Sinh thời, Gia Cát Lượng là kỳ tài hiếm có dưới trướng quân chủ Lưu Bị. Ông được coi là quân sư hàng đầu trong tập đoàn chính trị Thục Hán và từng đảm đương nhiều chức vụ quan trọng.
Tin tưởng vào tài năng cũng như mắt nhìn người của Ngọa Long tiên sinh, Lưu Bị từng giao cho ông một nhiệm vụ quan trọng. Đó chính là việc tuyển chọn nhân tài.
Liêu Lập được cho là một vết nhơ ngàn năm khó rửa trong cuộc đời của Gia Cát Khổng Minh. Tranh minh họa
Gia Cát Lượng cả đời cúc cung tận tụy, từng đề cử cho Thục Hán không ít kỳ tài như Bàng Thống, Pháp Chính, Tưởng Uyển, Phí Y, Khương Duy… Trong số này, có một nhân vật được Khổng Minh đánh giá là ngang tài ngang sức với Phượng Sồ Bàng Thống.
Thế nhưng ngay tới Ngọa Long tiên sinh cũng không thể ngờ rằng, nhân tài do đích thân mình tiến cử lại làm ra những hành động không thể tha thứ, thậm chí còn trở thành một vết nhơ trong cuộc đời ông.
Nhân vật có tài mà không có đức từng cả gan lưu lại vết nhơ lên thanh danh của Khổng Minh chính là Liêu Lập.
Nhân tài sánh ngang với Phương Sồ Bàng Thống
Liêu Lập là người Vũ Lăng, thuộc đất Kinh Châu. Năm xưa khi Lưu Bị lĩnh chức Kinh Châu mục, ông được mời đến làm việc.
Không lâu sau, nhờ bộc lộ tài năng xuất chúng, Liêu Lập được Gia Cát Lượng đề cử làm Thái thú Trường Sa.
Khi Lưu Bị chấp nhận lời mời của Lưu Chương, tiến vào Tây Xuyên đánh Trương Lỗ, Gia Cát Lượng được giao nhiệm vụ trấn thủ Kinh Châu.
Bấy giờ, Tôn Quyền từng phái sứ giả tới giao hảo cùng Khổng Minh. Người này hỏi: "Trong số tất cả các nhân sĩ Thục quốc, liệu ai có thể cùng ngài đảm đương việc chính sự ở Kinh Châu?".
Gia Cát Lượng trả lời: "Bàng Thống, Liêu Lập đều là kỳ tài ưu tú. Họ có thể cùng ta đảm đương việc lớn".
Bàng Thống và Liêu Lập đều được Gia Cát Lượng đánh giá là bậc kỳ tài hiếm có, đủ sức đảm đương những trọng trách quan trọng. Ảnh minh họa
Từ câu trả lời trên, không khó để nhận thấy Gia Cát Khổng Minh đánh giá rất cao tài năng của Liêu Lập, thậm chí còn coi ông là bậc kỳ tài sánh ngang Phượng Sồ Bàng Thống.
Nhưng không ai có thể ngờ rằng, bậc thần cơ diệu toán như Gia Cát Lượng cũng có lúc mắc phải sai lầm trong việc nhìn người – dùng người.
Có tài nhưng không có đức, Liêu Lập trở thành vết nhơ trong đời Gia Cát Lượng
Năm 215, Tôn Quyền phái Lữ Mông âm thầm đánh chiếm ba quận của Kinh Châu, trong đó có Trường Sa. Bấy giờ, Thái thú Trường Sa là Liêu Lập chưa giao chiến đã vội bỏ thành chạy trốn, trở lại bên Lưu Bị.
Trường Sa vốn là kho lương của Kinh Châu, vị trí chiến lược vô cùng trọng yếu. Theo lý mà nói, hành động đào binh của Liêu Lập phải bị coi là trọng tội.
Nhưng Lưu Bị lại quá coi trọng người này, không những không xử phạt mà còn bổ nhiệm Liêu Lập làm Thái thú ba quận. Sau khi Lưu Bị lên làm Hán Trung Vương, vị quan họ Liêu tiếp tục được bổ nhiệm lên làm Thị trung.
Năm 223, tiên chủ Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện lên ngôi kế vị. Sự ra đi của Lưu Bị khiến Liêu Lập mất đi ô dù che chở. Bởi vì những sai lầm trước kia, vị quan này bị cách chức xuống làm Giáo úy Trường Thủy.
Vì bị giáng chức, Liêu Lập luôn đem lòng không phục với triều đình và quần thần Thục Hán. Ảnh minh họa.
Trước quyết định giáng chức của triều đình, Liêu Lập vô cùng bất bình trong lòng. Ông cảm thấy bản thân luận về tài năng thì chỉ đứng sau Gia Cát Lượng, nay phải làm một chức giáo úy nhỏ nhoi quả thực chẳng hề xứng tầm.
Vị quan này vốn không hề ghi nhớ trọng tội đào ngũ năm xưa của mình, cũng nhanh chóng quên đi công ơn của tiên chủ. Vì vậy trước mặt Lý Thiệu, Tưởng Uyển, Liêu Lập đã lớn tiếng chê bai Lưu Bị.
Nhắc tới sách lược của quân chủ năm xưa, vị quan họ Liêu thẳng thắn phê phán đó là chính sách sai lầm.
Ông cho rằng Lưu Bị năm xưa không lấy được Hán Trung, ngược lại còn hùa theo Tôn Quyền tranh đoạt ba quận, việc làm này chỉ làm uổng phí quân lực, cuối cùng còn mất đi Hán Trung, tạo cơ hội cho Hạ Hầu Uyên, Trương Hợp chiếm ba quận, uy hiếp toàn bộ Ích Châu.
Sau đó, Liêu Lập tiếp tục không tiếc lời phỉ báng công thần Quan Vũ. Theo ông, Quan Vũ khi còn sống chỉ cậy mình võ nghệ cái thế vô song, coi rẻ Đông Ngô, dẫn binh tác chiến vừa không có quy tắc, vừa làm mất địa bàn, hơn nữa còn không biết trọng dụng người tài.
Chưa dừng lại ở đó, Liêu Lập tiếp tục dùng những lời nhảm nhỉ để phê phán nhiều triều thần Thục Hán như Hướng Lang, Văn Cung, Mã Lương, nói rằng ba người ấy đều là hạng hèn hạ, tầm thường.
Sau này, Lý Thiệu và Tưởng Uyển đã đem những lời đại nghịch bất đạo của họ Liêu truyền đạt nguyên văn cho Gia Cát Lượng, khiến Khổng Minh vô cùng tức giận.
Ngay sau đó, Gia Cát Lượng tức tốc soạn một tấu chương kín, hiệp lực cùng triều thần dâng tấu cho hậu chủ Lưu Thiện.
Tấu chương này đã chỉ rõ mọi tội lỗi của Liêu Lập: Trong mắt không có hoàng uy, trong lòng không có Thục Hán, cả gan chê bai tiên đế, phỉ báng quần thần, đích thị là một con sâu làm rầu nồi canh.
Kết quả là Lưu Thiện hạ chiếu phế Liêu Lập làm thứ dân, buộc ông phải lưu đày tới quận Vấn Sơn. Liêu Lập đem cả nhà tới nơi đây làm ruộng, chăn trâu. Sau khi ông qua đời vì tuổi già, vợ con mới có thể hồi hương trở về quê cũ.
Mặc dù đã tự tay dâng tấu vạch tội Liêu Lập trước quân chủ, nhưng thanh danh của Gia Cát Lượng vẫn bị tổn hại, bởi chính ông là người đã từng tiến cử nhân vật này cho Thục Hán. Ảnh minh họa.
Có thể nói, Gia Cát Lượng cả đời cúc cung tận tụy, vì Thục Hán lập được vô số công lao, quả xứng đáng là lương thần lưu danh thiên cổ. Chỉ tiếc rằng trên phương diện tuyển chọn nhân tài, ông lại vì một lần nhìn lầm Liêu Lập mà lưu lại vết nhơ khó rửa sạch.