Dân Việt

Cơ hội để Mỹ bóc trần bí mật về vũ khí bảo bối của Nga

Sputnik 21/05/2019 20:30 GMT+7
Nghiên cứu về chiến thuật sử dụng, đặc điểm kỹ thuật và xác định điểm yếu: đã từ lâu người Mỹ thu thập các mẫu vũ khí của Liên Xô và Nga trên khắp thế giới.

img

Đầu tháng 5, một người dùng Twitter đã công bố hình ảnh vệ tinh của hệ thống tên lửa phòng không S-300PT được triển khai tại một căn cứ Mỹ. Theo các chuyên gia, hệ thống này đã được chuyển đến Mỹ từ Ukraina. Tại sao và bằng cách nào những vũ khí của Liên Xô xuất hiện bên kia đại dương. Sau đây là bài của Sputnik về nội dung này.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PT đã được trang bị cho quân đội Liên Xô vào đầu năm 1979. Nó đã thay thế các tổ hợp phòng không S-125 và S-75. Cho đến giữa những năm 1990, Liên Xô đã sản xuất hơn hai nghìn tổ hợp như vậy. S-300PT có khả năng phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu khí động di chuyển với tốc độ tối đa 1300 mét/giây. Nó có khả năng kiểm soát khu vực trong bán kính 50km.

Đã từ lâu phiên bản S-300PT không còn phục vụ trong quân đội Nga - các hệ thống tiên tiến hơn với tầm bắn xa hơn đã thay thế nó. Tuy nhiên, theo cựu Phó Chỉ huy Phòng không quân sự của Lực lượng Vũ trang Nga, Thiếu tướng Alexander Tazekhulakhov, điều quan trọng đối với người Mỹ là tìm hiểu không chỉ cấu tạo mà còn chiến thuật sử dụng các hệ thống vũ khí Xô viết.

img

Hệ thống phòng không S-300.

Thiếu tướng Tazekhulakhov nói với Sputnik, “họ không phải là những nhà lý thuyết mà là những nhà thực hành. Ở Hoa Kỳ có căn cứ thử nghiệm White Sands, nơi họ tập trung nhiều loại vũ khí khác nhau của đối thủ tiềm tàng. Ví dụ, họ sử dụng các hệ thống phòng không để phi công Mỹ tập luyện cách vượt qua chúng. Tức là, các phi công và chuyên  gia Mỹ làm việc với kỹ thuật thực sự của đối phương tiềm năng".

Theo thiếu tướng, mặc dù các hệ thống phòng không hiện đại vượt trội so với các phiên bản trước về hiệu suất, nhưng, chúng hoạt động theo nguyên tắc tương tự.

“Không chỉ chúng tôi mà cả người Mỹ cũng làm việc theo nguyên tắc này, chuyên gia lưu ý. Ví dụ, hệ thống tên lửa phòng không Hawk có thể được nâng cấp thường xuyên, nhưng, trên thực tế, nó vẫn giống các phiên bản cũ. Các chuyên gia cải thiện khả năng chống nhiễu và những thông số khác. Nhưng, chiến thuật sử dụng vẫn không thay đổi. Do đó, các chuyên gia Mỹ quan tâm không chỉ đến các thông số của hệ thống phòng không, mà còn đến cách sử dụng nó".

Cần lưu ý rằng, vẻ ngoài của hệ thống S-300PT không khác gì với các hệ thống phòng không hiện đại của Nga. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các chuyên gia Mỹ là huấn luyện phi công xác định trực quan tổ hợp này từ trên không.

"Tất nhiên, trong quá trình huấn luyện có thể sử dụng các mô hình, - chuyên gia lưu ý, - nhưng khi sử dụng một tổ hợp thật, nó phản ánh một cách khách quan các đặc nét năng lượng và nhiệt độ. Các phi công có thể tập luyện phát hiện tổ hợp trên chiến trường theo hình dáng bề ngoài, phát hiện các tổ hợp từ không gian vũ trụ".

Về phần mình, Tổng biên tập tạp chí "Kho vũ khí của Tổ quốc", ông Viktor Murakhovsky, có quan điểm lạc quan hơn. Ông nghi ngờ về việc người Mỹ có thể nhận bất kỳ thông tin có giá trị nào vì các hệ thống quá cũ.

“Họ không thể nhận những thông tin có giá trị từ tổ hợp S-300PT. Trinh sát radar có thể cung cấp nhiều thông tin hơn để nghiên cứu khả năng của các tổ hợp hiện đại, - ông Murakhovsky giải thích trong cuộc phỏng vấn của Sputnik. - Hầu như mỗi ngày, máy bay do thám không người lái Global Hawk bay quanh khu vực Kaliningrad và khu vực Crimea. Người Mỹ muốn để chúng tôi đưa các tổ hợp phòng không vào chế độ chiến đấu. Nhưng, chúng tôi vẫn không làm như vậy, vì thế họ chỉ ghi nhận các thông số của radar trực chiến thì thôi”.

Chuyên gia Nga chắc chắn rằng, các đồng nghiệp Ukraine đã chuyển giao hệ thống phòng không của Liên Xô cho quân đội Mỹ. Ở đây không có gì bí mật: người Mỹ đã nhận được các hệ thống này từ Ukraina, ông nói. Các hệ thống phòng không đã được vận chuyển từ đó, cũng như nhiều mẫu vũ khí khác, ví dụ như tổ hợp radar thụ động Kolchuga. Tất cả đã bắt đầu dưới thời Tổng thống Yushenko khi Ukraina bắt đầu xích lại gần NATO và Hoa Kỳ. Khi đó Bộ Quốc phòng Ukraine đã công bố Sách trắng, trong đó nêu rõ mục tiêu chính của họ là gia nhập NATO. Đồng thời, Ukraine đã bắt đầu chuyển giao cho Mỹ các loại vũ khí mà Mỹ quan tâm đến”.

Dưới thời Xô Viết, Ukraine là nước cộng hòa được vũ trang tốt nhất. Trong trường hợp chiến tranh, nước cộng hòa này phải chịu đòn đầu tiên từ phía tây. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, một lượng lớn thiết bị quân sự khác nhau còn lại trên lãnh thổ Ukraine. Ban lãnh đạo mới quyết định kiếm thêm tiền từ việc bán các loại vũ khí đó, đã ký kết các giao dịch quy mô lớn. Trong những năm 1990, Ukraine thậm chí lên hàng đầu trong danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí. Mỹ đã trở thành người mua thường xuyên. Ukraine đã bán hàng loạt xe tăng, máy bay và trực thăng, hệ thống tên lửa, tổ hợp radar và hệ thống phòng không.

Hầu hết các giao dịch đã được thực hiện mà không công khai rộng rãi. Tuy nhiên, một số bản hợp đồng đã được xác nhận. Ví dụ, trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2014, Ukraine đã cung cấp cho Mỹ hàng chục phương tiện chiến đấu bộ binh, chủ yếu là BMP-2, cũng như một số BMP-3 mới nhất tại thời điểm Liên Xô sụp đổ, được đưa vào sử dụng vào năm 1987. Mỹ đã mua những lô xe tăng chủ yếu để làm mục tiêu khi kiểm tra tính hiệu quả của các loại vũ khí chống tăng của Mỹ.

Một số máy bay chiến đấu cũng đã lọt vào tay các chuyên gia quân sự Mỹ. Ví dụ, Kiev đã bán cho công ty tư nhân Pride Airplane có trụ sở tại Chicago hai chiếc Su-27UB - đoạn video về các chuyến bay của chúng được tung lên Internet. Nhiều khả năng, các chiếc máy bay này chuyên đóng vai địch (aggressor) trong huấn luyện và tập trận của Mỹ. Năm 2009, Hoa Kỳ đã mua của Ukraina năm hệ thống tên lửa chiến thuật 9K72 Elbrus với tên lửa R-17. Rõ ràng, những chiếc S-300PT cũng đến Mỹ theo cách tương tự.

Ngoài ra, sau sự sụp đổ của Liên Xô, hàng chục doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng với rất nhiều tài liệu thiết kế và công nghệ ở lại trên lãnh thổ Ukraine. Xin nhắc lại rằng, vào tháng Tư, Ukraine đã rút khỏi thỏa thuận CIS về bảo vệ các bí mật trong lĩnh phát minh. Tài liệu của CIS bảo vệ các bí mật kể cả trong lĩnh vực quốc phòng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tất cả các tài liệu có giá trị đã được bán hết từ lâu và bước đi này của chính phủ Ukraine chỉ mang tính hình thức.