ba miền Bắc, Trung, Nam không phát hiện bất thường. 

Theo kết quả, hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng chủ yếu do lượng điện sử dụng tăng. Ví dụ, tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), báo cáo cho thấy, sản lượng điện trung bình ngày trong tháng 4 đạt 202 triệu kWh, tăng 14 triệu kWh/ngày so với tháng 3.

Trước đó, về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra việc tăng giá điện. Tại buổi họp báo Chính phủ tối 3/5, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính và thực hiện ngay đầu tuần sau đó.

Giá xăng giảm nhỏ giọt sau 3 lần tăng sốc

Liên bộ Tài chính - Công thương chiều 17/5 đã đưa ra quyết định điều hành giá xăng dầu trong đó xăng RON95-III giảm 592 đồng/lít, xăng E5RON92 giảm 200 đồng/lít. Còn lại, dầu diesel 0.05S giảm 81 đồng/lít; dầu hỏa giảm 203 đồng/lít; dầu mazút 180CST 3.5S giảm 466 đồng/kg.

Trong kỳ điều hành này, mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với xăng E5RON92 là 457 đồng/lít (kỳ trước chi 925 đồng/lít); xăng RON95 về 0 đồng/lít (kỳ trước chi 283 đồng/lít).

img

Giá xăng dầu giảm nhẹ sau khi có 3 lần tăng giá sốc.

Qua đó, giá xăng E5RON92 có mức trần là 20.488 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 21.599 đồng/lít. Trong khi ấy, dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.614 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 16.422 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.536 đồng/kg.

Đây là lần giảm đầu tiên sau 3 lần tăng liên tục trước đó. Trong 3 lần tăng giá liên tiếp gần đây, giá xăng RON 95 tổng cộng đã tăng thêm tới 3.642 đồng/lít.

Vì sao sếp FLC mong được như SunGroup?

Phát biểu tại Tọa đàm Xây dựng môi trường cạnh tranh của ngành hàng không tuần qua, ông Đặng Tất Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực hãng hàng không Bamboo Airways, đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC bày tỏ, đơn vị này sẵn sàng giúp giải quyết điểm nghẽn hạ tầng hàng không thông qua việc đầu tư xây mới nhà ga, đường băng, đường lăn.

Vị này khẳng định, phía FLC có thể đầu tư toàn bộ hết hạ tầng sân bay, giống như SunGroup làm tại Sân bay Vân Đồn.

"Nếu Hà Nội hay TP HCM giao đất cho FLC và Bamboo Airways, chúng tôi cam kết hoàn thành một cảng hàng không mới trong 2 năm, ngoài phục vụ Bamboo Airways chúng tôi cũng mời Vietnam Airlines và Vietjet bay đến", ông Thắng lên tiếng.

Riêng về nguồn nhân lực, vị lãnh đạo Bamboo Airways cũng cho biết thêm công ty đang hướng đến việc tuyển dụng lao động quốc tế. Cụ thể, trong khoá tuyển dụng mới đây của Bamboo Airways, có tới 70% ứng viên có quốc tịch đến từ các nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,...

Nóng tuần qua: Tiết lộ VinFast, Vinsmart mang về bao nhiêu tiền cho ông Phạm Nhật Vượng

Doanh thu tuần của Tập đoàn Vingroup năm 2018 lên tới hơn 122.000 tỷ đồng.