Sáng 19.5, tại không gian văn hoá Việt - 16 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, triển lãm tranh “Bác để tình thương cho chúng con” đa khai mạc, trưng bày 38 bức tranh vẽ Bác Hồ và hoa sen của các họa sỹ từ nền hội họa Đông Dương, hội hoạ kháng chiến đến hội họa đương đại, đồng thời ra mắt cuốn sách “Việt Nam Quốc gia của tình thương” của tác giả Hà Huy Thanh - Chủ tịch Công ty Đầu tư và phát triển nghệ thuật Việt Nam (The Art I&D).
Những bức tranh được trưng bày trong triển lãm “Bác để tình thương cho chúng con” đã được nhà đầu tư Hà Huy Thanh triển lãm ngoài trời tại khu vực mặt tiền của Không gian văn hoá Việt, nằm trong khuôn khổ của phố đi bộ Hồ Gươm. Đây là cách để các tác phẩm được tiếp cận gần nhất với mọi người dân trong dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác.
Các tác phẩm được triển lãm đều là của những hoạ sĩ nổi tiếng của mỗi thời kỳ, từ Tô Ngọc Vân, Mai Văn Hiến, đến Phạm Văn Đôn, Trần Chắt, Đinh Quân, Ngô Hải Yến, Lê Đức Tùng... Ông Hà Huy Thanh - người sở hữu các tác phẩm này cho biết, có những bức tranh vẽ Bác Hồ đặc biệt quý giá, được coi là “bảo vật” của hội hoạ Việt Nam như bức tranh vẽ Bác của hoạ sĩ Mai Văn Hiến, vẽ từ năm 1990 đến năm 1991.
Ông Hà Huy Thanh chia sẻ: “Bác Hồ Kính yêu đã để lại cho chúng ta nhiều di sản quý báu, trong bài thơ “Bác ơi” nhà thơ Tố Hữu đã viết “Bác để tình thương cho chúng con”, để hôm nay, thông qua hội họa, chúng ta lại thấy tình thương mà Bác để lại chính là sự thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp. Những thông điệp của Bác đã được các hoạ sỹ thể hiện một cách mạnh mẽ, nhưng thật tinh tế và thân thương qua các bức tranh về Bác.
Là một đơn vị đầu tư, chọn hội họa là một lĩnh vực đầu tư cho văn hoá, cảm xúc và những giá trị nhân văn, chúng tôi vinh dự gửi tặng tới quý vị những tác phẩm, là một góc nhỏ của thành tựu hội họa thông qua hình tượng Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Chúng tôi hy vọng rằng chúng ta đã có nền hội họa Đông Dương, hội họa kháng chiến, nay với tình thương mà Bác để lại, chúng ta sẽ có cơ hội xây dựng một nền hội họa Việt Nam thời đại mới, nền hội họa tình thương”.
Cùng với triển lãm, tác giả Hà Huy Thanh cũng ra mắt cuốn sách “Việt Nam Quốc gia của tình thương”. Đây là cuốn sách tiếp theo sau cuốn “Tình thương” tác giả đã ra mắt thành công cách đây hơn 1 năm. Sau cuốn “Tình thương”, anh nghĩ rằng phải mất một vài năm mới ra mắt tiếp được cuốn sách thứ 2, nhưng không ngờ chỉ sau gần 1 tháng anh đã hoàn thành cuốn “Việt Nam Quốc gia của tình thương” dày 300 trang.
“Việt Nam Quốc gia của tình thương” được tác giả viết về sự thấu hiểu, khám phá bản thân của mỗi người, từ đó có sự thấu hiểu, sẻ chia để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, chân ái hơn. Ước vọng của tác giả là góp một tiếng nói, chỉ ra cho Việt Nam cơ hội và thách thức để trở nên thịnh vượng và nhân văn, đồng thời đưa một ánh sáng Phật pháp để giải quyết vấn đề của thế gian. Cuốn sách cũng chỉ ra một quy trình để mỗi người trở nên thịnh vượng - đẳng cấp và nhân văn, cùng đoàn kết, tạo nên sức mạnh vô song để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và đi đến thành công.
Photo: Đào Bá Đỗ Hải