Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến.
Dù Ủy ban châu Âu (EC) đã hoãn chuyến kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến tháng 11/2019 thay vì đầu tháng 6 tới, nhưng rõ ràng những việc Việt Nam cần phải triển khai là rất nhiều để có thể gỡ “thẻ vàng” của EC về khai thác IUU. Xin Thứ trưởng cho biết, đến nay, chúng ta đã khắc phục được đến đâu?
Tàu cá có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng nếu vi phạm vùng biển nước ngoài (ảnh minh họa). Ảnh: tư liệu
Từ đầu năm 2019 đến nay lực lượng biên phòng đã tiếp nhận, điều tra, xác minh 155 ngư dân và 4 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ được trao trả về nước; xử lý vi phạm hành chính 14 trường hợp tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác với số tiền là 586 triệu đồng. |
- Chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành hai văn bản quan trọng, một là Quyết định 596/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và Nghị định 42/2019/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ, ngành chức năng, các địa phương trong việc thực hiện khuyến nghị này.
Trên thực tế, ngay khi EC áp “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, ngay lập tức Chính phủ, ngành chức năng đã nỗ lực hoàn thiện khung khổ luật pháp quan trọng để xây dựng một nghề cá có trách nhiệm và minh bạch.
Luật Thủy sản 2017 nhanh chóng được thông qua sau khi đã có những điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế; Chính phủ cũng đã ban hành 2 nghị định, 8 thông tư, Bộ NNPTNT cũng đã có hàng loạt văn bản yêu cầu các địa phương tích cực vào cuộc. Tất cả các văn bản này khi ban hành đều có sự tham khảo ý kiến của EC.
Ngay sau khi ban hành các văn bản, Bộ NNPTNT, các địa phương đã triển khai nhiều hội nghị, hội thảo để tuyên truyền, phổ biến, đưa luật vào cuộc sống. Bộ cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra đến 28 tỉnh, thành ven biển, xuống từng con tàu, lật từng quyển sổ nhật ký để kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị.
Quá trình thực hiện cho thấy, nhiều địa phương đã nỗ lực vào cuộc nhưng cũng có nơi làm chưa tốt, nói cách khác là vẫn “trên nóng dưới lạnh”.
Rất may là từ đầu năm 2018 đến cuối 2018, chưa phát hiện vụ việc tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Nhưng từ đầu năm 2019 đến nay tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, đã xảy ra 16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm. Lực lượng biên phòng đã tiếp nhận, điều tra, xác minh 155 ngư dân và 4 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ được trao trả về nước; xử lý vi phạm hành chính 14 trường hợp tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác với số tiền là 586 triệu đồng.
Việc giám sát lộ trình hoạt động của tàu cá, phân loại thủy sản tại nguồn, ghi chép nhật ký khai thác phần lớn chủ tàu làm chưa tốt (số tàu ghi chép đầy đủ mới chỉ chiếm 21%). Rõ ràng, những công việc này đòi hỏi các địa phương, lực lượng chức năng phải nỗ lực hơn nữa mới có sự chuyển biến.
Theo đại diện nhiều địa phương, một trong những nguyên nhân tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là do khung hình phạt còn thấp, thậm chí dẫn đến hiện tượng nhờn luật khi đã có nhiều đối tượng bị nước ngoài bắt giữ do khai thác hải sản trái phép được Nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ cho về nhưng sau đó vẫn tái phạm nhiều lần. Những quy định mới trong Nghị định 42 có hiệu lực vào ngày 5/7/2019 liệu có chấm dứt được tình trạng này không, thưa Thứ trưởng?
- Đó là điều chúng ta đang kỳ vọng. Theo nghị định xử phạt mới, mức phạt sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Ví dụ, tàu cá từ 24m trở lên vi phạm một trong các hành vi sau có thể bị phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng: Khai thác tại vùng biển không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn, vùng biển nước ngoài; không trang bị giám sát hành trình; khai thác quá mức cho phép...
Ngoài việc tịch thu sản phẩm khai thác, tịch thu tàu cá, tước quyền sử dụng văn bằng, tước giấy phép khai thác thủy sản từ 6 – 12 tháng, chủ tàu còn phải bỏ ra toàn bộ chi phí đưa ngư dân bị bắt giữ do khai thác trái phép ở nước ngoài về nước. Điều từ trước đến nay Nhà nước vẫn làm, nhiều đối tượng được hỗ trợ đưa về nhưng sau đó vẫn tái phạm.
Bên cạnh đó, việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định sẽ được kỳ vọng tạo ra chuyển biến lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực là Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, các thành viên ban chỉ đạo là lãnh đạo các bộ ngành liên quan và 28 địa phương, chắc chắn việc triển khai chống khai thác IUU sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Dù còn quá sớm để có thể biết EC có gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam trong lần kiểm tra tới hay không nhưng theo Thứ trưởng chúng ta có thể kỳ vọng gì vào điều này sau khi đã triển khai rất nhiều giải pháp vừa cấp bách vừa lâu dài?
- Với khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ, cộng với quyết tâm của Chính phủ, ngành chức năng, chúng ta có thể hy vọng vào những đánh giá tích cực hơn từ phía EC. Để chuyển từ nghề cá nhân dân, đánh bắt manh mún sang một nghề cá theo chuỗi khép kín, theo tiêu chuẩn là việc không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Thay đổi nhận thức là cả một quá trình, vì vậy, phải đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!