Dân Việt

Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, ông lớn thuỷ sản lao đao

Quốc Hải 20/05/2019 17:00 GMT+7
Sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PoBC) quyết định phá giá tỷ giá đồng Nhân dân tệ (CNY) so với đồng đô la Mỹ (USD) ở mức 0,6%, loạt cổ phiếu nhóm ngành thủy sản như VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh, MPC của vua tôm Lê Văn Quang... liên tục “đỏ sàn” vì dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm 2019 khó có thể khả quan…

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ (CNY) liên tục bị mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của Việt Nam đồng (VND) trước đồng USD, sẽ tạo ra chênh lệch mất giá giữa đồng CNY so với VND là rất lớn, khi giá trị của VND tăng lên so với CNY. Vì vậy, giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam.

img

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ gặp khó bởi đồng Nhân dân tệ đang bị phá giá mạnh (Ảnh: IT)

Cổ phiếu nhóm thủy sản liên tục “đỏ sàn”

Tỷ giá CNY so với USD hôm nay (20/5) đã vượt 6,91 CNY/USD, nhiều phân tích trên thị trường nhận định rằng tỷ giá USD/CNY thậm chí có thể sẽ lên tới 7 CNY/USD. Việc đồng CNY liên tục mất giá khiến cho cổ phiếu nhóm ngành thủy sản liên tục “đỏ sàn” vì những dự báo không mấy lạc quan từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep).

Cụ thể theo Vasep, Trung Quốc là một trong 4 thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam lớn nhất (trên 1 tỷ USD/năm). Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh gần 50% giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam năm 2017 với gần 1,3 tỷ USD thì kết thúc năm 2018, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5%, đạt trên 1,2 tỷ USD. Bước sang quý I/2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tiếp tục đà sụt giảm 5% và chỉ đạt 239 triệu USD. Trong số này, tỷ trọng xuất khẩu tôm giảm 15%, cá tra giảm gần 2% (cá tra và tôm chiếm tới 80% xuất khẩu).

Chính những con số này đã khiến Vasep đưa ra những nhận định kém lạc quan khi cho rằng, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc “trong điều kiện lạc quan nhất, chỉ kỳ vọng là đạt được mức tương đương với năm 2018…”. Điều này có lẽ cũng là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu thủy sản mấy phiên liên tiếp gần đây liên tục giảm giá mạnh.

Chẳng hạn, với “ông lớn” Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) của bà Trương Thị Lệ  Khanh, hiện cổ phiếu này có 3 phiên giảm liên tiếp và hiện đang ở mức giá 90.600 đồng/CP, dù trước đó VHC được nhận định ghi nhận lãi sau thuế đột biến 307 tỷ đồng trong quý 1/2019, gấp 3 lần cùng kỳ.

Tất nhiên, với VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh dù được hưởng thuế suất 0% tại Mỹ (theo kết quả đợt rà soát hành chính lần thứ 14 - POR14). Cùng với đó, thuế thủy sản vào thị trường châu Âu (EU) sẽ được giảm từ 5,5% xuống 0% theo lộ trình 3 năm sẽ là điều kiện để công ty tăng xuất khẩu vào thị trường này (xuất khẩu của VHC tại EU quý I.2019 tăng 40%). Tuy nhiên, do Vĩnh Hoàn là nhà cung cấp lớn thứ 3 tại Trung Quốc với thị phần 9%, nên ảnh hưởng của việc đồng CNY liên tục mất giá thời gian qua là khó tránh khỏi.

Cũng giảm điểm mạnh liên tiếp vài phiên gần đây là cổ phiếu IDI của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (HoSE: IDI). Hiện giá cổ phiếu IDI đang ở mức 8.120 đồng/CP (giảm 3 phiên liên tiếp) - Đây cũng là DN xuất khẩu cá tra xếp thứ 3 tại Việt Nam và Trung Quốc cũng là một thị trường của DN này.

Còn với Công ty CP Nam Việt (HoSE: ANV), DN xếp thứ 2 về xuất khẩu cá tra tại Việt Nam, và thị trường Trung Quốc - Hồng Kông cũng được đơn vị này nhắm tới khi tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ANV đặt mục tiêu “rải cá tra khắp thị trường Trung Quốc”.

Ở nhóm ngành tôm, cổ phiếu MPC của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UpCOM: MPC) của vua tôm Lê Văn Quang cũng có 3 phiên đỏ sàn liên tiếp. Tương tự, cũng nằm trong xu thế chung, cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) cũng có phiên đỏ sàn khi những diễn biến về tỷ giá đồng CNY liên tục suy giảm những ngày qua. Đây cũng là DN có thị phần xuất khẩu khá lớn sang Trung Quốc.

Hiện tại, theo thống kê của Vasep, hiện có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa; gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu tôm và một số doanh nghiệp hải sản khác. Theo Vasep, một số lượng đáng kể doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ làm giảm doanh số thủy sản xuất khẩu nói chung trong năm 2019.

Và nguy cơ mất thị phần từ Ấn Độ

Tính đến thời điểm hiện tại, đồng CNY của Trung Quốc đang bị phá giá thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 12/2018 khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu leo thang. Theo dự báo của Vasep, nước cạnh tranh xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc (nhất là mặt hàng tôm) hiện tại là Ấn Độ. Cụ thể, nước này đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn (nhờ lợi thế giá thành thấp hơn), trong khi đồng rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với CNY ít hơn so với VND. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị “áp lực” cạnh tranh mạnh hơn nếu không phá giá VNĐ (chênh lệch mất giá giữa VNĐ với CNY sẽ tăng lên).

Việc giữ ổn định tỷ giá hay sẽ phá giá để tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ là bài toán mà NHNN phải tính toán, cân nhắc kỹ.

img

TS Nguyễn Trí Hiếu: "Nếu VNĐ giữ ổn định, hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ tràn mạnh vào Việt Nam khi đồng CNY mất giá..."

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, việc VND ổn định so với USD mà CNY lại mất giá mạnh so với USD thì như vậy CNY cũng sẽ mất giá mạnh so với VND. Khi đó, chắc chắn là hàng hoá Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ hơn và có lợi cho những nhà nhập khẩu nhưng ngược lại sẽ rất bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc sẽ vấp phải không ít khó khăn do giá hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn so với hàng Trung Quốc. Như vậy, nhìn chung là hàng hóa của Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị thiệt hại.

Có lẽ cũng dự báo được tình hình đồng CNY sẽ bị mất giá như hiện nay, khá nhiều DN ngành thủy sản đã có kế hoạch điều chỉnh kết quả kinh doanh năm 2019 khá “thận trọng”.

Cụ thể, với “ông lớn” Vĩnh Hoàn, dù lợi nhuận trước thuế quý 1.2019 đạt 347 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp này vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 1.255 tỷ đồng, giảm 13%, dù kế hoạch doanh thu tăng 8,4% so với năm 2018.

Một loạt doanh nghiệp khác chuyên về chế biến, xuất khẩu cá tra cũng lên kế hoạch kinh doanh cả năm thận trọng như: Công ty CP Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) với kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu doanh thu 1.600 tỷ đồng, giảm 5%; lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2018.

Hoặc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thế năm 2019 là 50 tỷ đồng, tương đương 2/3 mức thực hiện năm 2018, dù kế hoạch doanh thu tăng 1%.

Còn Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI) thì kế hoạch lợi nhuận năm nay chỉ tăng 1%.