Nhiệm vụ chính trị của đơn vị được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao là: Phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng an ninh (QPAN), xây dựng dân cư - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và làm nhiệm vụ quốc tế tại 2 nước bạn Lào, Vương quốc Campuchia...
Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển các loại cây công nghiệp mũi nhọn như cao su, cà phê, lúa nước, từng bước tạo tiền đề cho Tây Nguyên phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hoá - xã hội và QPAN.
Hiện nay, các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên địa bàn 266 thôn, làng của 33 xã, phường, thị trấn thuộc 4 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Bình và làm nhiệm vụ quốc tế tại 2 nước bạn Lào, Vương quốc Campuchia. Địa bàn Binh đoàn đứng chân chủ yếu thuộc vùng sâu, biên giới, vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ.
Một công trình giao thông phục vụ dân sinh do Binh đoàn xây dựng. |
Đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng tuy được cải thiện, song còn nghèo nàn, lạc hậu; trình độ dân trí hạn chế... Trải qua 28 năm xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng, được sự đùm bọc, cưu mang của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đứng chân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn đã giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ", đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao – đặc biệt là từ năm 1991 đến nay – giai đoạn đổi mới mạnh mẽ theo tiến trình chung của đất nước…
Từ cơ chế bao cấp bước sang hoạt động theo chế độ hạch toán kinh doanh song song với nhiệm vụ QPAN và phát triển dân cư xã hội thực sự là bài toán khó; là cuộc thử sức lớn giữa năng lực quản lý, điều hành với những khắc nghiệt của cơ chế thị trường.
Ý thức về điều đó, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã thể hiện bản lĩnh trí tuệ và quyết tâm lớn trong việc đề ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả: Từng bước sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối, thực hiện theo cơ chế quản lý hai cấp, bỏ cấp trung gian theo hướng tinh, gọn và hiệu quả; giữ vững cơ chế cấp uỷ Đảng lãnh đạo, giám đốc tổ chức quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, người lao động làm chủ; thực hiện chế độ khoán sản phẩm, trả lương theo kết quả lao động.
Đồng thời luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp; tích cực nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, nỗ lực đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động...
Thành quả nổi bật trong giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế là sự tăng trưởng mạnh mẽ diện tích vườn cây cao su, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận; tầm vóc, vị thế, uy tín và thương hiệu của Binh đoàn ngày càng được khẳng định. Tính đến năm 2013, Binh đoàn đã trồng được hơn 41.000ha cao su, 500ha cà phê, 90ha lúa nước hai vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trung bình 15%...
Riêng năm 2012, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách do tác động của suy thoái kinh tế, nhưng Binh đoàn vẫn đứng vững và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch được giao: Giá trị sản xuất, doanh thu, lợi nhuận đều đạt trên 110% kế hoạch năm; nộp ngân sách đạt 127% kế hoạch năm, trồng mới 6.169ha cao su; tiền lương bình quân hơn 6 triệu đồng/người /tháng...
Từ hiệu quả sản xuất – kinh doanh, những năm qua Binh đoàn đầu tư xây dựng 6 nhà máy chế biến cao su, 1 nhà máy sản xuất phân vi sinh; làm mới, sửa chữa hơn 1.000km đường giao thông liên thôn, xã; cùng địa phương xây dựng hệ thống điện cao thế, trạm biến áp đến các bản làng, xây dựng 10 trường mầm non với 123 điểm trường, nuôi dạy 5.478 cháu (trong đó có 1.090 cháu người đồng bào dân tộc thiểu số); 1 bệnh viện và 9 bệnh xá, 1 trường trung cấp nghề; sửa chữa và làm mới hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà chính sách…
Thực hiện chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, đến nay các công ty đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã, các đội sản xuất kết nghĩa với 266 thôn, làng; 4.503 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.503 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Với phương châm "Phát triển sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó" gắn với chăm lo cải thiện đời sống, từ chỗ cả Binh đoàn chỉ có gần 5.000 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư vào thời điểm năm 1990, đến nay Binh đoàn đã có gần 2 vạn lao động và hàng vạn nhân khẩu, được bố trí trên 10 cụm với hàng trăm điểm dân cư dọc trên 215km đường biên giới.
Đặc biệt, Binh đoàn đã thu hút được 6.699 lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ vào công nhân hoặc nhận khoán vườn cây của Binh đoàn, tạo những nhân tố mới trong việc xây dựng bản, làng văn hoá, đẩy lùi đói nghèo và các tập tục lạc hậu; đồng thời là hạt nhân tích cực trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội tại địa phương; tạo niềm tin yêu, gắn bó giữa cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương đối với Binh đoàn, góp phần xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc...
Thành tựu trên là tổng hoà của các mối quan hệ, là hiệu quả lãnh đạo, điều hành của Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Binh đoàn, là sự nhạy bén, sâu sát của các cấp quản lý, chỉ huy; là trí tuệ của tập thể người lao động và vai trò của các tổ chức quần chúng... Tất cả đã hợp thành sức mạnh tổng hợp để Binh đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ những bỡ ngỡ, những thiếu hụt về kiến thức quản lý kinh tế, đến nay 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật các cấp đều đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học. Một thế hệ công nhân kỹ thuật có tri thức và chuyên môn đã tạo nên những phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới vào sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Binh đoàn.
Nhìn lại chặng đường gần một phần ba thế kỷ đã đi qua, những thế hệ người lao động Binh đoàn có quyền tự hào bằng bàn tay, khối óc và cả máu, họ đã biến bao vùng đất hoang hóa, từng gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh thành những vùng kinh tế phát triển năng động, những vùng dân cư trù phú, xã hội ổn định...
Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với QPAN trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên trong 28 năm qua, Binh đoàn đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, ngày 13.1.2003, Binh đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân", 3 tập thể công ty được tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" trong thời kỳ đổi mới; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng LLVTND" và "Anh hùng Lao động" trong thời kỳ đổi mới.
Vinh dự này không chỉ là niềm tự hào của Binh đoàn hôm nay, mà còn là thành quả vun trồng, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và công nhân lao động cũng như các đơn vị tiền thân của Binh đoàn.
Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, quán triệt sâu sắc hơn nữa nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị; nghị quyết của Quân ủy T.Ư, chỉ thị mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn nguyện phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường vượt qua những khó khăn, thử thách đang đặt ra để phát triển vững chắc trên tất cả các lĩnh vực, tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa về chất của mô hình gắn phát triển kinh tế với QPAN, quyết tâm xây dựng Binh đoàn 15 phát triển vững mạnh, trở thành đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; góp phần cùng đồng bào các dân tộc biến vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng nhưng còn nhiều thử thách trở thành vùng phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước, thành điểm sáng trong công cuộc CNH - HĐH đất nước, vững mạnh về QPAN, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng -Tư lệnh Binh đoàn