Dân Việt

Giảm tải bệnh viện: Người bệnh đã “dễ thở” hơn

Diệu Linh 29/05/2019 06:01 GMT+7
Xây mới bệnh viện, tăng thêm giường bệnh; nâng cao chất lượng bệnh viện tuyến dưới, lập phòng khám gia đình… là những biện pháp cấp tập mà ngành y tế đã làm để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Những giải pháp này đã giúp giảm bớt tình trạng quá tải ở các bệnh viện, người bệnh “dễ thở” hơn...

Tăng 60.000 giường bệnh

Đầu tháng 5, Bệnh viện (BV) K T.Ư cơ sở 1 vừa khai trương cơ sở khám mới tại số 9A-9B Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ sở gồm 12 tầng, 8 phòng khám và khu vực điều trị tại cơ sơ có thể đáp ứng 400 – 600 lượt bệnh nhân tới khám mỗi ngày. Theo GS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K T.Ư, cơ sở mới này đi vào hoạt động giúp giảm tải cho cơ sở 1 tại phố Quán Sứ. Theo GS Thuấn, số lượng người mắc ung thư ngày càng cao. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 165.000 trường hợp mới mắc bệnh ung thư, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.000 người bệnh đang phải chiến đấu với ung thư. Đây là bệnh hiểm nghèo, điều trị khó khăn, nhiều bệnh nhân phải chuyển về tuyến cuối điều trị nên áp lực cho bệnh viện tuyến cuối rất lớn.

Hiện BV K T.Ư có 3 cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội (K1 Quán Sứ, K2 Tam Hiệp, K3 Tân Triều) với tổng số giường bệnh 2.400 giường. Tuy nhiên, số lượng người bệnh đến khám, điều trị gia tăng mỗi năm khiến các cơ sở này luôn trong tình trạng quá tải. Năm 2018, BV K đã tổ chức khám bệnh cho hơn 417.000 lượt bệnh nhân (tăng 6,8% so với năm 2017), 22.000 ca phẫu thuật, 24.000 lượt bệnh nhân hóa trị và hơn 13.000 lượt bệnh nhân xạ trị.

img

  Cơ sở 2 BV Bạch Mai (Phủ Lý, Hà Nam) vừa chính thức hoạt động với quy mô hơn 1.000 giường bệnh. Ảnh: Khám bệnh miễn phí trong ngày khánh thành cơ sở 2. (ảnh: Diệu Linh)

Cuối tháng 2, BV Bạch Mai và BV Việt Đức cũng đã khánh thành cơ sở 2 tại Phủ Lý (Hà Nam). PGS-TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, cơ sở 2 của BV có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám/ngày. Đây không chỉ là một BV với mục tiêu giảm tải cho cơ sở 1 mà được đầu tư hiện đại, chuyên khoa sâu như tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp... Còn sát ngay đó là cơ sở 2 của BV Việt Đức, có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, có thể khám khoảng 3.500 lượt bệnh nhân mỗi ngày.

Hai cơ sở này đưa vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp “hạ nhiệt” tình trạng quá tải BV tại hai BV đầu tàu của ngành y tế. Hiện BV Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 1 tại Hà Nội một mỗi ngày tiếp nhận từ 3.000 - 6.000 lượt bệnh nhân nội trú, riêng tại BV Bạch Mai mỗi ngày có đến 10.000 lượt người đến khám, kéo theo đó là hàng chục nghìn người nhà đưa đón bệnh nhân, đến thăm…

Đây là 2/5 BV thuộc đề án đầu tư xây dựng mới 5 BV, viện tuyến cuối. 3 bệnh viện còn lại ở khu vực phía nam (BV Chợ Rẫy, BV Nhi đồng TP.HCM, Viện Chấn thương chỉnh hình - BV 175). Tổng số giường bệnh của 5 cơ sở này dự tính là là hơn 4.500 giường.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về tình hình giảm quá tải BV và nâng cao chất lượng điều trị, hài lòng bệnh nhân, Bộ Y tế cho biết, số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai Đề án Giảm quá tải BV (2013-2018) là 29.524 giường,  trong đó tuyến T.Ư tăng 4.980 giường, tuyến tỉnh- thành phố tăng 11.279 giường; tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường.

Trên thực tế, số giường bệnh thực kê còn cao hơn, lên đến 56.501 giường, trong đó tuyến T.Ư 8822 giường, tuyến tỉnh - thành phố tăng 24.290 giường và tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường.

Kết hợp nhiều giải pháp

Trước đó, ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án giảm quá tải BV giai đoạn 2013-2020. Thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ như: Đề án giảm tải BV; đề án cải tiến quy trình khám bệnh; đề án BV vệ tinh; đề án Bác sĩ Gia đình; đề án 1816; đề án nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; chương trình hành động quốc gia nâng cao năng lực quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh... 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải BV với một số chỉ số cơ bản như: 100% BV tuyến T.Ư và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 giờ hoặc sau 48 giờ nhập viện; cố gắng đến 2020 không còn tình trạng quá tải BV; 100% các tỉnh đều có BV tuyến tỉnh tham gia trong đề án BV vệ tinh...    

Như tại BV K T.Ư, ngoài việc xây dựng thêm cơ sở mới, nâng số giường bệnh, BV còn tiến hành nhiều giải pháp nhằm rút ngắn thời gian khám bệnh, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, giảm tải BV như: Tăng số lượng lên 37 bàn khám; tổ chức lấy số khám tự động đăng ký khám trực tuyến; mở cửa tiếp đón, hướng dẫn người bệnh từ 5 giờ sáng; rút ngắn thời gian trả các kết quả, xét nghiệm...

Riêng đề án BV vệ tinh, sau 5 năm thực hiện (2013-2018) đã xây dựng và hình thành  23 BV hạt nhân và 127 BV vệ tinh. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Các kỹ thuật cao được BV “mẹ” (BV hạt nhân) chuyển giao xuống BV tuyến dưới, giúp người dân “ở nhà” mà vẫn được khám chữa bệnh với chất lượng cao. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm từ 73- 99% theo các chuyên khoa, cụ thể như: Tim mạch giảm tới 98,5%; ung thư giảm 97%; ngoại khoa giảm 98,5%; sản khoa giảm tới 99%... so với trước khi triển khai mô hình BV vệ tinh.

“Đề án BV vệ tinh góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các BV vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân y tế cơ sở, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại cơ sở, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm quá tải tại BV hạt nhân ở tuyến T.Ư” – Bộ trưởng Y tế nhận định.

Ngoài ra, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/ năm cho xã hội.