Hội tụ thi nhân
Nhà thơ, GS Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) vui vẻ cho biết: “Văn đàn Việt Nam đang “song hỷ lâm môn” (cùng một lúc có hai việc vui mừng), song song cùng một lúc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 (2012) và Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất. Đây là ngày hội lớn làm nức lòng các nhà thơ và những người yêu thích thơ ca của Việt Nam và của châu Á. Được tham dự hai cuộc mừng vui này là một vinh dự lớn đối với cá nhân tôi”.
Các hoạt động giao lưu tại Ngày thơ Việt Nam năm 2011. |
Còn nhà thơ Yuka Tsukagoshi đến từ Nhật Bản dường như vẫn còn chìm đắm trong xúc động: “Sau trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 2011, tất cả những người Nhật đều bị suy sụp vì buồn đau và những mất mát không nói nên lời. Tuy nhiên, tôi rất sung sướng được thấy nhiều nhà thơ, đặc biệt là ở nước ngoài, đã thể hiện nỗi buồn và sự thông cảm, đưa những cảm xúc này vào thơ và chia sẻ với những nạn nhân, thông qua những bài báo in hay điện tử, các trang web...
Tiếng nói trong thơ ca của họ đã khích lệ các nạn nhân và tôi nhận ra một cách sâu sắc rằng thơ ca, với ngôn ngữ sinh động đã làm giàu cảm xúc và ý nghĩa của “hiện tại”, mang lại sức mạnh để kết nối ngay lập tức với trái tim những người khác”.
Rất nhiều các nhà thơ đến từ nhiều quốc gia trong khu vực đã thực sự tỏ ra háo hức với sự kiện này, bởi đây là lần đầu tiên, họ được hội tụ để cùng nói về thi ca- niềm cảm hứng muôn thuở.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương là sáng kiến xuất phát từ ý tưởng mong muốn quảng bá nền thi ca Việt Nam với bạn bè quốc tế cũng như giới thiệu các tác phẩm, tác giả nổi tiếng ở nhiều nền thi ca trên thế giới tới công chúng Việt Nam. Đây không chỉ là dịp hiếm hoi để chúng ta có cơ hội quảng bá nền thi ca Việt Nam, thúc đẩy giao lưu quốc tế mà chắc chắn sẽ tạo nên một dấu ấn đặc biệt quan trọng, một tiền đề cho những kỳ liên hoan, hội ngộ sau này.
“Bếp núc” chu đáo
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, nội dung của liên hoan chủ yếu sẽ là đọc thơ, giao lưu với công chúng. Tại cuộc Hội thảo “Thơ ca vì một châu Á- Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển”, các nhà thơ sẽ đọc tham luận của mình về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người.
Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành tập hợp những tham luận, tác phẩm và tiểu sử của các nhà thơ và tiến hành công tác dịch thuật. Rút kinh nghiệm từ những hội thảo, liên hoan có yếu tố nước ngoài trước đây, chuyện “bếp núc” cho liên hoan thơ đã được chuẩn bị rất chu đáo. Hội Nhà văn Việt Nam cũng chuẩn bị một đội ngũ phiên dịch là sinh viên xuất sắc ở Học viện Quan hệ quốc tế và Đại học Ngoại ngữ làm tình nguyện viên, để đảm bảo tất cả các đoàn của các nước đều có phiên dịch.
Cùng đó, các nhà văn, nhà thơ có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt như Phan Triều Hải, Di Li, Nguyễn Phan Quế Mai... cũng tham gia vào công tác tổ chức, dịch thuật. Đặc biệt, những tham luận của các nhà thơ tại liên hoan lần này sẽ được tập hợp và có thể lập thành tập kỷ yếu để sức sống của thơ sẽ đến gần với công chúng và người yêu thơ hơn.
Theo lịch trình, ngay sau khi tham dự hội thảo tại Quảng Ninh, các nhà thơ trong nước và quốc tế sẽ tham gia nhiều hoạt động như giao lưu, tham quan các di sản, di tích văn hóa của Việt Nam như Hạ Long, chùa Tây Phương, thăm làng gốm Bát Tràng và sau đó tham dự Ngày thơ VN lần thứ 10 tại Văn Miếu (Hà Nội) vào ngày 14 tháng Giêng.
Hà Thu