ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Internet)
Bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những chia sẻ ngắn gọn với báo chí xung quanh vụ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định truy nã đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Một chi tiết đáng chú ý trong sự việc này, đó là Bùi Quang Huy bị truy nã diễn ra chỉ 5 ngày sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét đối với Bùi Quang Huy cùng 8 đồng phạm về tội Buôn lậu khoản 4 điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 221 Bộ luật Hình sự 2015, 9 ngày sau khi Cơ quan Điều tra Bộ Công an đồng loạt khám xét chuỗi cửa hàng, trung tâm bảo hành của Nhật Cường Mobile.
Trích dẫn ý kiến của nhiều cử tri về những diễn biến đã nêu, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết: "Cử tri không nghĩ là ngẫu nhiên, nhiều cử tri nhất là các bác lão thành, cả người trong ngành, họ nói, đây là chuyên án, chuyên án thì anh đã có sự theo dõi thường xuyên liên tục. Vì sao lại để trốn mất nên họ cho là có bàn tay trong để tiếp tay cho Huy để bỏ trốn. Không chỉ là ngẫu nhiên”.
Cũng theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, vụ việc Bùi Quang Huy bị truy nã có điểm giống với những trường hợp khác, điển hình là trường hợp Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) bỏ trốn sau khi bị khởi tố về tội nhận hối lộ.
“Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, từ trước khi khởi tố đã phải nắm thông tin và từ giai đoạn khởi tố phải theo dõi, giám sát thường xuyên liên tục? Dư luận cho rằng có thể có bàn tay trong để tiếp tay cho Bùi Quang Huy bỏ trốn. Bản thân tôi cũng cho rằng có rất nhiều khuất tất trong vụ việc này. Nhiều cán bộ từng công tác trong ngành công an cũng nói rằng, với nghiệp vụ của công an, không có chuyện Bùi Quang Huy bỏ trốn được. Vì lẽ đó, nghi ngờ của cử tri và nhân dân là có cơ sở", ông Nhưỡng bình luận.
Đối với những nghi ngờ của cử tri về tình trạng “sân trước-sân sau” trong vụ việc xảy ra tại Nhật Cường Mobile, ông Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục chia sẻ: "Đây là vấn đề sân sau, nếu không thì làm sao doanh nghiệp phát triển như vũ bão, không thể tưởng tượng được. Một doanh nghiệp bình thường lại phát triển với tốc độ cao trong thời gian ngắn, đặc biệt doanh nghiệp này chiếm lĩnh toàn bộ thị phần với nhiều dự án quan trọng, quan trọng cả về tính chất sau đó mới bàn tổng đầu tư dự án. Người ta có thể hình dung ra phần nào lợi ích của dự án có thể đạt được trong lĩnh vực này".
Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề, ông Nhưỡng cho hay, khái niệm "sân sau" không hoàn toàn xấu nếu doanh nghiệp minh bạch, doanh nghiệp được giới thiệu là doanh nghiệp tốt.
Cụ thể, khái niệm sân sau là xấu trong trường hợp giúp các quan chức che giấu những hoạt động mình tham gia mang lại lợi ích lớn. Còn những cán bộ có tâm, sẵn sàng giới thiệu doanh nghiệp tốt tới một địa phương nào đó để thực hiện kinh doanh sẽ là tốt,
“Đó cũng là trách nhiệm nhưng anh ăn chia phần trăm nọ kia thì mới là vấn đề xấu", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Về xử lý các vấn đề sân sau, tham nhũng, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ: "Cử tri mong muốn các cơ quan thẩm quyền hành động khách quan toàn diện và quyết liệt, thậm chí công lý bất vị thân. Thân không chỉ người nhà mà cả thân hữu. Đối với người dân ăn cắp một con gà phải đi tù nhưng tại sao một cán bộ tham nhũng, thất thoát cả nghìn tỷ lại có chuyện xuề xòa, cảnh cáo khiển trách lý do sức khỏe để nghỉ thì người dân không chấp nhận".