Đi sớm về muộn
5 giờ 30 sáng 1.2 tại nhiều bến xe buýt dọc đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy đã có nhiều sinh viên “co ro” ngồi đợi.
Em Nguyễn Thu Phương nhà ở Đông Anh vừa xuống bến xe Nam Thăng Long để bắt tiếp tuyến xe buýt thứ 2 đến Học viện Ngân hàng cho biết: “Việc đến trường bây giờ là khá vất vả với em. Học buổi sáng thì còn điều chỉnh được chứ sang năm học chiều mà 19 giờ mới được về thì không biết sẽ phải thế nào”.
Phụ huynh đưa con đến trường sớm tại Trường Mầm non Xuân La (quận Tây Hồ). |
7 giờ 15 phút tại Trường THCS Chu Văn An đã có rất nhiều học sinh đứng ở cổng trường đợi đến giờ mở cửa. Theo lịch mới, 8 giờ mới được vào học vì vậy gần 40 phút dư thừa các em chọn giải pháp ăn sáng hay la cà tại mấy cửa hàng mua sắm gần trường.
Ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ, cổng Trường Mầm non Xuân La (Tây Hồ) chật kín bởi hàng trăm phụ huynh quen giờ cũ vẫn đưa con đến quá sớm. Anh Nguyễn Văn Giáp - phụ huynh của bé Nguyễn Thúy An bức xúc: “Đổi giờ kiểu này, vợ tôi đi làm sớm hơn, tôi phải nhận thêm nhiệm vụ đưa con đi học. Dù đã dậy sớm rồi mà đến nơi vẫn bị muộn tiết thể dục buổi sáng của con gái”.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt trong ngày đầu thực hiện giờ học, giờ làm mới, nhiều tuyến đường đã được cải thiện một phần ùn tắc. Tuy nhiên, tại một số nút giao thông như ngã 5 Cầu Giấy, ngã 3 đường Nguyễn Khánh Toàn nơi giao cắt với đường Bưởi và ngã tư Kim Mã cắt với Nguyễn Chí Thanh… vào lúc 8 giờ kém 15 phút sáng 1.2 vẫn ùn tắc. Nếu không có sự can thiệp của lực lượng cảnh sát giao thông, các nút giao cắt này vẫn bị ùn tắc chẳng khác gì những ngày trước đó.
Tắc… trường vì giao ca
Trường THCS Ngô Sĩ Liên trên đường Hàm Long trong ngày đầu tiên đã diễn ra cảnh ùn tắc trong sân và ngoài cổng trường do giao ca giữa hai buổi học sáng và chiều. Trước đây, lịch kết thúc ca sáng của trường là 11 giờ 30 thì nay phải lùi đến 12 giờ 15 theo quy định mới trong khi đó thời gian buổi chiều bắt đầu tiết một là 12 giờ 45. Do tâm lý và thói quen cũ nhiều học sinh đến trường sớm 15 phút để ôn bài, vì không được vào trường do ca sáng chưa kết thúc nên các em đã tụ tập rất đông trước cổng trường gây ùn tắc.
Hơn 19 giờ tối 1.2 tại Trường THPT Xuân Đỉnh, học sinh toàn trường mới bắt đầu rệu rã bước ra khỏi lớp. Hầu hết các em đều cho rằng vì ngày đầu tiên chưa quen nên khá căng thẳng, nhất là phải học dưới ánh điện.
Một giáo viên của trường cho biết: “Việc buộc phải thay đổi đồng hồ sinh học của cả thầy và trò thì sẽ thích nghi được dần dần, nhưng ngại nhất là vấn đề ánh sáng, ở khu vực trường thỉnh thoảng hay xảy ra mất điện, tuy thời gian ngắn nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc giảng dạy và quản lý học sinh”.
Trong khi đó một số trường THPT chưa kịp điều chỉnh lại lịch vẫn cho học sinh tan ca trước giờ quy định. 16 giờ 30 học sinh Trường THPT Dân lập Hồ Tùng Mậu (đường Bưởi) đã tan học. Em Nguyễn Thu Minh - học sinh lớp 10 cho biết: “Buổi chiều chỉ học 3 tiết nên trường không thể giữ học sinh đến 19 giờ được”.
19 giờ cổng Trường THPT Chu Văn An trên đường Thụy Khuê và Trường THPT Phan Đình Phùng trên Phố Cửa Bắc cũng đã vắng tanh. Bảo vệ Trường Chu Văn An cho biết: “Nay học sinh buổi chiều chỉ học 3 tiết nên đã được về sớm”.
Tùng Anh - Thanh Xuân