Không thiếu kinh phí
Sau hơn 2 tháng xâm nhiễm vào một hộ chăn nuôi tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.565 hộ chăn nuôi (chiếm 8,14% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 1.071 thôn, tổ dân phố, thuộc 331 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện; làm mắc bệnh và tiêu hủy 104.334 con. Các huyện có số lượng lợn bị tiêu hủy lớn là Sóc Sơn 28.988 con, Quốc Oai 9.409 con, Đông Anh 8.473 con, Phú Xuyên 6.966 con…
Chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh đang mang lại hiệu quả cao tại HTX Hòa Mỹ,
huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Hải Đăng
Hiện thành phố đã tiêu hủy 10 vạn con, giá 38.000 đồng/kg, tiêu tốn hơn 200 tỷ. Tỷ lệ tiêu hủy đang được duy trì thấp, mới xấp xỉ 5% tổng đàn. Nói về kinh phí phòng chống dịch bệnh của Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho hay: UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhất quán, yêu cầu các quận, huyện chủ động bố trí từ nguồn kinh phí dự phòng cho các hoạt động phòng chống bệnh. “Nếu quỹ dự phòng hết thì các quận, huyện đề nghị thành phố cấp tiếp. Kinh phí phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi không thiếu” - ông Mỹ khẳng định.
Cũng theo ông Mỹ, trước nguy cơ bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài, thành phố đã đề nghị Chính phủ cho cơ chế để Hà Nội tăng mức hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện khảo sát, bố trí các vị trí chôn lấp với diện tích lớn để đề phòng trường hợp bệnh xảy ra tại những trang trại chăn nuôi lớn, số lợn phải tiêu hủy lên đến vài ngàn con.
Nói về những khó khăn hiện nay Hà Nội đang gặp phải, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi Hà Nội cho biết, thành phố có tổng đàn lợn lớn đứng tốp đầu cả nước, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong dân còn chiếm tỷ lệ cao (60%), điều kiện vệ sinh, an toàn sinh học chưa tốt; tiếp giáp với nhiều tỉnh, địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm rất cao.
Hà Nội đang tăng cường các điểm giết mổ để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con và đồng thời cũng quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô sản phẩm an toàn, chất lượng”. Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội |
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân Thủ đô cao (khoảng 800 - 900 tấn/ngày), trong khi thành phố mới tự cung tự cấp được 60%, số còn lại phải nhập từ ngoại tỉnh hoặc nhập khẩu. Hay như việc sử dụng thức ăn dư thừa từ nhà hàng, bếp ăn tập thể, khách sạn còn phổ biến đối với nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, tận dụng; virus tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm lợn chưa qua xử lý chín bằng nhiệt... cũng khiến tình hình dịch bệnh lây lan nhanh.
Chú trọng xây dựng vùng an toàn
Ông Sơn cho biết thêm, theo thống kê đến thời điểm tháng 4.2019, tổng đàn lợn toàn thành phố có 1.871.623/80.650 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn. Trên địa bàn thành phố hiện có 988 cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm trong đó có 259 cơ sở, điểm giết mổ lợn. Cơ sở giết mổ lợn có kiểm soát, được cấp chính quyền địa phương cho phép 47/259 cơ sở. Số lượng lợn giết mổ bình quân 6.500 - 7.000 con/ngày, trong đó có kiểm soát trên 60%.
Được biết, đến nay, toàn thành phố đã có 55 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, như: Kinh phí xây dựng còn cao; chi phí xét nghiệm dịch bệnh tăng cao..., trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi bấp bênh.
"Lợi ích từ xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã rõ, nhất là trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác có chiều hướng gia tăng, tốc độ lây lan lớn. Để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thành công thì vai trò, trách nhiệm của các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố là hết sức quan trọng. Họ là người trực tiếp tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh" - ông Sơn nhấn mạnh.
Để khuyến khích cho các cơ sở chăn nuôi chủ động xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngoài hỗ trợ về hành lang pháp lý, thủ tục, quy trình, tập huấn kỹ thuật… để các trang trại, cơ sở chăn nuôi đạt yêu cầu cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra các địa phương thực hiện chăn nuôi theo quy hoạch; tiến tới hạn chế phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định, tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn" - ông Đăng khẳng định.