Dân Việt

Vốn FDI đổ mạnh về Việt Nam, nhóm cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp “nổi sóng”

Quốc Hải 29/05/2019 13:30 GMT+7
Những thông điệp và động thái từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy xu hướng nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc, tìm đến Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang từng ngày. Nhóm cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) vì thế cũng liên tục “nổi sóng”…

Bất chấp thị trường chung không quá thuận lợi, từ đầu năm tới nay, diễn biến các cổ phiếu thuộc nhóm hạ tầng KCN như Viglacera (VGC), Sonadezi (SNZ), Kinh Bắc (KBC), Nam Tân Uyên (NTC), Long Hậu (LHG), KCN Cao su Bình Long (MH3), D2D,… diễn ra khá tích cực với mức tăng trưởng hàng chục phần trăm.

img

Nhóm cổ phiếu hạ tầng KCN đang nổi sóng từ đầu năm đến nay (Ảnh: IT)

Việt Nam thành “cái rốn” của dòng tiền FDI

Số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài cho thấy, tính đến tháng 5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tính riêng 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký cấp mới và đã tăng 450% so với cùng kỳ năm ngoái, là minh chứng khá rõ nét cho xu hướng dịch chuyển FDI về Việt Nam.

Trên thực tế, nhờ kết quả kinh doanh năm 2018, cũng như quý 1/2019 của các doanh nghiệp bất động sản KCN phần lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng chục phần trăm về lợi nhuận, thậm chí tăng bằng lần; cùng với những tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI, khiến nhóm cổ phiếu này trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư.

Chẳng hạn, cổ phiếu SNZ của Sonadezi (UpCOM: SNZ) hiện ở mức giá 19.000 đồng/CP, tăng mạnh so với mức giá 11.500 đồng/CP hồi đầu năm (ngày 2/1/2019). Tương tự, cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera (HoSE: VGC) cũng đang ở mức giá 20.300 đồng/CP, tăng mạnh so với mức giá hồi đầu năm (17.400 đồng/CP, tại ngày 2/1/2019).

Một số mã cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp khác cũng tăng mạnh như: LHG (Công ty CP Long Hậu); MH3 (KCN Cao su Bình Long); KBC (Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc);…

Song gây chú ý nhất lại là cổ phiếu NTC của Công ty CP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UpCOM: NTC). Từ đầu năm 2019, cổ phiếu NTC chỉ ở mức giá 78.000 đồng/CP (ngày 2/1/2019) thì hiện tại đã tăng lên mức 142.000 đồng/CP. Đây cũng là cổ phiếu được giới đầu tư đánh giá cao bởi đây là mã tăng trưởng ổn định nhất trong nhiều năm qua khi có lượng tiền mặt lên tới hơn 1.300 tỷ đồng (nợ vay chỉ hơn 11 tỷ đồng); trong khi đó, NTC cũng là doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt hàng đầu trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2017 của NTC lên tới 60% và đến năm 2018, con số còn lên tới 100% bằng tiền mặt. Trong năm 2019 NTC tiếp tục lên kế hoạch chia cổ tức 200%.

Với các tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bền vững, hưởng lợi lớn từ làn sóng dịch chuyển KCN, theo thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, NTC đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 300.000 cổ phiếu, tương ứng gần 2% vốn điều lệ công ty.

Vì sao Việt Nam hút dòng FDI?

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những năm gần đây, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI với nhiều lợi thế lớn, bao gồm vị trí chiến lược tại khu vực châu Á và đường biên giới đất liền với Trung Quốc nên rất thuận lợi cho lưu thông đường bộ. Hơn nữa, không có KCN nào nằm sâu trong đất liền và các cụm khu công nghiệp chính được kết nối với cảng biển bởi hệ thống đường lớn, đường cao tốc đang được tăng cường đầu tư nên sẽ thuận lợi mở các nhà máy.

“Đặc biệt, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang được cải thiện đáng kể khi nhảy vọt 24 bậc trong ba năm, lên vị trí 69 theo đánh giá của World Bank, cũng là một lợi thế của Việt Nam trong thu hút dòng vốn ngoại”, VDSC đánh giá.

Một điểm cộng để thu hút dòng vốn ngoại tại Việt Nam là chi phí lao động trung bình tại Việt Nam ước tính thấp hơn 43% và 10% so với Thái Lan và Indonesia, nên trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, xu hướng từ làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sẽ có phần ưu tiên vào Việt Nam hơn là một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia…

Trong khi đó, con số thống kê từ CBRE, tính đến cuối Quý 2/2018, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Việt Nam ghi nhận khoảng 73%, trong khi hơn 90% đất thương phẩm tại Thái Lan đã đi vào khai thác nên Việt Nam có lợi thế về quỹ đất dồi dào, giá cạnh tranh (trung bình 82 USD/m2/50 năm - 140 USD/m2/50 năm) nên sẽ thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài đối với các ngành dựa trên cơ sở lao động, đất đai và các yếu tố khác.

Còn nhận định từ chứng khoán SSI thì cho rằng, việc tham gia vào 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiệp định CPTPP được ký kết, cũng như cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng có thể mang đến sự dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam, tạo nên nhu cầu lớn về thuê đất hạ tầng KCN. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu hạ tầng KCN đều tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Những cổ phiếu nào trong nhóm hạ tầng KCN đáng chú ý?

Theo VDSC, KBC và VGC sẽ tiếp tục hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt khi tranh chấp thương mại kéo dài và các tập đoàn công nghệ tiếp tục mở rộng sản xuất và mạng lưới nhà cung cấp. Theo đó, với KBC, doanh nghiệp này kỳ vọng cho thuê 843 ha đất thương phẩm còn trống, tập trung tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng, nơi nhu cầu thuê luôn ở mức cao. Trong khi đó, VGC hiện đang sở hữu khoảng 911 ha đất thương phẩm ở phía Bắc nên chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của dòng vốn FDI ở các tập đoàn công nghệ như Samsung, LG…

Còn ở khu vực phía Nam, VDSC cũng đánh giá khả quan với LHG và NTC có thể hưởng lợi. Trong đó, KCN Long Hậu 3 có khả năng cho thuê chậm 90 ha đất thương phẩm, mặc dù sở hữu vị trí rất thuận lợi và nhu cầu cao, nhưng lại có khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Riêng với NTC, VDSC kỳ vọng KCN Nam Tân Uyên 3 sẽ bắt đầu thi công hạ tầng cuối Q2.2019 và cho thuê 255 ha trong 5 - 6 năm.

Ngoài ra, Becamex và IDC đang có 2.118 ha sẵn sàng cho thuê tại phía Nam. Tuy nhiên, một số KCN của họ đang cho thuê tương đối chậm vì vị trí không thuận lợi.