Dân Việt

Đừng coi nhẹ tâm lý trẻ dậy thì

Diệu Linh 25/05/2019 06:30 GMT+7
Con bỗng thay đổi, tính khí thất thường, cáu kỉnh, cục cằn hoặc ít nói, lầm lì..., hầu hết các cha mẹ đều cho rằng “qua tuổi dở dở ương ương sẽ ổn”. Tuy nhiên, không ít trẻ đã có nhưng biểu hiện nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý.

Bỗng dưng đau hết cơ thể

Bác sĩ Đỗ Minh Loan – Trưởng Khoa sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi T.Ư) chia sẻ, mới đây, khoa đã tiếp nhận một em gái 11 tuổi ở Hà Nam lên điều trị. Mẹ bé cho biết, em đang khỏe mạnh bỗng dưng liên tục bị đau bụng quằn quại, đã đi khám ở nhiều nơi nhưng không đỡ. Các chiếu chụp cho thấy bệnh nhân có bị xung huyết dạ dày và đã được điều trị. Tuy nhiên, các biểu hiện đau dữ dội của em lại quá nghiêm trọng, không chỉ là do đau dạ dày. Em có thể đang ngồi chơi, nói chuyện bình thường, bỗng dưng lại ôm bụng đau đớn...

img

TS, bác sĩ Đỗ Minh Loan đang tư vấn cho bệnh nhân vị thành niên.  Ảnh: D.L

"Nếu thấy con có dấu hiệu kéo dài từ 2 tuần trở lên có cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc vô vọng; giận dữ, cáu kỉnh hoặc thất vọng chỉ với những việc rất nhỏ; hoặc những việc đơn giản nhưng con không đưa ra được quyết định; thường lo lắng, bồn chồn, suy nghĩ chậm chạm, kém tập trung… cha mẹ phải đưa con đến ngay cơ sở y tế để sàng lọc, tư vấn và hỗ trợ”.

Bác sĩ Đỗ Minh Loan

Các bác sĩ tâm lý đã nói chuyện, chia sẻ với em và nhận thấy, em bị căng thẳng với những biến đổi của cơ thể khi bắt đầu dậy thì. Đồng thời, việc chuyển từ cấp 1 sang cấp 2 với cách học tập, sinh hoạt khác biệt đã khiến em căng thẳng, dẫn đến rối loạn hành vi.

Lại có một em trai 13 tuổi quá khích, khó bảo. Lúc đầu, bố mẹ em đều cho rằng chỉ là sự ngỗ ngược của tuổi dậy thì. Tuy nhiên, càng ngày sự bạo lực, cáu bẳn của em càng nghiêm trọng. Ở nhà, mẹ nói là phát khùng đập vỡ tivi. Bạn bè ở lớp chỉ trêu chọc vài câu là đánh bạn dã man, cô giáo nhắc nhở là bỏ ra khỏi lớp, thậm chí còn đe dọa “bóp chết” cô. Cô giáo hoảng hốt yêu cầu cha mẹ cho em đi khám tâm thần. Tuy nhiên, cha mẹ lại sợ đưa con đến bệnh viện tâm thần sẽ mang tiếng nên đưa đến bệnh viện nhi để được tư vấn.

“Đa số các em vị thành niên đến đây đều đã gặp các vấn đề rối loạn hành vi, rối loạn lo âu trong một thời gian dài, đến khi hành vi nghiêm trọng (bỏ học, đòi tự tử, bạo lực, sa sút, bệnh tật) mới đưa con đi khám. Cha mẹ đã nghĩ rằng, đó chỉ là biểu hiện nhất thời của tuổi dậy thì và nghĩ rằng khi trẻ lớn lên, mọi “bất thường” sẽ qua, trẻ sẽ biết nghĩ hơn. Tuy nhiên, khi đã bị trầm cảm, rối loạn hành vi, nếu như không được tư vấn và điều trị, những đứa trẻ này khi lớn lên cũng sẽ gặp nhiều vấn đề về tâm lý, khó hòa nhập, khó hạnh phúc” - bác sĩ Loan nói.

Điều trị cho cả... cha mẹ

Thạc sĩ tâm lý Dương Thị Xuân (Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, để điều trị tâm lý cho trẻ vị thành niên cần một thời gian dài, cần sự kiên nhẫn và hợp tác của cả các bậc cha mẹ. Các em phải được chia sẻ, cởi gỡ các khúc mắc từng tí một. Nguyên nhân khiến các em trầm cảm, rối loạn hành vi cũng có sự tác động lớn của môi trường sống, quan hệ giữa bố mẹ - con cái, với bạn bè… Do đó, khi tư vấn cho các em, các bác sĩ, chuyên viên tâm lý sẽ phải “điều trị” cho cả bố mẹ để họ có thể hiểu các vấn đề của con và cùng giúp đỡ các em. Nếu các em đã được điều trị ổn định, nhưng sau đó, về với gia đình, nhà trường mà vẫn gặp phải các xung đột, khúc mắc cũ thì các em rất dễ tái phát.

Theo thạc sĩ Xuân, đáng tiếc, không ít ca bệnh đều điều trị giữa chừng, hoặc cha mẹ đưa con đến thất thường, cảm thấy “đỡ đỡ” là thôi. “Mới đây, chúng tôi  tư vấn cho một em trai 14 tuổi với các hành vi bạo lực, thường xuyên gây gổ, đánh nhau. Em này là bệnh nhân cũ của chúng tôi. Trước đó, em ấy đã được tư vấn và tính khí đã khá ôn hòa. Tuy nhiên, mới đến gặp bác sĩ được 3-4 buổi, cha mẹ thấy con mình đã “vui vẻ, dễ nói chuyện” liền bỏ trị liệu. Ai dè đến nửa năm sau, cậu bé lại “tái phát” tật cũ, với mức độ bạo lực hơn trước” - thạc sĩ Xuân nói.

Theo bác sĩ Loan, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên. “Yếu tố gia đình, các sự kiện xảy ra trong cuộc sống, yếu tố cá nhân được coi là một trong những yếu tố có tác động đến trầm cảm vị thành niên” - bác sĩ Loan cho biết. Bác sĩ Loan cũng khuyến cáo, trầm cảm là bệnh có thể điều trị và kiểm soát được nếu phát hiện và điều trị sớm. Cha mẹ có con mắc bệnh phải tuân thủ quá trình điều trị, không nên thấy đỡ mà ngừng, bệnh sẽ gián đoạn rất khó điều trị sau này.