Dù đã công chiếu dự liên hoan phim ở nhiều nước trên thế giới nhưng khi phát hành tại Việt Nam, phim “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã vấp phải nhiều ý kiến phản ứng của khán giả khi sử dụng diễn viên 13 tuổi vào vai người vợ ba.
Trong phim, cô bé có cảnh ngực trần trên mặt nước, mang bầu, sinh con và có cả những cảnh gần gũi với nam diễn viên là chồng cô. Mặc dù đạo diễn cho rằng sự lựa chọn này là cần thiết để lột tả thời kỳ phong kiến một cách chân thực, khi các cô bé 13-15 tuổi đã bị gả chồng, sinh connhưng đa số khán giả vẫn không thể chấp nhận. Họ cho rằng việc để một bé gái 13 tuổi đóng cảnh nóng, trần trụi là phản cảm, phi nghệ thuật. Sự chân thực nằm ở nội dung, cách xử lý tình huống và diễn xuất của diễn viên chứ không phải ở độ tuổi.
Đạo diễn Jean-Jacques Annaud chỉ đạo trên trường quay.
Trong khi đó, 28 năm trước, đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud khi làm phim Người tình cũng đã từng “đau đầu” với tình huống tương tự là độ tuổi của nguyên mẫu. Tất nhiên, so với Người tình, những cảnh nóng trong phim Vợ ba chẳng thấm tháp vào đâu. Nhưng ngay từ đầu, đạo diễn người Pháp đã ý thức rất rõ, một bộ phim có cảnh nóng thì không thể sử dụng diễn viên vị thành niên.
L’amant (Người tình) là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết tự truyện cùng tên của nữ văn sĩ Marguerite Duras, kể về tình yêu cuồng nhiệt và sự đam mê thể xác của chính mình với một thiếu gia giàu có tên Huỳnh Thuỷ Lê - một đại điền chủ gốc Hoa tại xứ Sa Đéc- hơn bà 12 tuổi.
Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra 43 thứ tiếng và là tác phẩm bán chạy nhất tại Pháp của Duras (2,4 triệu bản). Đạo diễn kiêm nhà sản xuất danh tiếng Claude Berri đã nhanh chóng mua bản quyền cuốn sách để dựng thành phim nhưng không làm đạo diễn mà giao lại cho Jean-Jacques Annaud.
Thách thức với ê kíp làm phim là chọn diễn viên 18 tuổi trở lên nhưng phải có gương mặt như 15. Và Jane March là một lựa chọn sáng suốt của đạo diễn.
Trong khi tác giả cuốn tiểu thuyết chỉ muốn Người tình được quay ở một miền quê nước Pháp với quy mô nhỏ như một câu chuyện tình riêng tư thì đạo diễn Annaud lại muốn có một bộ phim hoành tráng, tầm cỡ thế giới và phải rất Việt Nam.
Với tham vọng và tư duy của một đạo diễn lớn nên đạo diễn Annaud đã không tiếc công sức để dồn tâm huyết cho phim. Ông mất 2 năm để đi tiền trạm và dành 2 năm để thực hiện. Mặc dù chọn Sài Gòn và các tỉnh miền Tây để thực hiện nhưng khi khảo sát, ông khá thất vọng với điều kiện sinh sống tại đây, nhất là khách sạn quá tệ, khí hậu nóng ẩm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe diễn viên…
Giải pháp đã được chuyển sang Malaysia, Thái Lan và Philippines nhưng rồi cuối cùng lại quay về Sài Gòn và miền Tây vì ở đây mới có màu sắc rõ ràng của xứ Đông Dương thuộc địa của những năm Pháp thuộc. Quả nhiên, những cảnh quay đầu tiên trên chuyến phà qua sông Mekong từ Sa Đéc về Sài Gòn, nơi hai nhân vật chính lần đầu gặp gỡ đã gây hiệu ứng mạnh mẽ với khán giả.
Dù bị đánh giá là già hơn với tuổi 15 nhưng sự già dặn của Jane March lại phù hợp với tình cách nổi loạn, bất cần của nhân vật.
Một thách thức không nhỏ với đạo diễn là nguyên mẫu chỉ mới 15 tuổi rưỡi. Làm sao tìm kiếm được diễn viên tầm tuổi đó để đáp ứng được các cảnh quay vô cùng trần trụi của phim? 7.000 diễn viên đã được casting, lùng sục ở tạp chí tuổi teen trên khắp thế giới nhưng rồi không ai đáp ứng được cho đến khi, Jane March xuất hiện. Khi đó cô 18 tuổi, hoàn thành xong phim cũng là lúc cô bước sang tuổi 22.
Như vậy, chỉ riêng vài chữ “Tôi mới 15 tuổi rưỡi” trong tiểu thuyết, nữ tác giả đã khiến đoàn làm phim vật vã, tốn kém khá nhiều tiền của và công sức.
Lý do khiến đạo diễn Annaud phải dành nhiều công sức để tuyển chọn diễn viên nữ chính là bởi, nếu tìm diễn viên đúng tuổi thì khó mà có khả năng diễn xuất như kỳ vọng. Thứ hai, phim có chủ đề nhạy cảm không phù hợp với lứa tuổi vị thành niên. Mặc dù Jane March có gương mặt già hơn so với độ tuổi 15 tuổi rưỡi nhưng lại phù hợp với miêu tả của nhà văn Duras là “Tôi có một gương mặt tả tơi”.
Jane March trong cảm nhận ban đầu của đạo diễn Annaud là cô gái người Anh mảnh dẻ sống ở ngoại ô Paris, vẻ bề ngoài không có gì đặc biệt, không khá hơn những người khác mà có thể còn trống rỗng hơn. Nhưng bù lại cô ấy có những rung động khác người.
Cô được đưa đến casting nhờ sự phát hiện của vợ đạo diễn, khi tình cờ nhìn thấy cô trên một tạp chí tuổi teen. Cô nhút nhát rụt rè không biết phải làm gì, và đó chính là điều lý thú bởi Donadieu trong nguyên mẫu, khi 15 tuổi rưỡi cũng không biết phải làm gì.
Khi xem ảnh của nữ văn sĩ Marguerite Duras lúc 17 tuổi trên bìa của 1 cuốn Người tình xuất bản tại Mỹ, ông yêu cầu Jane chải tóc ngược về sau, và cả ban tuyển chọn đã thực sự sửng sốt. Jane và Duras giống nhau một cách kỳ lạ.
Khác với nữ chính, việc tìm kiếm nam chính cũng vất vả không kém nhưng ngay từ khi gặp mặt lần đầu tiên, đạo diễn Annaud đã bị “hạ gục” bởi vẻ quý tộc, nam tính của tài tử Hồng Kong Lương Gia Huy. Ngay lập tức họ nhận ra, đây đúng là nguyên mẫu mà ê kíp đang tìm kiếm.
Tạo hình ấn tượng của cặp nam nữ diễn viên chính.
Xuyên suốt nửa đầu của bộ phim, khán giả được chứng kiến một không khí ngập tràn nhục dục giữa hai nhân vật. Cô gái trẻ chán nản với gia cảnh u uất của gia đình, đang ở tuổi nổi loạn muốn khám phá bản thân đã không cưỡng lại được sức hấp dẫn về thể xác cũng như sự giàu có của người đàn ông Trung Hoa. Mặc dù chấp nhận là người tình hoàn toàn vì tiền nhưng trên chuyến tàu quay về Pháp, cô mới hối hận và nhận ra mình đã yêu người đàn ông đó nhiều thế nào.
Khi Người tình hoàn thành vào năm 1991, đạo diễn Annaud đã chọn Việt Nam là nơi công chiếu đầu tiên như lời tri ân với vùng đất đã làm nên cuốn tự truyện và bộ phim. Là phim miêu tả đời sống tình dục táo bạo nhất lúc bấy giờ nên khi công chiếu, hiệu ứng của phim đã ngay lập tức đưa tên tuổi của đạo diễn cũng như diễn viên lên tầm ngôi sao hạng A. Cho đến giờ, những cảnh quay của phim Người tình vẫn được coi là kinh điển, đỉnh cao của nghệ thuật để giới làm phim phải học hỏi và ngưỡng mộ.
Dù được coi như phim cấp 3 nhưng những cảnh quay trong Người tình đều mang tính nghệ thuật và trở thành bộ phim kinh điển của thể loại này.
Có lẽ thấu hiểu sự khác biệt về văn hóa phương Đông và phương Tây nên khi làm xong, đạo diễn đã dựng thành hai bản. Bản phim chiếu tại Việt Nam là bản tiếng Pháp đã bị cắt hầu hết cảnh nóng so với bản tiếng Hoa và tiếng Anh.
Tuy nhiên, hai cảnh quay tại Việt Nam vẫn được giữ trọn vẹn. Khi công chiếu, đã có không ít tò mò thắc mắc về việc liệu diễn viên trong phim có làm tình thật không? Đạo diễn Annaud đã né tránh bằng câu hỏi ngược lại: “Vậy khi quay phim chiến tranh, diễn cảnh đánh nhau thì diễn viên có chết thật không?”. Sau này, đạo diễn cho biết, những cảnh tình dục trong phim đều được quay trong phim trường ở Pháp, toàn bộ đều phải nhờ các diễn viên đóng thế. Tuy nhiên, theo những thành viên của Việt Nam từng tham gia vào ê kíp lúc đó thì toàn bộ cảnh ân ái trong phim là đóng thật, không hề có chuyện đóng thế.