Việc UBND huyện Trảng Bom ra công bố xã Đồi 61 hết dịch tả lợn châu Phi là theo quy định, tính từ khi tiêu hủy đàn heo bị bệnh, theo dõi 30 ngày nếu không ghi nhận, phát hiện có heo chết thêm do dịch bệnh thì địa phương đủ điều kiện công bố hết dịch.
Sau khi công bố hết dịch, 2 chốt kiểm dịch tạm thời được lập tại xã cũng ngưng hoạt động; mọi hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển heo trên địa bàn xã trở lại bình thường. Hiện xã Đồi 61 có 4 trang trại chăn nuôi và 97 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn khoảng 6.800 con.
Lực lượng chức năng tiêu độc khử trùng tại khu vực chợ Phan Bội Châu (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất). Ảnh: Báo Đồng Nai.
Tuy nhiên, huyện Trảng Bom vẫn tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị; giao trách nhiệm cho Đảng bộ, UBND xã chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh môi trường, khử trùng chuồng trại…, tránh dịch tái phát.
Dù ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được khống chế nhưng theo Sở NNPTNT tỉnh, hiện dịch vẫn diễn biến khó lường, nhất là trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm đa số. Theo thống kê, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 8 xã thuộc 4 huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành của tỉnh Đồng Nai, với tổng số heo tiêu hủy trên 5.000 con.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ phát động Tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh năm 2019.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành địa phương cần tập trung, quyết liệt công tác giữ gìn vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch tả heo châu Phi, cân đối thị trường tiêu dùng các loại thịt, tránh tình trạng thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch. Đồng thời, nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân, chủ trang trại; hạn chế tối đa mức độ lây lan của mầm bệnh...
Lãnh đạo tỉnh cũng kêu gọi người chăn nuôi cần thực hiện 5 không: không giấu dịch; không buôn bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa cho heo ăn...
Về giải pháp trữ đông thịt heo sạch nhằm hạn chế thiệt hại nếu chẳng may dịch lây lan trên diện rộng và bình ổn thị trường, đã có khoảng 12 doanh nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt heo như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, Công ty TNHHMTV Hương Vĩnh Cửu, Siêu thị Co.op mart Biên Hòa, Lotte mart, Big C Đồng Nai, Big C Tân Hiệp... đều thống nhất cao và sẽ tổ chức thu mua heo sạch khi tỉnh có yêu cầu.
Tuy nhiên, vấn đề khiến các doanh nghiệp quan tâm là kho để cấp đông, vì hiện nay các doanh nghiệp tuy có kho nhưng số lượng cấp đông rất nhỏ chỉ từ 500- 1.000kg. Do đó, các doanh nghiệp đều thống nhất sẽ thuê kho cấp đông ở Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh để dự trữ thịt heo.