Dân Việt

Từ kỳ thi tú tài quốc tế nhìn sang kỳ thi tú tài Việt Nam

Vân Ngọc 27/05/2019 09:02 GMT+7
Áp lực, mệt mỏi, mất niềm tin… đó là những cụm từ trở thành nỗi ám ảnh đối với rất nhiều học sinh, phụ huynh trước kỳ thi THPT Quốc gia những năm gần đây, nhất là sau bê bối gian lận thi cử năm 2018. Tuy nhiên, những cụm từ này dường như không hề tồn tại trong “từ điển mùa thi” của học sinh cuối cấp tại một ngôi trường màu hồng giữa thủ đô.

Một kỳ thi… mệt nhoài

Vào những ngày giữa tháng 5 nắng như đổ lửa, đường phố Hà Nội ngột ngạt và oi nồng hơn bởi hiệu ứng từ những ngôi nhà cao tầng toàn kính, không khó để bắt gặp những gương mặt hớt hải, nhớp nháp mồ hôi của những cô cậu học trò cuối cấp đang hối hả đạp vội xe để đến các “lò luyện” tú tài.

img

Phụ huynh lo lắng trong thời gian chờ con thi. 

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, kỳ thì THPT Quốc gia 2019 sẽ bắt đầu, đây là thời điểm nước rút cho việc ôn luyện cho ngày “vượt vũ môn” để… cá chép hóa rồng. Tuy nhiên, bước vào kỳ thi năm nay, ngoài áp lực, mệt mỏi, trên khắp các diễn đàn học sinh, sinh viên người ta còn thấy sự hoang mang, nỗi thất vọng tràn trề và cảm giác mất niềm tin tột độ về kỳ thi tú tài quốc gia.

Nhất là sau khi Bộ GDĐT công bố con số hơn 200 thí sinh được nâng điểm, sửa điểm năm 2018, có thí sinh được nâng khống gần 27 điểm, có thí sinh được “hô biến” từ 2 điểm liệt biến thành thủ khoa các trường ĐH danh giá nhất trong nước. Hàng loạt lãnh đạo các Sở GD ĐT, cán bộ coi thi, cán bộ khảo thí, công an, giáo viên bị khởi tố vì hành vi gian lận thi cử. Cả xã hội… rùng mình.

Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh cấp 3 trường THPT Phủ Cừ (Hưng Yên) là một trong những thí sinh của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Thời điểm này, ngoài việc học ở trường, mỗi ngày, Thảo có tới 4 ca học thêm tại các lò luyện thi. Việc học của em thường kết thúc vào 1 – 2 giờ sáng. Áp lực, mệt mỏi vì phải cố gắng hết sức mình chuẩn bị cho kỳ thi tú tài quan trọng, tuy nhiên, Thảo cũng thừa nhận em khá hoang mang khi nghĩ về sự thiếu công bằng của kỳ thi sau bê bối thi cử năm 2018.

Thảo cho biết: “Việc học hành, ôn luyện và thi cử quá vất vả nhưng chúng em chỉ muốn có được sự công bằng, được đánh giá đúng năng lực khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Cứ nghĩ đến việc mình nỗ lực, còn 1 số thí sinh khác thì vào ĐH bằng… tiền là chúng em hết động lực để cố gắng, cũng chẳng còn niềm tin vào kỳ thi nữa”.

Sự thiếu niềm tin đã khiến vấn đề bỏ hay không bỏ kỳ thi THPT Quốc gia được các chuyên gia giáo dục đặt ra và nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Nó cũng làm “nóng” những tranh cãi trên bàn nghị sự của Quốc hội những ngày này. Góp ý vào Luật giáo dục sửa đổi ngày 21.5, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thời gian qua tổ chức thi “2 trong 1” THPT xảy ra nhiều tiêu cực, được dư luận quan tâm. Thi thì kết quả đậu rất cao, có địa phương đạt 99% như vậy thi chẳng có ý nghĩa gì.

Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì thừa nhận, hiện rất nhiều nước trên thế giới đã bỏ thi tốt nghiệp mà căn cứ vào bảng điểm của học sinh để đánh giá kết quả học sinh sau 12 năm học. Nhưng ông cũng cho rằng: “Để làm được điều này, mức độ đánh giá của các trường là phải tương đương nhau, được kiểm định, gắn chặt với chuẩn đầu ra. Trong khi đó, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của chúng ta hiện đang mới làm ở bậc đại học, phổ thông chưa biết đến bao giờ?”, ông Khuyến nói.

Đủng đỉnh… vào đại học danh tiếng

img

Biển chỉ phòng dự thi của các thí sinh tại kỳ thi tú tài Anh (A Level) ở trường TH School.

Nói là đủng đỉnh thì hơi quá nhưng đó thực sự là cảm nhận mà chúng tôi có được khi trò chuyện với những học sinh cuối cấp của trường TH School. Thời điểm này, các em đang hoàn thiện những bài thi cuối cùng của kỳ thi tú tài Anh (A Level) lấy kết quả xét tuyển học bổng vào các trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Rất nhiều em trong số đó hiện đã được từ 5 – 10 trường ĐH đồng ý hỗ trợ tài chính, cấp học bổng, chỉ chờ ngày nhập học.

Em Nguyễn Gia Khanh đến từ Hà Tĩnh là một trong số học sinh may mắn nhận được học bổng toàn phần vào học tại TH School từ những ngày đầu thành lập.  Hiện, Gia Khanh vẫn còn 1 số bài của kỳ thi A Level chưa hoàn thành nhưng em đã nhận được trường Đại học St. John's University (Mỹ) cấp học bổng và sẽ nhập học vào tháng 8 tới.

img

Các học sinh thoải mái trao đổi với giáo viên nước ngoài.

“Khác với kỳ thi THPT Quốc gia ở Việt Nam, tại TH School bọn em được học chương trình A Level chuẩn quốc tế, hoàn toàn bằng tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Việc thi cử tuy rất khắt khe, nghiêm túc nhưng lại không mấy áp lực. Mỗi năm, học sinh sẽ có 2 đợt thi, mỗi đợt thi kéo dài trong khoảng 1,5 tháng, giữa các học phần thi chúng em đều được nghỉ ngơi để ôn tập, chuẩn bị cho học phần tiếp theo. Các trường ĐH xét tuyển không chỉ dựa vào kết quả thi mà còn dựa vào điểm học bạ, bài luận cá nhân và các hoạt động xã hội thể hiện kỹ năng sống của bản thân trong quá trình học. Ở đây, bọn em không phải thức đêm đến 1 – 2 giờ sáng để học bài, cũng không phải “mài mông” ở các lò luyện”, Gia Khanh nói.

img

Trong khi đó, em Nguyễn Châu Anh đến từ Quỳ Hợp – Nghệ An thì cho biết, em cũng đã được trường SP Jain School of Global Management- là đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh của Úc cấp học bổng. Châu Anh chia sẻ, việc thi tú tài của em và các bạn học sinh cuối cấp tại TH School không phải tới sát kỳ thi mới ôn luyện mà được khởi động ngay trong quá trình học. “Ngay từ lớp 10, bọn em đã được định hướng và lựa chọn nghề nghiệp rất rõ ràng. Em thích kinh doanh nên chọn các môn học thi A Level là Toán, Lý và Business. Việc thi còn thể hiện ngay từ việc hoàn thành các bài tập lớn trên lớp. Ngay sau khi đăng ký môn thi bọn em đã biết lịch thi của các học phần, đơn giản như làm một bài kiểm tra, không quá áp lực, không cần cả gia đình, xã hội cùng vào cuộc tốn kém như kỳ thi trong nước và cũng rất khó để… gian lận”, Châu Anh nói.

Chia sẻ về kỳ thi tú tài quốc tế A level của Cambridge, bà Trần Thị Vân Anh – Chánh văn phòng tuyển sinh, trưởng bộ phận khảo thí Cambridge của trường TH School cho biết, có thể hơi khập khễnh khi so sánh nhưng kỳ thi tú tài Anh- Cambridge của học sinh TH school thực sự sẽ cho một góc nhìn khác trong bối cảnh thi của Việt Nam.

“Đó là một kỳ thì nghiêm túc nhưng không áp lực. Tất cả thí sinh trên thế giới sẽ thi cùng một lúc (tất nhiên chia theo múi giờ), bài thi được chuyển đến từ Anh, Úc bằng một hệ thống bảo mật khắt khe. Thanh tra của Cambridge được cử đi toàn thế giới và bất ngờ từ Anh đến Việt Nam bất kỳ thời gian nào trong những ngày thi để kiểm tra. Trong phòng thi, giám thị không được bố trí ghế ngồi để có thể thường xuyên đi lại quan sát.  Thí sinh được ngồi ở các vị trí chính xác đến từng centimet… và tất nhiên, nếu có bất kỳ một nghi ngờ gì liên quan đến gian lận, tất cả bài thi của trung tâm ấy sẽ bị hủy toàn bộ”, bà Vân Anh nói.

img

Khắt khe và nghiêm túc, nhưng theo bà Vân Anh, học sinh tham gia kỳ thi không hề gặp áp lực nhiều như những kỳ thi tú tài khác, bởi việc thi là 1 quá trình dài chứ không dồn dập trong vài ngày gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và cả hệ thống chính trị.

TH School đã được Trung tâm khảo thí quốc tế Cambridge (CIE) kiểm định và công nhận được tổ chức thi các kỳ thi của Cambridge như IGCSE và A-Level … A Level là bằng tú tài quốc tế được nhiều trường ĐH trên thế giới coi là “tiêu chuẩn vàng” để tuyển sinh. Từ cuối năm 2018, các trường ĐH đã nhận hồ sơ đăng ký của học sinh, học sinh có thể sử dụng điểm thi AS, điểm học bạ và điểm dự đoán (của giáo viên) để chứng minh năng lực học tập (các trường đều yêu cầu điểm kỳ thi A Level nhưng điểm đó có thể nộp sau- khi Cambridge đã chấm xong và công bố kết quả vào tháng 8). Lứa học sinh tốt nghiệp lớp 12 của TH school năm nay đã có tới hơn 50% số em giành được học bổng toàn phần hoặc hỗ trợ tài chính đặc biệt vào các trường đại học danh giá trên thế giới.