Dân Việt

NHNN đang có “vũ khí” cực kỳ lợi hại để điều hành tỷ giá

Quốc Hải 21/05/2019 16:34 GMT+7
Theo các chuyên gia kinh tế, một chính sách tỷ giá linh hoạt theo thị trường song vẫn duy trì sự ổn định tiền tệ được cho là phù hợp nhất với Việt Nam hiện nay…

Hôm nay 21/5, CNY tiếp tục giảm giá nhẹ xuống mức hơn 6,91 CNY đổi 1 USD. Để ứng phó với diễn biến tỷ giá trên thị trường, theo các chuyên gia kinh tế thì một chính sách tỷ giá linh hoạt, định hướng ổn định thị trường và kinh tế vĩ mô là cần thiết.

img

Cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng leo thang (Ảnh: IT)

Kịch bản nào có thể xảy ra trong điều hành tỷ giá?

Trước diễn biến liên tục mất giá của đồng nhân dân tệ  (CNY), TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, hiện tại NHNN đang ổn định tỷ giá thông qua tỷ giá trung tâm và NHNN cũng đang có một lượng dự trữ ngoại hối lớn để giao dịch trên thị trường ngoại hối nhằm quân bình cung - cầu. Tuy nhiên, trong trường hợp sắp tới đây, CNY bị phá giá mạnh so với USD thì khi đó có lẽ NHNN cũng sẽ phải điều chỉnh giá VND ở một mức phù hợp. Tất nhiên, cần điều chỉnh tỷ giá VND nhưng cũng không thể phá giá đồng tiền tương ứng theo tỷ lệ phá giá của CNY.

“Nếu Mỹ chỉ dừng lại ở mức đánh thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc như hiện nay thì mức độ mất giá của VND so với USD trong cả năm 2019 này sẽ vào khoảng 3% là hợp lý. Nhưng nếu Mỹ mở rộng diện đánh thuế với 300 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc và Trung Quốc cũng phá giá CNY thêm nữa thì tôi nghĩ, mức điều chỉnh tỷ giá 3% trong năm nay có lẽ chưa đủ…”, ông Hiếu chia sẻ.

Cũng theo ông Hiếu, trường hợp Việt Nam điều chỉnh tỷ giá mạnh để đối phó với tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này thì có khả năng hàng Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ bị “vạ lây”, nghĩa là Mỹ cũng sẽ đánh thuế nhập khẩu tương tự với hàng hoá Trung Quốc. Đó là một vấn đề mà các nhà điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam phải cân nhắc.

img

Diễn biến tỷ giá đồng Nhân dân tệ (CNY) so với đồng bạc xanh (USD) từ đầu tháng 5.2019 đến nay

Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia nhận định, thời điểm này, NHNN nên theo dõi sát diễn biến thị trường, cân nhắc linh hoạt điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ phù hợp thị trường bởi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn.

“Khoảng 2 năm nay, NHNN đã khá chuyên nghiệp trong điều hành chính sách tiền tệ. Và kinh tế vĩ mô ổn định phụ thuộc rất lớn vào chính sách điều hành của NHNN và tính ổn định của các ngân hàng thương mại; nếu chính sách tiền tệ và các ngân hàng thương mại không vững sẽ rất khó khăn. Do đó, NHNN phải lấy ổn định làm trọng để ứng phó với những bất ổn hiện nay. Trên đà ổn định đó, lựa chọn những gì phải linh hoạt ở thời điểm cần thiết cho tỷ giá. Và để cho nền tảng ổn định, việc quan trọng nhất là phải kiểm soát được cơ sở tiền tệ, lãi suất và linh hoạt tuỳ thời điểm với tỷ giá", ông Nghĩa chia sẻ.

Cũng theo ông Nghĩa nhận định, nếu các nước cũng phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu như Trung Quốc có thể tạo ra một cuộc chạy đua mà nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ toàn cầu.

NHNN nên công bố lập trường tiền tệ để… “ổn định nhân tâm”

Ở một góc độ khác, một số chuyên gia kinh tế thì bảo trì quan điểm, không hẳn Trung Quốc phá giá thì Việt Nam cũng làm theo, bởi động thái tỷ giá cần được cân nhắc kỹ giữa các bài toán thiệt hơn.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài Chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM), nhận định: Năm 2018, NHNN xử lý câu chuyện tỷ giá rất tốt, rất hiệu quả khi chính trong năm này Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ và đồng đôla Mỹ (USD) cũng tăng giá. Đề bài này cũng giống như năm nay. Tuy nhiên, năm ngoái NHNN đã rất chủ động, đầu tiên là NHNN phá giá tiền đồng 1% trước để tạo ra một vùng đệm, làm giảm áp lực của cú sốc tỷ giá lên tỷ giá đô đồng (USD/VNĐ). Thứ 2 là NHNN kiên định với mục tiêu thắt chặt tiền tệ để ổn định sức mua và lạm phát. Sau đó, NHNN tiếp tục phá giá thêm 1, 2 lần nữa. Tổng biên độ giao động của tỷ giá đô đồng trong năm 2018 là 2,5%.

“NHNN trong năm 2018 đã làm rất tốt vai trò là giảm tối đa những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại lên sức mua của VNĐ và làm cho nền kinh tế cập bến an toàn”, ông Bảo đánh giá.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, năm 2019, nhiều người đặt nghi vấn liệu NHNN có tiếp tục phá giá VNĐ như đã làm trong năm 2018 hay không? Theo cá nhân ông Bảo thì câu trả lời là không. Bởi vì bối cảnh năm nay  khác năm ngoái, hiện nay tâm lý người dân và doanh nghiệp đã bị dồn nén rất cao. Thứ nhất là giá điện, giá xăng, rồi các mặt bằng giá cả của xã hội như bất động sản… đều leo thang nên mọi người rất ngại lạm phát sẽ cao và tiền đồng sẽ suy yếu. Vì vậy nếu NHNN hiện tại phát đi tín hiệu phá giá VNĐ nữa thì chắc chắn sẽ tạo ra tâm lý bầy đàn, người dân sẽ đổ xô đi mua vàng, USD, mua đất đai… khiến cho lạm phát bị ‘vỡ trận’ ngay. 

Bên cạnh đó, năm nay NHNN đã tăng dự trữ ngoại hối rất nhiều, từ đầu năm đến nay đã tăng 8,2 - 8,4 tỷ USD do dòng FDI, cho nên NHNN đang nắm một ‘vũ khí’ vô cùng lợi hại đó là dự trữ ngoại hối để chống đỡ cho tỷ giá đô.

“Theo tôi, giải pháp và bước đi chính sách phù hợp nhất hiện nay là NHNN nhanh chóng công bố lập trường tiền tệ của mình. Đó là kiên định với mục tiêu thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo vệ giá trị tiền đồng để người dân, doanh nghiệp tin rằng Chính phủ sẽ làm một cách quyết liệt và có đầy đủ các phương án dự phòng nếu chiến tranh thương mại leo thang. Ổn định tâm lý của công chúng, không để cho người dân và doanh nghiệp hoang mang, là chìa khóa để giải quyết bài toán này”, ông Bảo nói.

Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng chia sẻ, mặc dù Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, nhưng chúng ta không nên vì thế mà phá giá đồng Việt Nam. Chúng ta nên dùng các biện pháp khác chứ không bằng tỷ giá để kiểm soát vấn đề ngoại thương. Chúng ta nên duy trì được niềm tin của người gửi tiền, niềm tin vào VND, tạo lập và giữ được như hiện nay là quá tốt.

“Chưa kể, đối với Việt Nam, phá giá đồng tiền nó có hai hậu quả lớn. Đầu tiên là tăng nợ, mà hiện nay nợ quốc gia đã ở mức cao, đùng một cái sẽ tăng lên trên bảng cân đối. Thứ hai, khi mà phá giá đồng tiền thì khuyến khích dòng vốn đi ra chứ không phải đi vào, mà chúng ta đang thu hút vào. Chính vì thế theo tôi, trong mọi tình huống đối với đồng Nhân dân tệ, để xử lý vấn đề ngoại thương thì nên dùng các biện pháp khác chứ không chỉ nhìn vào biện pháp tỷ giá và không neo VND vào đồng Nhân dân tệ”, TS Trần Du Lịch phân tích.