Cán bộ chốt kiểm dịch động vật Vĩnh Tuy phun tiêu độc, khử trùng và kiểm tra các phương tiện vận chuyển lợn vào địa bàn tỉnh Hà Giang. Ảnh: An Giang
Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang mới đây có văn bản số 30/TB-SNN-CNTY thông báo về kết quả xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi đối với lợn vận chuyển vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Văn bản này do ông Nguyễn Đức Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang kí.
Theo đó, ngày 23/5/2019, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang tiến hành lấy 3 mẫu (gồm 1 mẫu phủ tạng của con lợn đã chết và 2 mẫu huyết thanh của lợn còn sống) trong lô hàng của chủ hàng có tên là Đào Văn Nam, địa chỉ giao dịch Công ty TNHH Dabaco, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang).
Lô hàng này có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, số 003248/CN-KDĐV-UQ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang cấp ngày 23/5/2019, do kiểm dịch viên Hoàng Mạnh Đạt ký.
Điều đáng nói là kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết, 1/3 mẫu phủ tạng nói trên dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Chính vì thế, dư luận đang đặt câu hỏi, vì sao lợn đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (có kèm theo kết quả xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi trước đó), nhưng vẫn dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi?
Trưa 27/5, trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho biết văn bản trên đúng là do ông kí. Về 3 mẫu xét nghiệm, chúng được lấy tại Trạm kiểm soát số 5, cách Hà Giang 5km khi chủ hàng đang trên đường vận chuyển từ Tuyên Quang vào địa bàn Hà Giang.
“Hiện tôi đang di chuyển từ xã có dịch tả lợn châu Phi về và chiều nay Công ty TNHH Dabaco sẽ có buổi làm việc với chúng tôi. Căn cứ vào giấy tờ thì được biết, lô hàng lợn này của Công ty Dabaco” – ông Vinh thông tin.
Trong khi đó, chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Ngô Văn Bắc – Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương. Ông Bắc cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là xét nghiệm những mẫu bệnh phẩm gửi về. Tôi cũng có nắm được thông tin về sự việc trên Hà Giang. Có thể giấy kiểm dịch động vật này đã được cấp cho một lô hàng khác, sau đó chủ hàng lại sử dụng giấy kiểm dịch này để đi bắt lô lợn khác nhằm gian lận. Có nghĩa là người buôn lợn nhập lung tung chứ không phải chỉ của Dabaco”.
Ngay khi tiếp cận được với văn bản trên của Sở NN&PTNT Hà Giang, chúng tôi liên hệ trao đổi với đại diện Tập đoàn Dabaco Việt Nam tại Bắc Ninh đơn vị này khẳng định, có sai sót trong cấp giấy kiểm dịch từ phía cán bộ thú y của tỉnh Tuyên Quang.
Văn bản phúc đáp của Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang ngày 27/5
Theo đó, trong văn bản số số 857/SNN-CNTY do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành ký ngày 27/5/2019 phúc đáp lại đề nghị của Công ty TNHH Dabaco Tuyên Quang, cũng xác nhận: Ngày 23/5, ông Hoàng Mạnh Đạt, Kiểm dịch viên được ủy quyền, thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang đã cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh số 003248/CN-KDĐV-UQ cho chủ hàng là ông Đào Văn Nam, địa chỉ Công ty TNHH Dabaco xã Phúc Ứng, Sơn Dương vận chuyển 40 con lợn (20 đực; 20 cái), biển kiểm soát xe ô tô tải 22C - 061.60, nơi đến cuối cùng là huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Công ty TNHH Dabaco Tuyên Quang, Sở NN&PTNT cho biết, theo báo cáo giải trình của kiểm dịch viên Hoàng Mạnh Đạt được ủy quyền, số lợn trên được chủ hàng thu gom tại các hộ chăn nuôi thuộc xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, không phải lợn của Công ty TNHH Dabaco Tuyên Quang.
Lý dó sai sót bước đầu được xác định do kiểm dịch viên được ủy quyền cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật không làm đúng quy trình (kiểm dịch không thực hiện tại nơi xuất bán) nên đã xảy ra việc chủ hàng mượn danh nghĩa lợn của Công ty TNHH Dabaco Tuyên Quang để kiểm dịch và vận chuyển hàng.
Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang khẳng định sẽ chấn chỉnh công tác kiểm dịch, vận chuyển động vật trên địa bàn tỉnh, đồng thời xử lý nghiệm cán bộ vi phạm theo quy định.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Ngoài việc kịp thời tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh, Sở NN&PTNT Hà Giang đã chỉ đạo phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi của hộ có lợn bị dịch và các con đường dẫn vào thôn; thành lập chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng có dịch; ngăn chặn không cho người lạ ra vào vùng dịch; tăng cường công tác tuyên truyền đối với người dân tại khu vực xung quanh vùng dịch; thực hiện nghiêm túc “nguyên tắc 5 không” trong phòng chống dịch... |