Nhiều khoảng trống pháp lý
Ngày mai, 23.5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường những ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Vụ Pháp chế là đơn vị được Bộ Y tế giao chủ trì soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (Dự thảo Luật).
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đánh giá: Nhiều điều trong Dự thảo Luật hiện nay đang tạo khoảng trống pháp lý, không làm rõ được tác hại của rượu bia như mục tiêu ban đầu cơ quan soạn thảo Luật mong muốn. Ví dụ như: Quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên bị thay thế bằng chỉ cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 15 độ cồn trở lên, không cấm đối với bia.
"Trong khi đó, bia cũng là sản phẩm có cồn, gây nghiện. Người dân uống 1 lon/cốc bia tương đương 1 chén nhỏ rượu. Tác hại của rượu, bia là như nhau. Nếu chỉ cấm quảng cáo rượu mà không cấm quảng cáo bia thì mọi người dễ hiểu nhầm “chỉ có rượu có hại, bia thì không”, ông Quang phân tích. Tại Việt Nam, 95% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn hiện nay là bia.
Ông Nguyễn Huy Quang: "Cần phải cấm quảng cáo với cả bia vì rượu và bia đều có tác hại như nhau". (Ảnh: PV)
Theo bà Trần Xuân Hằng (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế): "Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet đang được các DN nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định cấm".
Nghiên cứu trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho thấy, 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu hơn 50mg/100ml máu. Đa số là tai nạn nghiêm trọng và có tới 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn. |
“Quảng cáo rượu bia thúc đẩy quyết định sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên và làm tăng mức độ tiêu thụ rượu bia ở những người đang sử dụng rượu bia. Hạn chế quảng cáo rượu bia làm giảm tiêu thụ rượu bia, giảm tai nạn giao thông và gánh nặng bệnh tật do rượu bia. Do đó, Luật phải có các quy định chặt chẽ để kiểm soát quảng cáo rượu bia” – ông Quang nhấn mạnh.
Về điều này, ông Quang dẫn chứng, những nước cấm quảng cáo cả bia và rượu trên truyền hình và radio có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia thấp hơn 11% và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 23% so với những nước chỉ cấm quảng cáo rượu mạnh.
Chưa kể, trong các Dự thảo Luật trước đưa ra rất nhiều quy định nhằm hạn chế việc tiếp cận của người dân quá dễ dàng với rượu, bia như cấm bán rượu, bia tại trạm dừng đỗ xe, cấm bán sau 22 giờ..., nay cũng bị bỏ.
Ngoài ra, Dự thảo Luật hiện nay không quy định việc cấm tài trợ trong một số hoạt động như y tế, giáo dục; không quy định cấm tài trợ của rượu bia với rượu trên 15 độ. Cách thức quy định tại Dự thảo Luật tạo nhiều kẽ hở để các tổ chức, cá nhân kinh doanh bia sử dụng để quảng cáo rượu bia.
Hiện nay, có phương án chuyển Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia thành “Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khỏe con người”.
Với phương án này, ông Quang khẳng định Ban soạn thảo bảo lưu tên gọi ban đầu là "Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia". “Tên gọi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia” đơn giản, dễ hiểu, phản ánh trực diện tác hại cấp tính của rượu bia đối với sức khỏe con người. Còn tên gọi mới quá rắc rối, cả chuyên gia cũng khó mà nhớ để gọi tên cho đầy đủ, chính xác” – ông Quang chia sẻ.
TS Trần Tuấn: "Phong trào vận động “Đã uống rượu bia thì không lái xe” chỉ là biện pháp “đánh rắn giữa khúc”, không hạn chế được triệt để tác hại của rượu bia, giảm tai nạn giao thông". (Ảnh: P.V)
Phải có quy định nghiêm khắc
Theo TS Trần Tuấn, Trưởng Ban Điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN), so với dự thảo Luật lần 1 thì các quy định tại “phiên bản” mới nhất của dự luật này (sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa khai mạc) có "độ lùi" lớn nhất trong việc hạn chế tính sẵn có, tràn lan của rượu, bia. Nhiều điều khoản liên quan đến kiểm soát quảng cáo, tiếp thị và tài trợ rượu, bia nhằm kiểm soát việc sử dụng rượu, bia đã bị đưa ra khỏi dự thảo hoặc điều chỉnh làm yếu đi.
TS Tuấn cho rằng, rượu bia là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, tội phạm tình dục, bạo hành gia đình, bạo lực xã hội. Hơn 70% các vụ mâu thuẫn đâm chém nhau ở nơi công cộng, có liên quan trực tiếp với rượu bia… Hậu quả của bia rượu đa dạng như vậy chắc chắn không thể chỉ bằng câu nhắc nhờ: “Uống ít”, “Uống rượu bia nhưng đừng lái xe”, “Uống rượu đừng xâm hại phụ nữ, đừng gây gổ được”. Rượu là chất gây nghiện, đã nghiện sẽ uống nhiều, uống nhiều thì còn đâu đủ tỉnh táo để làm suy xét, kiểm soát hành vi.
"Sự thật khoa học là không có ngưỡng an toàn cho rượu bia. Gần đây có phong trào vận động “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, nhưng đây chỉ là biện pháp “đánh rắn giữa khúc”, không triệt được hậu quả như tôi đã phân tích. Muốn “đánh rắn dập đầu” thì cần phải giải quyết căn nguyên thực sự gây tai nạn giao thông kinh hoàng và các tác hại cấp tính, lâu dài do rượu bia gây ra. Để làm được điều đó cần có một dự luật tuân thủ theo đúng cơ sở khoa học quản lý chất gây nghiện, gây ung thư như tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo” – TS Tuấn phân tích.
“Đau đớn thay, dự Luật được phát triển trong 2 năm qua, tốn không biết bao nhiêu sức người sức của cả nguồn lực trong nước và quốc tế, vậy mà "càng ngày càng xa khoa học và kinh nghiệm quốc tế", tới độ phiên bản hiện tại thực chất chỉ còn hình thức có luật mà thôi. Theo Dự thảo Luật PCTHCRB hiện nay thì không thấy điều khoản cụ thể nào khắc chế hữu hiệu tai nạn giao thông do rượu bia gây ra như kinh nghiệm quốc tế đã làm: Cấm và phạt tù thật nặng” – TS Tuấn ngậm ngùi.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), rượu, bia góp mặt trong 70% vụ phạm pháp hình sự ở nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi. Ngoài ra, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 4.800 người có liên quan đến rượu, bia. Thiệt hại kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3 - 12% GDP. |