Dân Việt

Truyện dự thi: Nghề làng

Nguyễn Trọng Văn 21/05/2019 18:01 GMT+7
Đã quá nửa đêm. Ông Hào vẫn chưa chợp mắt. Không phải vì cái tuổi ngoài 70 khó ngủ mà chính cuộc gặp lại người bạn cố tri, người bạn nghề hơn 50 trước khiến ông không hết bất ngờ.

Ông bất ngờ khi vừa mới sáng, cánh thợ đêm trước làm khuya nên còn ngủ, trong nhà chỉ có bà vợ ông dậy từ sớm đang lo cơm sáng dưới bếp. Tiếng chuông ngoài cổng kêu dứt quãng, dè dặt nhưng cũng đủ cho ông phải bước ra để mở hé đôi cánh cửa bằng gỗ sơn màu xanh. Bên ngoài cổng thấp thoáng bóng người đứng ngóng vào vẻ bồn chồn. Người ấy cứ lắc lắc đầu, hai bài tay nắm vào nhau như là để lấy bình tĩnh.

Khi cánh cửa cổng được đẩy ra để lộ khoảng trống vừa thân người, ông khách hơi lui lại và cho dù có cúi nghiêng đầu thay câu chào ông Hào vẫn nhận ra đó là một lão niên tầm tuổi mình. Ông khách mặc một chiếc măng tô màu xám, dài quá gối. Nhìn cách ăn mặc ấy cho thấy ông ta từ một nơi rất xa tới.

Ông Hào đưa mắt nhìn dò xét, ánh mắt ông dừng lại ở đôi mắt ông khách. Thoáng chút hồ nghi bởi cặp mắt sáng ấy thấy quen quen. Ông Hào định cất lời hỏi thì ông khách đã lên tiếng, giọng ngập ngừng nhưng cũng đủ nghe:

- Thưa, tôi tìm... ông Hào. Ông Hào... thôn Từ.

- Ông. Ông là?...

- Thưa, tôi... tôi là Phúc Thành.

- Ông Phúc Thành bên Cựu?

Hai ông già cùng tiến lại gần nhau, cánh tay cùng giang ra rồi ôm choàng lấy nhau, tay người này nắm chặt bắp tay người kia. Hồi lâu như thế, cả hai đều không thể cất thêm tiếng nói. Ông Hào ngước lên nhìn thẳng vào mắt ông khách:

- Ông về khi nào? Một mình hay với bà nhà và các cháu?

- Thấy ông khỏe tôi mừng lắm.

- Cảm ơn ông. Mời ông vào nhà. Chắc ông phải hỏi đường?

- Có mình tôi thôi... ta... ta vào nhà được chứ?

Giọng ông khách còn khách khí nhưng lại bộc lộ vẻ chân tình thực sự. Ông Hào kéo tay ông khách cùng bước vào nhà. Gian nhà ấm hơi người đã tạo cho ông khách sự gần gũi. Ông khách mạnh dạn hẳn lên, khẽ đưa tay đặt lên vai ông Hào có ý để chủ nhân vào trước.

- Ông an tọa. Chắc đường xa làm ông mệt.

Ông khách xua xua tay, nhường ông Hào ngồi xuống ghế trước. Đoạn  ông khách cẩn thận kéo vạt áo măng tô cho gọn, rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện.

- Thấy ông khỏe tôi mừng lắm. Nhà ta đâu cả rồi?

- Ông cũng thế. Vẫn cường tráng... như hồi nào.

Rồi ông Hào hướng xuống bếp gọi với. Bà vợ ông Hào nghe nói nhà có khách vội tất tả xách siêu nước sôi lên, miệng đon đả chào khách câu thường nhật. Bà chợt sững người lại, ông khách cũng đứng lên, cả hai không nói được câu nào. Thay vì vẻ gần gũi lúc vào nhà, giờ ông khách lại bộc lộ vẻ lúng túng. Ông Hào cũng lấy làm lúng túng. Ba ông bà già nhìn nhau, những ký ức xa xưa đang ùa về chật ních cả ngôi nhà.

***

img

Minh họa: Trịnh Tú.

Phía giường bên chắc ông Phúc Thành đã ngủ. Chỉ nghe tiếng thở đều đều và nhẹ hiếm có ở tuổi già. Ông Hào trông trân trân lên đình màn, lòng bộn bề bao suy nghĩ. Thời thế thật khéo trêu người, những tưởng quá khứ đã xa.

Ông Phúc Thành phiêu dạt hơn năm mươi năm giờ trở về. Ông cũng vậy, phiêu dạt trong cuộc mưu sinh đầy biến động nay cũng mới được hưởng cái thư thái của tuổi già. Nghĩ mà càng thêm khó ngủ. Nhưng mừng nhất là ông Phúc Thành còn tìm được chốn về. Nghĩ vậy nên ông Hào thấy nhẹ cả người.

Thong thả rời chỗ nằm, ông Hào nhẹ nhàng bước ra ngoài hiên. Đã cuối tháng một ta nhưng năm nay mùa đông hình như không lạnh. Trời khuya giăng màn sương đục, thoảng dậy lên mùi hương bưởi chín. Thứ mùi khiến người ta cảm thấy cái tết đang đến rất gần. Đưa tay gạt mấy chiếc lá bưởi che ngang chùm quả, ông Hào nâng chùm bưởi đưa ngang mặt mình. Cái vị ngòn ngọt, chua chua cộng với mùi vỏ hăng hăng khiến ông cay cay, ông hắt hơi nhẹ.

Sau tiếng hắt hơi ấy, không khí như ùa vào sâu hơn trong khí quản, ông Hào mỉm cười thành tiếng nhưng vội  kìm lại ngay, tay nhẹ buông chùm quả. Giống bưởi này ông được một người bạn già mãi tận Diễn cho từ hơn ba năm trước. Năm ngoái cây bưởi mới bói lần đầu nhưng chỉ cho dăm quả nhỏ. Ông đã nản, định ra giêng sẽ thay cây khác, nhưng không hiểu sao khi ông mới nghĩ vậy mà cây bưởi như biết chuyện, nên năm nay ra quả nhiều, trĩu cả cành.

Giống bưởi Diễn là thế, thơm giục giã, thơm sâu lắng và thơm khó quên. Ông Hào quí cây bưởi hơn bất cứ cây nào khác trong vườn. Những lúc rảnh hay mỏi tay kéo, ông lại đến bên cây bưởi tỉa từng chiếc lá vàng hay miết miết ngón tay lau mấy sợi mạng nhện đêm giăng vướng vào chùm quả.

- Bưởi thơm. Tôi vẫn nhớ cái mùi bưởi chín.

- Vâng, càng sắp tới tết nó lại càng thơm.

- Đêm vắng quá ông nhỉ?

- Ấy chết. Ông không ngủ sao?

Ông Phúc Thành đã đến bên cạnh ông Hào từ lúc nào chẳng rõ. Đưa tay vuốt ve quả bưởi, ông Phúc Thành còn ghé sát mặt vào chùm quả mà hít hà. Tuy cùng độ tuổi nhưng ông Phúc Thành so với ông Hào còn phong độ, phần vì ông to cao hơn, phần vì ông không có cái vất vả của người đông con. Ông Hào nhắc:

- Ông ngủ đi. Thức đêm không quen mệt lắm.

- Cảm ơn ông. Tôi thấy ngủ hoang phí lắm. Mấy chục năm mới có được cảm giác ở làng. Lâu quá rồi.

Ông Phúc Thành nói bằng giọng hoài cổ, cái giọng làm ông thấy nghèn nghẹn. Người ông cúi xuống ghé sát chùm bưởi hơn.

- Lâu quá rồi. Cũng không ngờ...

Không nói hết câu, ông Phúc Thành hơi run run nâng quả bưởi trên tay, ông nhìn sang ông Hào.

- Tôi cứ ngỡ... Ông thực là người có tâm.

- Ở ngoài này lâu lạnh. Hay ta vào nhà pha ấm trà uống đỡ lạnh?

Hai ông già quay vào nhưng còn luyến tiếc mùi bưởi chín trong đêm nên chân cứ dùng dằng. Ông Hào bước chậm lại nhường cho ông Phúc Thành vào nhà trước, ông Phúc Thành lùi lại. Cả hai ông bật cười. Tiếng cười trong đêm nghe ấm cúng.

***

Ngôi nhà của ông Hào nằm lọt giữa thôn Từ Thuận, cái thôn nhỏ còn nguyên nếp xưa với con đường lát gạch nghiêng, chạy song song với sông Nhuệ. Phía bên kia sông là cánh đồng làng tầm này đang ngả màu đất chờ vụ mầu tới. Ở cái làng quê này, ngoài vụ lúa hè thu ra, người dân nơi đây còn gối vụ bằng trồng cây đậu tương vụ đông, thứ cây có bộ rễ sản sinh thêm đạm cho đất. Ngôi nhà của ông Hào được xây cất hơn bảy mươi năm trước, nghe nói vào năm ông Hào chào đời. Ngôi nhà gạch lợp ngói ta, ba gian hai chái, được các cụ dựng lên nhờ vào mấy mẫu ruộng dành dụm được nhờ sự chắt chiu. Chuyện ấy những năm cải cách các cụ nhà ông phải nhiều phen khốn đốn. Nhà nằm giữa làng nên khá kín đáo, nhưng được cái thoáng gió nhờ lối cổng nhà thông với con ngõ nối tới con đường làng chạy dọc thôn song song với sông Nhuệ.

Thôn Từ Thuận nằm bên này sông, đối diện với cánh đồng. Cả thôn chỉ có ba ngõ nhỏ dẫn vào ba xóm. Mỗi xóm là một dòng họ và được phân biệt dòng họ này với dòng họ khác bằng chiếc cổng xây ngay đầu xóm. Xóm nhà ông Hào là xóm họ Nguyễn nên chiếc cổng nhỏ có kiểu hình trụ, đơn giản nhưng cũng sang trọng nhờ trên đỉnh trụ có hình búp sen. Thể hiện dòng họ có sau có trước. Hai xóm kia. Một là xóm của dòng họ Đỗ ở đầu thôn. Cổng xóm hình chữ đinh, kiểu giả mái đình. Tường cổng có họa tiết là những nét hoa văn hình rồng lượn được đắp bằng sứ, thể hiện người họ Đỗ rất tài hoa. Xóm của dòng họ Trần phía cuối thôn. Cổng xóm lại mang nét thể hiện dòng họ có học hành chữ nghĩa với hình cuốn thư đắp bằng xi măng nhằm thay mái cổng. Điều chung nhất là các cổng xóm đều hướng ra sông Nhuệ, đón gió thổi từ cánh đồng sang. Mỗi cổng xóm mỗi vẻ nhưng ấm cúng và hòa đồng trong một thôn mà chỉ nghe tên thôi đã thấy thuận hòa.

Hồi nhỏ ông Hào thường rủ lũ bạn bơi qua sông Nhuệ. Việc bơi qua sông hồi đó là cả một sự cố gắng, bởi con sông ngày đó rộng và nước luôn ăm ắp. Lũ bạn thời nhỏ vừa lấy áo lau tóc vừa chạy một mạch qua cánh đồng. Đám trẻ con thôn Từ rất thích được sang chơi bên làng Cựu. Làng Cựu là cách gọi nôm, còn tên đầy đủ thì lại rất hãnh diện: Làng Vân Hoàng Cựu. Tuy lũ trẻ cùng chung hít hơi thở của cánh đồng, nhưng trẻ con làng Cựu lại an nhàn hơn. Lẽ đơn giản vì làng Cựu không làm lúa, cả làng là những gia đình tiểu chủ. Họ buôn bán hoặc làm ăn ngoài Hà Nội, phát đạt lắm.

Nếu thôn Từ Thuận là những xóm ngõ với những ngôi nhà thấp theo lối cổ thì làng Vân Hoàng Cựu lại hầu hết là những căn biệt thự kiểu Tây. Nhà cao, một tầng, mái lợp ngói Giếng Đáy. Nhà đều có trần, với nhiều buồng quây quanh phòng khách rộng lát gạch hoa bóng loáng. Trong phòng khách là bộ tràng kỷ bằng gỗ mun đen mịn hay là chiếc sập gụ rộng thênh thang chỉ nhìn thôi đã thấy mát lạnh. Đám trẻ con thôn Từ chân đất chạy nhong nhong dọc con đường trong làng Cựu. Chúng thích thú chà chà lòng bàn tay xuống từng phiến đá tảng xanh được lát khít nhau tạo nên con đường làng mà không biết chán.

Ông Hào và ông Phúc Thành đã vào trong nhà. Giơ tay với công tắc điện, ông Hào hơi cúi xuống ý mời ông Phúc Thành ngồi xuống ghế. Đèn bật sáng, căn nhà vắng vẻ. Đêm qua bà vợ ông Hào lấy cớ thằng cháu ngoại bị sốt cần đỡ đần mẹ nó nên hai ông từ tối được cảnh hai ông già với nhau.

- Để tôi đun lại phích nước. Cái anh trà mà nước không đủ sôi uống nhạt lắm.

- Tôi thấy phiền ông quá. Phiền ông nhiều quá rồi.

Ông Phúc Thành ngồi như co mình lại trên chiếc ghế kiểu giả cổ. Bàn tay ông cứ đan vào nhau không phải vì lạnh mà vì ông còn ngần ngại. Ánh mắt của ông Phúc Thành dừng lại rất lâu ở tấm khung ảnh treo trên tường đối diện với chỗ ông ngồi.

Trà cũng vừa ngấm, mỗi ông một chén. Ông Hào hai tay ôm chặt chén nước đưa ngang miệng để cảm nhận cái âm ấm cùng vị thơm chát của trà. Còn ông Phúc Thành lại ngả đầu về phía sau, mắt lim dim nghĩ ngợi. Chén nước trà để nguyên trên bàn tỏa làn hơi mỏng. Tiếng chuông từ chiếc đồng hồ quả lắc đánh lên "boong" nghe lạnh cả người. Tiếng chuông làm cả hai ông cùng giật mình, ngước nhìn nhau:

- Nhà ta đi... cũng được hơn năm mươi năm rồi ông nhỉ?

- Vâng. Tôi cứ ân hận mãi.

- Thì có gì đâu. Cũng tại hoàn cảnh thôi mà.

***

Ông Phúc Thành là trai làng Cựu. Con trai làng Cựu nổi tiếng khắp vùng bởi nét tài hoa cùng sự khéo léo trong lời ăn giọng nói. Ông thừa hưởng sự đầy đủ của một gia đình vào loại khá giả với các cửa hiệu trên Hà Nội. Nhưng học hết bậc thành chung ông lại về làng chứ không sống trong căn nhà hai tầng nằm ở đầu phố Hàng Trống. Thời đó các cụ có lệ con trai trưởng phải ở lại làng trông nom hương hỏa nên chuyện ông ở làng như là lẽ phải đạo.

Ngôi nhà của ông ở làng Cựu là một ngôi biệt thự với lối kiến trúc châu Âu đậm nét. Nhà có sân rộng lát gạch xanh, loại gạch được mang về từ bên Pháp, nên trông khoảnh sân như quyện với khu vườn được trồng rất nhiều hoa. Những khóm hoa hồng trà, hồng bạch quanh năm nở hoa dậy lên mùi thơm thanh khiết cho khu vườn. Hoa hồng là thứ hoa duy nhất được ông trồng trong vườn. Trong sân, ngay sát bể to chứa nước mưa là một cây bưởi lớn, lá cây sà sát nóc bể. Cây bưởi như điểm nhấn cho toàn bộ khuôn viên của ngôi biệt thự. Về mùa thu cây bưởi buông sát thành bể những chùm quả vàng rộm thơm nưng nức. Mùi thơm được gió heo may cuốn khắp sân, ùa cả vào nhà khiến ngôi nhà như tẩm trong hương bưởi chín. Thứ mùi bưởi chín trộn với mùi hoa hồng từng làm ngây ngất những ai vào thăm làng Cựu. Có lần anh Phúc Thành còn cao hứng nói vui: “Nhà ta biệt thự hương quê. Gió đồng cứ níu chân về những ai”.

Ngày mới về làng, anh Phúc Thành những lúc vắng hay mát trời thường mang đàn guitar ra sân ngồi chơi. Dạo đó những tình khúc tiền chiến đang thành trào lưu thời thượng. Phúc Thành ngồi ôm đàn, đầu cúi xuống, mái tóc chảy xòa che nửa mắt đầy vẻ lãng mạn. Giọng hát của Phúc Thành nghe chậm buồn "Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông. Cô lái đò kia đi lấy chồng". Rồi Phúc Thành ngẩng lên mắt nhìn xa, nhìn vào những khóm hoa "Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần. Xuân đến hoa mơ hoa mận nở. Gái xuân giũ lụa trên sông Vân".

Đấy là mối tình cách trở của lời bài hát còn Phúc Thành đang có mối tình si với cô gái tên Hồng bên thôn Từ Thuận. Mối tình mà ông si mê bắt đầu từ hôm Phúc Thành được người bạn mới quen tên là Hào rủ sang chơi thôn Từ. Hôm đó đang cùng Hào dạo dọc đường thôn, mắt ngắm qua bên sông nhìn cánh đồng lúa đang vào vụ gặt. Phúc Thành chợt đứng tim lại khi bên cầu giặt sát mé sông lãng đãng bóng lưng ong dập dềnh lan theo sóng nước. Bóng lưng ong ấy lao xao, lao xao rồi lộ rõ đôi bắp chân thiếu nữ trắng nõn đang thong thả bước lên bờ. Anh con trai vốn trải vài mối tình với các cô gái Hà thành lại không ngờ có giây phút hồi hộp nhìn ngây ngất đôi bắp chân ấy.

Sau lần đó Phúc Thành hay sang chơi bên thôn Từ. Là bạn với nhau nhưng anh Hào tỏ ra khó chịu mỗi khi Phúc Thành đến. Nói không cho sang chơi nữa cũng không được mà cứ sang cũng làm anh nghi ngại. Hình như Phúc Thành cũng nhận ra điều đó nên anh mỗi khi sang thôn Từ lại chọn những buổi anh Hào vắng nhà để sang.

- Uống trà đi ông. Trà nguội uống nồng lắm.

Tiếng ông Hào nhắc khiến ông Phúc Thành giật mình, cắt ngang dòng hồi tưởng. Ông Phúc Thành vội bưng tách trà lên uống một hơi cạn chén. Nhìn cách uống của ông Phúc Thành, ông Hào tế nhị cảm thông.

- Chắc ông mệt?

- Không. Tôi... tôi muốn được xem khung ảnh kia. Có làm phiền ông không?

Khung ảnh được ông Hào gỡ xuống, ông nhẹ nhàng chuyền qua bàn nước. Ông Hào cười thân tình nói bằng giọng nói pha chút dò xét.

- Ông xem có... có nhận ra ai không?

Khung ảnh rộng bằng hai cuốn vở học sinh. Tuy đã ngả sơn nhưng kính còn trong, chứng tỏ chủ nhân thường xuyên lau chùi. Trong khung, những tấm ảnh cũ in trên giấy lụa nên không bị ố vàng theo thời gian, xếp ngay ngắn theo hàng ngang thứ tự những người trong gia đình. Những gương mặt đều còn rõ nét nhìn. Ông Phúc Thành lui tầm mắt ra xa để nhìn rõ hơn, ông nhìn bao quát một lượt rồi dừng lại rất lâu vào tấm ảnh cỡ 6x9 được lồng bên trái của khung. Tấm ảnh chụp một cô gái chừng mười tám đôi mươi, tóc chải lật về một bên để lộ đường ngôi thẳng và lộ cả vầng trán tinh nghịch. Cô gái trong ảnh đang khẽ ngiêng đầu nở nụ cười mê hoặc. Chiếc vòng xuyến đeo trên cổ như tôn thêm vẻ kiêu sa của tuổi trẻ.

- Bà... cô... cô Hồng đây phải không ông?

Ông Hào không trả lời, ông lặng lẽ rót thêm nước vào ấm. Tay ông run run. Những ký ức xưa đang ùa về làm căn phòng như nóng hẳn lên.

- Lúc chiều về lại bên Cựu, tôi thấy làng không thay đổi là mấy.

- Vâng. Chỉ có đường là khác thôi, giờ đổ bê tông cả rồi. Tiếc thật.

***

Hồi chiều, sau bữa cơm trưa, ông Hào rủ ông Phúc Thành sang thăm làng Cựu. Hai ông già lững thững đi bên nhau im lặng và mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Với ông Hào là những hồi ức thuở mới bước chân vào nghề, cái nghề ông còn theo đuổi đến tận giờ. Còn với ông Phúc Thành là những ký ức cùng sự tiếc nuối khôn nguôi.

Làng này là làng quê của ông. Ông đã sống và ra đi từ chính làng này. Con đường chạy dọc làng, chia làng thành hai bên như một con phố nhỏ. Bên đông là những ngôi nhà quay lưng lại con đường. Cổng vào nhà thường mở ra bên cạnh thông bởi một lối nhỏ. Những lối nhỏ ấy thường đi chung cho mấy nhà. Mặt trước của nhà hướng ra khoảng rộng mênh mông của một cánh đồng về mùa hạ phủ trắng nước. Từ đấy nhìn ra những con vịt lội thành đàn kêu quàng quạc, rối rít cả mặt nước. Bên tây là những ngôi nhà to mắt hướng ra đường làng. Mỗi ngôi nhà đều có cổng rộng mở chính diện, cánh cửa bằng gỗ. Đáng chú ý là trên mỗi đầu cổng nhà là dòng chữ đắp vữa, chỉ tên của chủ nhân. Ông Phúc Thành dừng lại bên cánh cổng còn đắp dòng chữ tuy đã sứt vài mảnh nhưng còn đọc được. Tim ông đập những nhịp đập rộn rã, dòng chữ "Phúc Hưng" như xa như gần, như ẩn như hiện khiến cặp mắt ông dàn nước. Ông khẽ đưa tay lau những giọt nước mắt, cổ họng thấy ngẹn lại.

Hai ông bước qua cánh cổng, tiếng kêu ken két của cánh cửa lâu ngày không có người chăm chút làm cả hai ông đều e ngại. Ông Hào đẩy mạnh tay. Cánh cửa rộng ra, mảnh sân thênh thênh gặp gió bay tung tỏa mấy chiếc lá khô rơi vương vãi. Góc sân, bầy gà con kiêu chiêm chiếp quanh chiếc lồng bu lớn. Một người đàn bà độ ngoài năm mươi, ăn mặc tềnh toàng đang lúi cúi bên đống rơm. Người đàn bà đó ngừng tay quay ra nhìn hai ông khách lạ.

Ông Hào giơ tay làm hiệu, ý nhắc người đàn bà chủ nhà cho hai ông được tự nhiên. Người đàn bà đã nhận ra ông Hào nên tiếp tục làm nốt công việc dang dở.

Ngôi biệt thự to rộng ngày nào giờ được chia thành nhiều hộ. Bằng chứng là mỗi hộ được đánh dấu bằng những căn bếp nhỏ lụp xụp và ám khói rơm. Hành lang trước nhà giờ có những tấm cót quây lại làm nơi chứa thóc cùng những tấm phên tre ngăn từng ô xác định ranh giới các hộ. Mảnh sân rộng thênh thênh nhằng nhịt dây phơi. Trên đó lủng lẳng những quần áo đủ màu cùng những đọn rơm lâu ngày không ai dỡ xuống, gặp gió bay lả tả. Ông Phúc Thành đảo mắt nhìn về chỗ chiếc bể nước mưa ngày xưa. Chỗ ấy bây giờ là một chuồng lợn với bầy lợn đang rít đòi ăn. Cây bưởi không thấy đâu. Ông Phúc Thành chợt thấy nhói trong ngực, xa lạ thế nào ấy. Cơ mặt ông giật giật. Ông Hào biết ý, đánh tiếng chào người đàn bà bên đống rơm rồi kéo tay ông Phúc Thành:

- Mời ông lại đầu làng. Xã đang cho dựng lại ngôi trường học cũ. Cũng là lấy lại chút xưa các cụ làm gương cho con cháu trông vào.

Chỉ đợi có thế. Ông Phúc Thành bước vội ra cổng như để trốn chạy, nhưng bước chân ông nặng trĩu khiến ông Hào phải đẩy nhẹ vào lưng. Hai ông già chẳng ai nói với ai, cũng chẳng đáp lại lời mời vào nhà uống nước của người đàn bà nọ. Họ đi nhanh về phía đầu làng.

***

- Tôi cứ ân hận mãi. Không giữ được nghiệp xưa nghề cũ của các cụ.

- Hoàn cảnh xô đẩy thôi mà.

Tuần trà đêm đã vơi. Ngoài trời không gian như ngưng lại. Ở làng đêm thường vắng lặng, nhưng dịp này đang vào mùa làm ăn giáp tết nên chốc chốc lại vọng lại tiếng xe máy chạy ngoài đường. Ông Hào đứng dậy xúc ấm trà mới. Ông bước ra ngoài, lúc này ông Phúc Thành mới mạnh dạn đặt bàn tay mình lên tấm ảnh người con gái. Tim ông đập thổn thức, những ngón tay run run thoa thoa gương mặt người trong ảnh. Ông nhắm mắt lại như để hình dung, như để an ủi lòng mình.

- Hồi đó tôi cứ... cứ ghen với ông mãi.

Ông Hào một tay cầm ấm trà, một tay cầm giẻ lau bàn cứ lau đi lau lại mặt bàn, giọng chân thật. Gió từ ngoài cửa thổi luồng lành lạnh vào căn phòng. Chút lạnh bất ngờ làm ông Phúc Thành bật ho, ông ép mạnh cả hai bàn tay vào cổ đỡ tiếng ho.

- Hồi đó tôi cứ ghen với ông mãi. Giờ nghĩ lại thấy mình trẻ con thế nào ấy.

- Sau khi tôi đi. Ngôi nhà bên Cựu là thế nào hả ông?

Ông Phúc Thành hỏi lảng. Đối với ông thì tất cả đều là những kỷ niệm khó tìm lại được, khó có lại được.

Hồi đầu thế kỷ hai mươi, làng Cựu và thôn Từ đều là những làng quê nghèo xơ nghèo xác. Cả làng không lấy một viên gạch chứ nói gì đến nhà cao cửa rộng. Vùng quê vốn thuộc miền chiêm trũng quanh năm bì bõm trong nước, cây lúa vớt lên từ nước, con người lớn lên trong nước. Gia sản duy nhất của người dân hai làng là những đàn vịt lội ngang dọc trên mặt nước.

Những tưởng cái nghèo cái hèn cứ đeo đuổi mãi nếu như không có trận hỏa hoạn kinh hoàng cuối năm 1920, làng Cựu cháy không còn một xác lá, trơ lại nền đất khét mùi khói. Sau thảm họa ấy người làng Cựu dắt díu nhau tha hương kiếm cớ sinh nhai. Họ tản khắp nơi, trong Nam có ngoài Bắc có, nhưng đông nhất là lên Hà Nội làm thuê.

Ông Phúc Hưng, bố của anh Phúc Thành vốn nhanh nhẹn lại cường tráng nên làm thuê cho gia đình một viên chức ngành thuế người Pháp. Ông "Tây đoan" này hàng ngày bắt ne bắt nẹt dám tiểu thương ngoài chợ Đồng Xuân, vậy mà lại có vẻ quí anh lực điền làm mướn trong nhà. Thương anh trai lạnh, ông "Tây đoan" nhường lại cho bộ vét cũ để anh mặc đỡ rét. Thì ra người Việt mặc âu phục đâu đến nỗi, cũng tàm tạm.

- Nếu không có cái chí của ông cụ nhà tôi thì...

Ông Phúc Thành bỏ lửng câu nói, nâng chén trà lên chiêu một ngụm. Ông chít chít đầu lưỡi qua kẽ răng như để tận hưởng hết cái vị chát mà ngọt của chè Thái Nguyên chính hiệu.

- Ông cụ tôi mê chè Thái đến độ đi nằm rồi sực nhớ từ tối bận quá chưa pha một ấm, lại ngồi dậy nhắc đứa ở đun cho ấm nước.

- Vâng, ông cụ đẹp thật. Lại khéo tay nữa. Nhưng nghiêm khắc, tôi không quên những lần bị ông quở vì trót làm ẩu khách bắt đền.

Ông Hào vừa chế thêm nước cho ấm trà vừa đế vào câu chuyện.

- Tôi là con trai cụ mà cụ có nương tay đâu. Cụ không thiên vị một ai. Thế mới thành tài được.

- Nghe đâu hồi ở nhà ông "Tây đoan", ông cụ nhà ta vất vả chân tay lắm. Vậy mà học được nghề may, kể cũng phục.

- Ông cụ mê nghề may hơn cả mê vợ... Nhưng cũng phải công nhận lão "Tây đoan" biết nhìn người. Thấy cụ nhà tôi thích thú với nghề may, lão cho thôi việc để ông cụ xin đi làm cho hiệu may đồ tây ở phố Hàng Gai.

Anh lực điền Phúc Hưng không ngờ lại là người có hoa tay, cộng với đức tính chăm chỉ và cầu thị nên chả mấy đã vững tay nghề may. Những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã hoàn thành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Người Pháp bắt tay thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai với sự đầu tư lớn cho chỉnh trang và mở rộng các đô thị nhằm phục vụ cho giới chức Pháp và lớp thị dân người Việt. Sự ăn cái mặc được chăm chút hơn. Cũng theo đó mà hình thành nên nhiều tiệm may với những lớp thợ xuất thân là nông dân hay dân nghèo thành thị. Anh Phúc Hưng từ chỗ học việc, làm thuê đã tiến một bước, tự lo cho mình hiệu may nho nhỏ. Chất lam làm, sáng dạ của anh đã lôi kéo được nhiều anh em làng Cựu đang làm thuê ở Hà Nội. Họ kết nhau lại gây dựng nghiệp may và cho ra đời những cửa hàng, cửa hiệu may comple – veston của người Việt. Thời ấy những cái tên hiệu may của chủ nhân là dân làng Cựu rải rác khắp Hà thành, đông nhất là ở các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào. Người làng Cựu nổi lên là những người thợ may âu phục danh tiếng trong cả nước.

Hiệu may "Phúc Hưng" nhanh chóng lấy được uy tín trên đất Hà thành. Dạo đó cánh phụ nữ đua nhau mặc áo dài kiểu tân thời, cánh đàn ông dù nghèo cũng phải sắm cho mình một bộ comple kiểu tây cho hợp thời. Người khá giả sắm bộ áo vest may bằng vải Tôpican hay Tuxe hoặc vải dạ mỏng. Người ít tiền cũng lo cho mình bộ comple bằng vải kaki Nam Định. Nghề may áo âu phục trên đất Hà thành phát đạt kéo theo nhu cầu thợ thuyền. Ông chủ hiệu "Phúc Hưng" quay về làng Cựu, cái làng cháy nham nhở năm nào còn trơ nền đất khét. Ông gọi đám anh em, con cháu họ hàng lại. Được cái người làng Cựu tuy nghèo nhưng sáng dạ, người trước bảo người sau. Người sau nối người sau, cả làng Cựu thành làng may âu phục chuyên comple – veston.

***

Chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường thong thả điểm ba tiếng "boong, boong, boong". Tiếng kêu lần này nghe không lạnh nữa. Ông Phúc Thành đứng dậy rảo mấy bước cho đỡ tê chân. Ông bước lại gần góc nhà, ở đó có cây sào bằng inox căng ngang tường. Ông đưa tay giở giở từng chiếc áo comple được mắc ngay ngắn treo trên sào:

- Trước khi về nước tôi cứ ngỡ bên mình không...

- Cũng lắng đi thời gian dài ông ạ.

Ông Hào đến bên ông Phúc Thành, tay cũng giở giở từng chiếc áo.

- Các cụ nhà ta thật nghĩ trước nghĩ sau. Được miếng ăn miếng mặc không quên quê cha đất tổ.

- Cũng là cái chí phục vong.

Làng Cựu như có cuộc hóa thân kỳ vĩ. Những ngôi nhà to rộng mang phong cách Pháp đua nhau mọc lên. Người làng Cựu có tiền bảo nhau về quê dựng lại nhà trên nền đất cũ. Cả làng quê rộn ràng những gạch những đá. Gạch để xây nhà, đá để lát đường. Đường làng Cựu vào loại độc nhất vùng bởi nó lát toàn đá xanh. Đám trẻ con thôn Từ chạy thỏa thích. Người thôn Từ kéo sang làng Cựu làm thuê, kéo sang học nghề may âu phục. Thôn Từ bắt đầu ra đời những hiệu may. Anh trai thôn Từ  có cái tên là Hào trở thành thợ may giỏi. Tay kéo của anh không thua kém tay kéo anh trai làng Cựu có cái tên là Phúc Thành là mấy.

- Tiếc quá. Sau cải cách những ngôi nhà bên Cựu được chia cho bần nông. Chủ mới họ dỡ bỏ hết ban thờ. Mấy chục năm rồi không có cách nào để thắp cho ông cụ nhà ông nén nhang được.

Ông Hào nói chân thành, giọng tiếc nuối. Đôi mắt ông như sáng lên đầy kính trọng.

- Còn giữ được nghề là trọng lắm rồi. Tôi về lần này là lần đầu, không biết liệu có lần nữa không. Nhưng mừng lắm. Ở bên kia tôi bỏ nghề lâu rồi. Bên đó người ta ít vào tiệm may của người Việt mình.

- Ông còn thạo đường kéo lắm.

- Thì nó ngấm vào từng thớ thịt đường gân mình rồi.

Lúc chiều, sau khi ở làng Cựu về, ông Hào đề nghị ông Phúc Thành chỉ cho mấy đường cắt. Nhìn những nhát kéo chắc, dứt khoát. Sau mỗi nhát cắt là tiếng kêu "phập" của ông Phúc Thành đi trên miếng vải làm ông Hào không hết trầm trồ. Hai ông già phấn chí ra mặt, ánh mắt cứ tươi rói như thời trẻ khiến bà vợ ông Hào ý nhị lắc đầu trách khéo. Bà lặng lẽ buông tiếng thở dài.

- Thời thế thật đúng là thời thế.

Ông Phúc Thành giọng chua chát, cặp mắt ông buồn xa vời, nụ cười muốn nở mà như không nở được.

- Hoàn cảnh mà ông. Tôi nhớ năm ấy gia đình ông lận đận lắm.

- Vâng. Ở làng "đội" đánh trống gióng giả, nghe cứ rờn rợn cả đầu óc. Còn trên Hà Nội thì nay họp mai vận động.

***

Sau ngày miền Bắc giải phóng ít lâu, làng Cựu bỗng náo động. Khắp đường làng tiếng chân bước, tiếng mõ la khua thúc giục. Gia đình nhà "Phúc Hưng" cùng các gia đình khác dạt đi. Anh trai trẻ Phúc Thành kịp chạy đến bờ sông Nhuệ. Cô Hồng đang đợi. Cô hốt hoảng khi nhìn thấy Phúc Thành quần áo xộc xệch, mắt nhớn nhác nhìn trước ngó sau. Bữa đó con sông như rộng ra, mênh mông lạ. Phúc Thành cúi xuống nâng đôi tay cô Hồng, bàn tay cô ướt mềm vì lo lắng. Những trận mưa mùa hạ trút xuống hồi đêm khiến dòng sông sầu đỏ, chảy ào ạt cuốn theo bao đám lá. Phúc Thành cứ nâng đôi bàn tay cô Hồng. Tay anh nắm chặt như linh cảm sẽ không bao giờ anh lại được nắm đôi bàn tay ấy.

Hồng là con út của một gia đình nông dân bốn đời chỉ biết có nuôi đàn vịt. Nhà có ba chị em nhưng trời phú cho cô một vẻ đẹp như con cái nhà giàu trên phố. Nước da trắng, nhất là đôi bắp chân mê hoặc đã khiến anh Phúc Thành con ông chủ tiệm may "Phúc Hưng" danh tiếng đất Hà thành chết mê chết mệt. Cô tròn 18, ở quê vào cái tuổi ấy đã coi như xong chuyện dựng vợ gả chồng. Các chị cô đều đã yên bề gia thất. Ngày anh Phúc Thành chưa về làng Cựu, chưa sang chơi bên thôn Từ, cô Hồng đâu như được gia đình anh Hào mấy lần toan chọn dịp để đánh tiếng. Anh Hào và cô cùng lớn lên bên dòng sông Nhuệ. Những bữa sáng trăng anh Hào thường đứng tư lự bên rặng nhãn ven bờ sông Nhuệ. Anh đưa tay ngắt từng chiếc lá thả vu vơ xuống mặt nước. Những chiếc lá lềnh bềnh, trôi dạt về bến nước. Cô Hồng đang giặt áo thấy lá trôi ngang liền vẩy vẩy đầu ngón tay khua đám lá ra xa. Anh Hào lại tư lự ngắt lá thả xuống nước, Hồng ngẩng mặt lên. Dưới ánh trăng suông gương mặt cô bỗng hồng lên là lạ.

Anh Hào nghe nói đã phải lòng cô gái. Anh phải lòng thôi chứ đã đâu dám thổ lộ. Hồng chắc cũng biết nhưng lòng cô đã dành cho người con trai có cái tên Phúc Thành từ lâu rồi. Phúc Thành ôm guitar, đầu cúi xuống, mái tóc chảy xòa che nửa mắt. Giọng anh cất lên buồn thủ thỉ "Về đây khi gió mùa thơm ngát. Ôi lũ chim giang hồ. Bao cánh đang cùng dập dờn trên khắp cố đô. Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca u ù ú mờ mờ trong nắng ven trời". Giọng hát cùng cái dáng rất lãng tử của Phúc Thành đã mê hoặc cô Hồng. Những người hay thức đêm cất vó bên sông Nhuệ nói rằng: "Anh Phúc Thành và cô Hồng đã dan díu với nhau ngoài bãi cát".

- Để tôi xuống bếp đun ấm nước mới. Có hai ông già thôi mà uống cũng hao.

Ông Hào cười đứng dậy xách chiếc siêu nước bước ra ngoài cửa, một luồng gió nhẹ tràn vào làm ông Phúc Thành ho khục khục. Không hiểu vì lạnh hay vì ho mà ông Phúc Thành như tỉnh dòng hồi tưởng. Ông cũng đứng dậy bước ra ngoài. Trời đang mờ sáng. Phía đông quầng sáng thành phố vọng về thời trai trẻ. Ông ngước lên cặp mắt tỉnh hẳn. Khẽ lắc lắc đầu cho đỡ mỏi ông Phúc Thành nói một mình:

- Sắp sáng rồi.

- Vào nhà thôi ông. Tôi đã đun xong rồi. Hay ta làm cái gì đó cho đỡ mỏi tay ông nhỉ?

- Tôi cũng nghĩ thế.

Hai ông già lại bước vào nhà, cổ quàng thước dây, mắt giương mục kỉnh, tay lần theo cuốn vải. Gian phòng như rộng ra bởi sự hào hứng của hai ông già. Trên chiếc bàn cắt hàng ngày của ông Hào, hai ông già đang trải tấm vải ra khắp mặt bàn. Những bàn tay già nổi đường gân vuốt vuốt cho phẳng tấm vải. Rất thong thả, ông Phúc Thành rướn đôi mắt qua gọng kính rồi vạch dứt khoát những nét phấn trên tấm vải. Tấm vải hiện dần những đường thẳng, đường lượn thanh và mảnh. Ông Hào tủm tỉm cười:

- Đúng là anh Phúc Thành con trai cụ Phúc Hưng.

- Ông quá khen. Thấy mà thèm làm nghề quá.

- Nhà ta đi hồi năm 56 ông nhỉ?

- Cải tạo tư sản tư doanh. Ông cụ nhà tôi phẫn quá lôi cả nhà đi. Mới đầu qua Viêng Chăn. Ở đó mấy năm đến khi bên ấy có đảo chính thì mới chuyển sang Pháp.

- Giờ ông mới về?

- Cứ quẩn mãi. Giờ nghĩ mình chắc không còn lâu nữa. Tôi tính về lại thăm quê cho khỏi ân hận.

***

Anh Hào tìm thấy cô Hồng vào lúc tối. Cô đã đứng bên sông Nhuệ đoạn phía cuối cánh đồng cả ngày trời. Mắt cô như vô hồn, thân rã ra, đổ gục vào vai anh Hào. Tiếng nấc giờ mới bật lên thổn thức. Anh Hào lúng túng ghì chặt cô Hồng vào người mình. Toàn thân cô run lên làm anh Hào càng ghì chặt hơn. Từ khi nghe tin cô Hồng với anh Phúc Thành yêu nhau, anh Hào tự trách mình cái số hẩm hiu. Anh giang cánh tay ôm gọn cô Hồng. Lần đầu tiên mặt anh chạm hẳn vào mặt cô. Cảm giác da thịt của người con gái làm anh Hào thấy rạo rực. Bỗng cô Hồng thụp người xuống, cô đưa tay bóp mạnh vào miệng cố ghìm những tiếng ọe.

Anh Hào dìu cô Hồng lặn lội trong đêm trở về làng. Thôn Từ không chịu nhiều biến động như làng Cựu, nhưng cùng với đó nghề may ở làng lại nhường chỗ cho nghề nông vốn có. Làng Cựu có những người dân khác đến ở, họ cảm thấy quá dư thừa trong những ngôi biệt thự rộng rãi bỗng dưng trở thành nhà của mình.

- Sau đận ấy, tôi lên Hà Nội vào làm ở hợp tác xã may mặc Dân Chủ.  Mãi đến khi đổi mới, nghĩ cơ hội tới tôi về làng dựng lại nghề.

- Dù sao cũng còn nối được nghề... Các cụ gây dựng mãi.

- Sao hồi đó... ông... ông không đưa cô Hồng đi theo?

- Cụ nhà tôi đang phẫn chí. Cơ nghiệp gây dựng mấy chục năm trời... Vâng, tôi đã ướm ý cụ... Không trách các cụ được.

- Tôi đâu có ý trách.

- Đi. Nhưng đã đoán định sự ra đi thành bại ra sao đâu. Cụ nhà tôi nói lánh đi. Đâu ngờ hơn 50 năm rồi.

- Ông cụ mất năm nào?

- Năm 72. Cũng may là cụ còn kịp may cắt âu phục cho phái đoàn ta sang thương thảo bên Hội nghị Ba Lê. Được góp chút tài mọn cho đất nước nên ông cụ khi nhắm mắt cũng nguôi ngoai.

- Đất nước mở cửa đã lâu, ông về muộn quá.

- Mình bỏ đi. Nghĩ mặc cảm quá. Nghĩ có lỗi nhiều quá. Tôi cứ sợ... sợ cô Hồng có mệnh hệ gì nên chẳng dám về.

Trời đã rạng sáng, bên nhà hàng xóm văng vẳng giai điệu bài tập thể dục vang lên từ loa tivi nhà ai. Ông Phúc Thành đã đi xong những nhát kéo cuối cùng. Cuốn gọn những miếng vải đã cắt thành các thứ theo từng bộ phận của chiếc áo, ông Phúc Thành nâng hai tay chuyền qua bên bàn cho ông Hào.

- Tôi đã cắt xong, phiền ông may thành áo.

- Cảm ơn ông. Ông cắt, tôi may, thế là hai ta về già còn được chung nhau làm cái mà cả đời tôi và ông đeo đẳng.

Hai ông già nhìn nhau cười, tiếng cười sảng khoái nhất mà họ có được kể từ buổi sáng hôm qua. Hai ông cùng bước lại bàn nước, thư thái hưởng nốt tuần trà. Căn phòng sực nức mùi trà ngấm kỹ, thứ mùi lan lan lên miệng, lan sâu vào trong họng.

- Tôi... tôi...

- Ông thưởng trà đi đã. Để tôi nhắn... nhắn bà ấy về làm cái gì cho bữa sáng.

- Khỏi phiền ông ạ. Tôi... tôi xin phép đi kẻo lỡ... Tôi đã lỡ cả đời rồi. Phiền ông chào bà nhà giúp tôi. Tôi sợ...

- Chiều qua tôi đã gọi điện. Sáng nay thằng... thằng Phúc Thuận sẽ từ thành phố Hạ Long về. Nó bảo lo xong việc khai trương tiệm may "Phúc Thuận" là về ngay, chắc sắp về tới nhà. Ông... không đợi... đợi gặp... gặp con ư?

- Phúc... Thuận. Con... con... tôi...

Ông Phúc Thành lắp bắp. Mặt ông tái đi nhợt nhạt. Ông ngồi phịch xuống ghế người đờ đẫn. Hồi sau gương mặt ông chuyển từ tái nhợt sang đỏ. Đôi mắt ông sáng lên những tia sáng hiếm có ở người già. Đoạn ông đứng dậy bước nhanh về phía ban thờ. Ông Hào cũng bước theo. Hai ông già luống cuống châm mấy nén nhang. Khói nhang chầm chậm cuộn thành những vòng tròn nhỏ rồi tỏa ra mùi trầm hương ngào ngạt. Đưa tay dụi mắt, ông Phúc Thành vái thành kính. Bất chợt ông Phúc Thành hướng sang ông Hào bái lạy

- Cho tôi được tạ ơn ông, được tạ ơn cô Hồng... bà... bà nhà. Họ Phúc nhà tôi vẫn còn có phúc.

- Ấy chết, xin ông đừng làm thế. Ông... ông còn về lại nữa mà

- ........

Ông Phúc Thành lạy ba lạy. Mi mắt ngấn lệ nhưng ánh mắt lại rưng rưng cảm xúc. Một thứ cảm xúc khác lạ mà nhiều day dứt chen lẫn niềm vui đến quá bất ngờ. Ông Hào đứng ngây người ra không có phản ứng gì. Miệng ông như định nói thêm câu gì đó. Hai ông già nhìn nhau vừa lúng túng vừa đăm chiêu nghĩ ngợi. Rồi ông Phúc Thành hướng về phía ban thờ chắp tay bái thêm lần nữa, đoạn ông dứt khoát bước ra ngoài cửa. Những tia nắng sớm soi qua cành bưởi, chiếu xuống nền sân tạo nên những sắc sáng lay động qua từng cơn gió.

- Để tôi ngắt biếu ông mấy quả bưởi. Ông mang sang bên đó làm quà tết.

Ông Hào gọi với theo. Ông Phúc Thành người xiêu xiêu, bước chân vồi vội như sợ không kịp điều gì đấy.

Truyện dự thi: Nghề làng - Ảnh 1.