Dân Việt

Thêm niềm tin để làm giàu

20/02/2013 06:59 GMT+7
(Dân Việt) - Những năm gần đây, nhiều bản, làng của tỉnh Lai Châu đang chuyển mình với những mô hình sản xuất mới, một phần nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH.

Tác dụng của nguồn vốn ưu đãi trong việc hỗ trợ ND phát triển sản xuất, cải thiện đời sống dễ dàng thấy ở nhiều địa phương của Lai Châu qua các mô hình chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, phục hồi ngành, nghề truyền thống.

img
Vốn ưu đãi đã góp phần phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm của xã Mường Cang (Than Uyên).

Tin vào ngày mai khá giả hơn

Khác với nhiều năm trước, đồi núi ở các huyện như Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè bạt ngàn một màu xanh của cây cao su. Mặc dù vẫn còn một số ý kiến quan ngại xung quanh hiệu quả của loại cây công nghiệp này trên vùng Tây Bắc, nhưng nhiều hộ ND vẫn tin tưởng vào tương lai khá giả với cây cao su.

Dẫn chúng tôi lên đồi, anh Nguyễn Trường Sơn ở xã Mường So (Phong Thổ) cẩn thận cạo vào lớp vỏ của những cây cao su hơn 5 tuổi. Một dòng nhựa trắng đục tứa ra từ thân cây, anh Sơn phấn khởi nói: "Có nắm chắc phần thắng tôi mới lặn lội sang Trung Quốc học nghề và bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng để trồng 10ha cao su. Mủ non chảy ra như vậy là yên tâm rồi".

Những ngày đầu còn thiếu vốn để mở rộng diện tích trồng cao su đại điền, anh Sơn đã được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, trong đó có 20 triệu đồng từ chương trình tín dụng hỗ trợ việc làm và 30 triệu đồng chương trình tín dụng hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.

Không chỉ anh Sơn mà hàng trăm hộ ND khác của xã Mường So cũng tin tưởng vào ngày mai khá giả hơn nhờ cây cao su. Toàn xã hiện có hơn 500ha trồng cao su. Nguồn vốn cho ND vay trồng cao su chiếm không nhỏ trong tổng số gần 37 tỷ đồng dư nợ vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã Mường So… Với sự tham gia của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đến nay, trên địa bàn Lai Châu đã trồng được 10.000ha cao su.

Tạo việc làm tại chỗ

“Sau 10 năm đi vào hoạt động, nguồn vốn ưu đãi các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH tỉnh Lai Châu đã tăng từ 35 tỷ lên 900 tỷ đồng với hơn 45.000 hộ đang vay vốn”.

Dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã Mường Cang (Than Uyên) hiện đạt 21 tỷ đồng, trong đó nhiều hộ được vay vốn đã tự tạo được việc làm tại chỗ khi đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và phục hồi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái.

Bà Cầm Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Cang cho biết: "Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã giúp cho địa phương thành lập và phát triển 2 HTX dệt thổ cẩm truyền thống, tạo việc làm cho vài chục chị em phụ nữ trong xã với thu nhập ổn định…".

Ở bản Tây An, xã Mường So, việc vợ chồng anh Đồng Văn Sinh phục hồi lại nghề dệt vải sợi truyền thống không chỉ tạo thêm hàng chục việc làm tại chỗ mà còn góp phần mở rộng nghề trồng cây bông vải trên địa bàn huyện Phong Thổ.

"Năm 2007, khi vợ chồng tôi chủ trì thành lập HTX Dệt vải Trường Sinh vốn đầu tư rất khó khăn. Cũng may lúc đó và những năm sau này HTX tiếp cận được nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH nên góp thêm tiền mua máy móc…" - anh Sinh cho hay.

Ngoài việc tạo việc làm cho hơn 15 lao động tại xưởng với mức thu nhập 2 - 5 triệu đồng/người/tháng, nghề dệt vải bông sợi của HTX còn tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân trong và ngoài xã với mức thu nhập cao hơn 50% so với thu nhập từ nông nghiệp.