Cách thành phố Lai Châu khoảng 60km, dọc theo tỉnh lộ 129 cung đường quanh co, uốn khúc dần đưa du khách đến điểm dừng chân cuối - thị trấn Sìn Hồ có khí hậu quanh năm mát mẻ. Trong những năm gần đây, loại hình du lịch Homestay đang phát triển tại địa phương.
Bà Sánh chuẩn bị nguyên liệu nước tắm.
Theo đó, du khách được trải nghiệm phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc và điểm nhấn là tắm lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao. Đó là lí do nhiều người ví von lên Sìn Hồ mà chưa tắm lá thuốc thì coi là chưa đến. Vì vậy, rất nhiều du khách đều cố gắng một lần được ngâm mình trong thùng gỗ pơ mu với đầy ắp nước thuốc được đồng bào dân tộc Dao ở đây chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.
Từ trước đến nay, đồng bào dân tộc Dao ở thị trấn Sìn Hồ coi tắm lá thuốc là phương pháp chữa bệnh bằng đông y, cách thu thập các loại lá cây rừng - nguyên liệu cho nồi nước thuốc được truyền loại qua nhiều đời. |
Được biết, nguyên liệu có từ 15 - 20 loại lá rừng, có thể kể đến cù anh đéng, cù tẩy hây, hoàng đìu nheo, lùng ngải… Hiện nay, trong vùng đồng bào dân tộc Dao ở thị trấn còn rất ít người biết các loại lá này. Do vậy, lấy đủ nguyên liệu bà con phải vào rừng sâu, đi mất cả ngày đường.
Cơ sở tắm lá thuốc người Dao của bà Bùi Thị Sánh ở khu 2 hoạt động 10 năm nay và đón nhiều lượt khách du lịch. Làm dâu của một hộ dân tộc Dao, nhận thấy đồng bào có nhiều bài thuốc cổ truyền quý giá, trong số đó có phương pháp chữa bệnh bằng tắm lá thuốc, bà đã tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư dịch vụ này.
Bà Sánh chia sẻ: Những năm gần đây, người biết lá thuốc thưa dần, các loại thảo dược hiếm hơn nên tôi quyết định xây dựng cơ sở Homestay kết hợp với dịch vụ tắm lá thuốc. Duy trì cơ sở này không đơn giản vì lợi nhuận, quan trọng hơn tôi muốn gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa của đồng bào dân tộc Dao.
Du khách trải nghiệm tắm lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao trên cao nguyên Sìn Hồ.
Lần đầu tiên lên Sìn Hồ tham quan, nghỉ dưỡng, ông Kiều Đức Vũ (tỉnh Tuyên Quang) thấy thật hào hứng. Bởi ông được tận hưởng không khí mát mẻ, dễ chịu, tham quan núi Đá Ô, động Quan Âm, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông, Dao, ngâm mình trong thùng nước nấu bằng lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao.
Sau một ngày trải nghiệm các vùng đất trên cao nguyên Sìn Hồ, chiều về ngâm mình trong thùng gỗ pơ mu, với nước thuốc đen sánh, thơm nồng khiến cơ thể tan biến mệt mỏi.
Ông Vũ chia sẻ: “Nghe nhiều về dịch vụ tắm lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao, lên Sìn Hồ, tận mắt chứng kiến quy trình tạo ra nồi nước tắm và trải nghiệm thực tế, tôi thấy đúng như lời nhiều người truyền tai. Nếu địa phương đầu tư nhân rộng dịch vụ này, chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm”.
Hiện nay, dịch vụ tắm lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao là một trong những điểm nhấn của du lịch cao nguyên Sìn Hồ. Dịch vụ tắm lá thuốc tập trung chủ yếu tại thị trấn Sìn Hồ với 3 cơ sở. Phát triển du lịch bền vững từ khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, huyện Sìn Hồ đã và đang có những đầu tư cần thiết.
Riêng đối với dịch vụ tắm lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao, huyện hỗ trợ đầu tư giúp người dân nhân giống một số loại cây thuốc quý. Ông Trần Kim Tiến - Chủ tịch UBND thị trấn Sìn Hồ cho biết: Những năm gần đây, chúng tôi tập trung tuyên truyền mở rộng mô hình tắm lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao. Khuyến khích các gia đình bảo tồn cây dược liệu quý, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện để phát triển dịch vụ tắm lá thuốc.
Phát triển dịch vụ tắm lá thuốc trên cao nguyên Sìn Hồ là điểm nhấn quan trọng thu hút khách du lịch, góp phần gìn giữ nét đặc trưng trong văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. |