Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Dự án) được Thường trực Chính phủ quyết định giao VDB chủ trì huy động vốn và thành lập Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) để thực hiện đầu tư hợp đồng BOT theo cơ chế thí điểm quy định tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29.11.2007.
Năm 2002, dự án được Chính phủ chủ trương xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Để đầu tư theo hình thức PPP, nhà nước phải tham gia từ 30-50% tổng vốn đầu tư, phần còn lại do nhà đầu tư (Vidifi) lo và hoàn vốn đầu tư bằng thu phí.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Như vậy, với tổng mức đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 44.818 tỷ đồng, Nhà nước cần tham gia vốn khoảng 13.000 đến 22.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đã được bổ sung 6 định chế tài chính và ngân hàng quốc tế cho vay vốn. Khi vay vốn nước ngoài, phương án tài chính được duyệt có các cam kết về thời gian hoàn vốn, lộ trình thực hiện các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án…
Để hỗ trợ Dự án trọng điểm này, theo Nghị định 71, Nhà nước sẽ đứng ra giải phóng mặt bằng (GPMB) để nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng do chưa có vốn nên hơn 4.000 tỷ đồng tiền GPMB đã được Vidifi “ứng” trước, Nhà nước cam kết hỗ trợ một số chính sách đặc thù cho dự án.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong đó khẳng định: Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường GPMB, tái định cư của Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Hơn 3 năm được đưa vào vận hành khái thác, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trở thành huyết mạch kết nối liên thông vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy nhiên, hơn 4.000 tỷ đồng tiền GPMB của chủ đầu tư vẫn chưa được hoàn trả dẫn tới nguy cơ chủ đầu tư bị phá sản.
Đây là dự án đã được Chính phủ quyết định bố trí thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.069 tỷ đồng, trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD thời gian từ 13-30 năm).
Cùng với đó, Chính phủ đã cho phép Vidifi được sử dụng 4.723 tỷ đồng tiền sử dụng đất của khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn cho dự án. Đồng thời, doanh nghiệp này được hợp tác với đối tác để triển khai dự án khu đô thị để nhận tiền sử dụng đất.
Sau hơn 10 năm, chủ đầu tư chưa nhận được hơn 4.000 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng cũng như hơn 4.700 tỷ đồng tiền sử dụng đất từ khu đô thị Gia Lâm.
Đại diện Vidifi cho biết, sau 3 năm đi vào hoạt động, lưu lượng xe trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bình quân trên 27.000 xe mỗi ngày, đảm bảo phương án tài chính của dự án là khả thi.
Tuy nhiên, do phải vay với lãi suất 10%/năm cho các khoản vay chưa được cấp nên tính đến cuối năm 2018 chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của nhà nước chưa được thực hiện đã lên tới hơn 800 tỷ đồng.
Vị này cho hay: “Nếu tiếp tục chậm sẽ dẫn tới phá vỡ phương án tài chính của dự án, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản, không tái cơ cấu được Dự án”.
Để giải quyết những khó khăn cho nhà đầu tư, Chính phủ nhận định, việc thanh toán nợ GPMB thuộc nghĩa vụ của ngân sách Nhà nước, đặc biệt là đối với một số dự án cấp bách.
Tờ trình số 210/TTr-CP ngày 19.5.2019, Chính phủ trình Quốc hội cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn các dự án quan trọng quốc gia để thanh toán nợ tiền đền bù, GPMB Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Bộ GTVT.
Tờ trình nêu, số tiền hơn 4.000 tỷ đồng này được lấy từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.