Khiếu kiện về đất đai luôn dẫn đầu
Mặc dù thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tác động rất lớn tới quyền lợi của người dân và công tác công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quy định rất cụ thể, là yêu cầu bắt buộc trong Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng và nhiều văn bản pháp lý khác nhau, nhưng trên thực tế, việc thực hiện còn nhiều hạn chế.
Tại Báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy, mặc dù các địa phương trên cả nước đã có nhiều chuyển biến trong công tác công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá bồi thường thu hồi đất, song vẫn chỉ ở mức khiêm tốn. Trong năm 2018, chưa tới 25% số người được hỏi được biết về quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất khu vực mình sống. Chưa đến 30% cho biết họ có cơ hội tham gia góp ý kiến cho kế hoạch sử dụng đất.
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, tình hình khiếu kiện, từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát sinh trong 342.710 đơn khiếu nại với 156.071 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước, thì khiếu nại về đất đai chiếm trên 60% số này. Cụ thể, từ ngày 1.7.2014 đến 31.12.2018, trụ sở Tiếp công dân T.Ư đã tiếp 17.934 lượt công dân có khiếu nại về đất đai, chiếm 62,2% tổng số công dân; xử lý 15.015 đơn khiếu nại đủ điều kiện, trong đó có 10.834 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm 72%.
Điển hình của việc thiếu minh bạch trong công khai quy hoạch đã tạo ra những khiếu nại bức xúc kéo dài tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM). Dự án được Thủ tướng duyệt từ năm 1996 nhưng từ đó đến nay, người dân liên tục kiện tụng, khiếu nại vì không đồng tình về vấn đề xác định ranh giới quy hoạch và mức tiền đền bù đất quá "rẻ mạt". Đỉnh điểm khiếu kiện diễn ra trong năm 2018 khi xuất hiện thông tin bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc.
Cử tri chất vấn lãnh đạo TP về việc không tìm thấy bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. (ảnh: Văn Châu)
Theo kết luận Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong quá trình triển thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP. HCM và các sở, ngành liên quan đã để xẩy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, việc triển khai quy hoạch dự án có sai phạm khi đưa 4,3 ha đất nằm ngoài ranh quy hoạch vào quy hoạch rồi buộc người dân phải di dời, có 321 hộ dân trong khu 4,3 ha này.
Trong một buổi đối thoại cùng người dân quận 2, Chỉ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã thẳng thắn nói lời xin lỗi: "Thay mặt lãnh đạo thành phố trong các thời kỳ, tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm về những sai sót, hạn chế trong quá trình thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm. Tôi rất xin lỗi!". Trước đó, UBND TP HCM cũng nhận trách nhiệm vì đã không thực hiện đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và xin lỗi người dân.
Tại Hà Nội, việc triển khai dự án tuyến phố dài 1,5 km nối đường Nguyễn Văn Cừ và đê Tả ngạn thuộc quận Long Biên, hay dự án đường Trường Chinh mở rộng, tranh chấp tại Khu Ngoại giao đoàn là những ví dụ điển hình.
Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội công khai công tác quy hoạch xây dựng tuyến đường Vành đai 1 với các hộ dân.
Mới đây nhất, liên quan tới khiếu nại tố cáo liên quan đến Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội cần đối thoại và công khai toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng tuyến đường Vành đai 1 với các hộ dân.
“Cơ hội” cho tham nhũng đất đai
Việc thiếu công khai, minh bạch thông tin quy hoạch đang tạo ra những ảnh hưởng xấu, bởi nó gắn liền với quyền lợi của người sử dụng đất. Việc này vừa tạo không tạo ra sự đồng thuận trong quá trình triển khai dự án vừa là cơ hội cho tình trạng tham nhũng liên quan đến đất đai phát triển.
Theo một số chuyên gia bất động sản cho rằng, thủ đoạn tham nhũng về đất đai muôn hình vạn trạng nhưng chủ yếu dưới hai hình thức: Thứ nhất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để "ban phát" về đất đai một cách ưu ái như giao đất, cho thuê đất với diện tích lớn, vị trí thuận lợi, giá đất thấp, giải quyết thủ tục nhanh chóng một cách bất thường và trục lợi thông qua việc "ban phát" ưu ái đó, nhất là đối với đất các dự án đầu tư; Thứ hai, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn để vòi vĩnh khi thực hiện các thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.
Kết quả các cuộc kiểm tra minh chứng, đối tượng tham nhũng đất đai là một số cán bộ, công chức có thẩm quyền quyết định hoặc trực tiếp làm các thủ tục về phê duyệt quy hoạch xây dựng, giao đất, cho thuê đất; cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi, giải phóng mặt bằng…
Người dân phản đối việc điều chỉnh quy hoạch tại Khu Đoàn Ngoại giao (Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội)
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, hệ quả từ việc thiếu thốn các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo ra rủi ro cho các giao dịch chuyển nhượng đất đai, đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ về tham nhũng. Một trong những ví dụ đơn giản nhất có thể nhìn thấy là việc khi muốn mua quyền sử dụng một mảnh đất, phần lớn người tham gia giao dịch khó kiểm chứng được miếng đất đó có tranh chấp hay giải tỏa gì không.
Theo quy định hiện nay, với thông tin quy hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường của quận/huyện nơi mảnh đất tọa lạc sẽ nắm thông tin này và sẽ cung cấp thông tin khi có yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để người dân có được thông tin từ cơ quan này.
Cũng theo ông Tuyến, ngoài việc chồng chéo dữ liệu giữa UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên - Môi trường và các phòng/văn phòng công chứng, thì không ngoại trừ trường hợp gây khó dễ để đòi "phí lót tay". Cũng không ngoại trừ một số lãnh đạo địa phương ém nhẹm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không công bố rộng rãi, mà chỉ cung cấp cho một số nhà đầu tư, nhằm đầu cơ trục lợi.
Được biết, đầu năm 2018, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần công bố công khai đến người dân, doanh nghiệp các thủ tục hành chính, thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng./.