Dân Việt

Nghề nào sẽ được nghỉ hưu sớm?

Thuỳ Anh 22/05/2019 19:00 GMT+7
Dự thảo Luật Lao động đang được đưa ra lấy ý kiến, trong đó có quy định tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên sẽ có một số ngành đặc thù sẽ được nghỉ hưu sớm.

Theo dự thảo Luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐTBXH đang dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu của lao động. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tăng từ 55 lên 60 tuổi, nam tăng từ 60 lên 62 tuổi. Việc tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình chậm để đảm bảo không gây sốc cho người lao động.

Tuy nhiên, không phải tất cả lao động đều bị tăng tuổi nghỉ hưu, có những ngành nghề độc hại, đặc thù được ưu tiên về hưu sớm.

Chia sẻ với Dân Việt ngày 22.5, ông Nguyễn Anh Thơ – Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện nay Cục An toàn lao động đang soạn thảo văn bản đề xuất danh mục nghề đặc thù, công việc nguy hiểm mới.

“Ví dụ trước đây công nhân sản xuất, chế tạo vải có thể được xếp vào ngành nghề độc hại vì thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn, bụi vải, nhưng nay khi áp dụng công nghệ vào sản xuất, dây truyền máy móc giúp công nhân không làm việc chân tay nhiều, đồng thời cũng hạn chế được tiếng ồn và bụi bẩn thì rõ ràng công nhân không còn làm nghề độc hại, đó cũng không phải là nghề đặc thù nữa” , ông Thơ phân tích.

img

Nhiều kiến nghị cho rằng, công nhân may hoặc những công nhân làm việc trực tiếp trong môi trường kín, bụi bẩn... cần được xem là làm công việc độc hại, được về hưu sớm. Ảnh: I.T

Theo thông tư 15/2016 của Bộ LĐTBXH thì hầu hết các ngành nghề đều có danh mục nghề độc hại, đặc thù. Phải kể đến một số nghề như: Công nhân làm nghề lưu trữ, công nhân làm hầm lò, khai thác khoáng sản, bác sĩ làm việc ở vùng sa mạc, hải đảo, thủy thủ, người làm việc trên biển, lái xe tải từ 7 tấn trở lên... Theo quy định, lao động làm trong các ngành này được đặc cách về hưu sớm từ 5 tới 10 năm.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tỏ ra băn khoăn với một số ngành nghề nếu nghỉ hưu ở tuổi 60 (nữ) và 62 (nam). Ông cho rằng, dự thảo Luật Lao động cho phép người làm công việc đặc biệt, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng công nhân làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp lại không thuộc đối tượng này.

Thực tế, hiện nay không có người lao động trực tiếp về nghỉ hưu đúng tuổi, chủ yếu nghỉ sớm nên hưởng lương hưu rất thấp. Vì vậy, Tổng Liên đoàn đề nghị bổ sung một số ngành nghề đặc biệt bên cạnh các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vào dự thảo Luật Lao động.