Trăm nghe không bằng một thấy
Trăm thấy không bằng một làm.
Những ngày qua, tại Khu di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã đón tiếp hàng vạn người đến chiêm ngưỡng và mãn nhãn với những màn trình diễn “xà quyền” hoang dã hết sức ấn tượng của vợ chồng hổ mây – báu vật của núi rừng Ông Cấm.
Cặp rắn hổ mây bị bắt ở Núi Cấm, tỉnh An Giang vưa qua thuộc nhóm I danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
“Đúng là khủng thiệt rồi, vì lần đầu tiên chúng tôi mới thấy rắn hổ mây. Kỹ năng săn mồi và cách phản ứng của loài rắn này thì khỏi chê. Chịu khó quan sát thì mới thấy hết được những thế di chuyển độc đáo. Đúng là hổ mây không hổ thẹn. Thấy khoái quá”, nhóm du khách đến từ Đồng Nai thích thú mô tả.
So với các loài rắn khác, hổ mây được liệt vào loài linh vật có nhiều quyền năng đặc biệt mà rất hiếm khi con người có thể nhìn thấy. Khi nằm rình mỗi thì tĩnh, im phăng phắc như chết, nhưng khi vồ mồi thì rất nhanh, thể hiện sự thâm hiểm trong chuyển động.
Hổ mây tung những cú đòn: đầu mổ, đớp mồi, phun nọc độc, cắn con mồi hoặc là quăng mình xiết con mồi, quẫy đuôi đập con mồi và có những lúc chúng “quẩy tung bông” cũng ngộ nghĩnh đến khó tả.
Tất cả “bản năng” đó đều thể hiện được khí chất khác thường của hổ mây. Những điều đặc biệt mà không kém phần huyền bí của “chúa tể bò sát” luôn là đề tài để mọi người nghiên cứu.
Du khách bàn tán cặp rắn hổ mây đang được nuôi nhốt ở đồi Tức Dụp, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang ở mọi lúc mọi nơi.
Những cung bậc vui nhộn hay trầm lặng của cặp vợ chồng hổ mây đã trở thành đề tài hấp dẫn thu hút sự quan tâm của mọi người. Từ khi chúng hiện nguyên hình thì cùng lúc có khá nhiều câu chuyện ly kỳ về loài rắn này được tiết lộ bởi một số nhân vật với các chứng cứ thật cụ thể.
Vì vậy, tất cả mọi người đều phải thừa nhận rắn hổ mây ở Núi Cấm là hoàn toàn có thật chứ không phải là huyễn hoặc truyền miệng. Ở mọi cánh rừng, núi non càng hiểm trở thì càng có nhiều loài rắn sinh sống, nhưng việc hổ mây xuất hiện thì cho đến nay duy chỉ có Núi Cấm. Và cơ may cho doanh nghiệp và cho những ai được mục sở thị hổ mây cũng hiếm hoi như loài thanh xà cực độc này.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh An Giang và các ngành chức năng sở tại cũng đã có động thái tích cực tỏ rõ quan điểm và đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn loài rắn quý hiếm.
Các chuyên gia Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã sẽ khảo sát, chọn nơi thích hợp nhất để thả cặp rắn hổ mây khủng. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc mọi người được mắt thấy – tai nghe về hổ may cũng sẽ hiếm dần đi nếu không muốn nói là cũng trở thành giai thoại chìm vào dĩ vãng.
Cặp rắn hổ mây bị bắt ở núi Cấm tỉnh An Giang đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến xem.
Xà vương xuất động, thanh xà tọa thủ, thủy xà thượng điêu v.v.. đó không chỉ là thế võ truyền thống qua hàng trăm năm mà còn là sự mô tảchân thực từ bản ngã của một loài rắn huyền thoại trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên. “Trong nhu có cương”, “trong tĩnh có động”, thân pháp linh hoạt, nhanh nhẹn, biến hóa, mắt sắc tay nhanh, công thủ nhất loạt của mọi chúng sinh được hình tượng hóa từ các thế chuyển động của rắn chúa.
Rắn hổ mây hay rắn hổ mang chúa (tên khoa học Ophiophagus hannah) là loài rắn thuộc họ Elapidae (họ Rắn hổ) phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là khoảng 7 m. Ở Việt Nam, chúng thuộc nhóm 1B, gồm những động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao,
Một khi môi trường tự nhiên – nơi đã sản sinh ra chúng - không còn là ngôi nhà an toàn thì việc nó tự tìm đến một nơi trú ẩn khác để sinh tồn cũng là điều dễ hiểu. Giải mã cho vấn đề này đó là làm sao để lưu giữ báu vật của Thiên Cấm Sơn, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đặc biệt là giáo dục cho thế hệ mai sau được mắt thấy tai nghe về rắn hổ mây là điều cần phải xem xét thấu tình đạt lý. Kiến thức về cuộc sống muôn loài không chỉ là lý thuyết suông mà còn phải thực tế thì mới thuyết phục.
Trước đó, quản lý dự án điện mặt trời ở An Giang thông tin, trong lúc san ủi mặt bằng mặt bằng rậm rạp dưới chân Núi Cấm, các công nhân đã phát hiện cặp rắn hổ mây khủng, để tránh những nguy hiểm khó lường nên dùng bao bố và lưới vây bắt và chúng được đưa về chăm sóc tại khu du lịch ở đồi Tức Dụp. Mỗi con rắn 30 kg, dài 6-7 m.
Ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước mà trên cả là văn hóa ứng xử chính trực với muôn loài, nghe nói Tập đoàn Sao Mai cùng với lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức họp báo để đưa cặp rắn hổ mây trở lại Núi rừng Ông Cấm trong một ngày không xa.
Chút bùi ngùi để ngẫm nghĩ rằng, có lẽ khi ấy, hổ mây sẽ lại đi vào huyền thoại để sự xuất hiện của nó cũng như sự trở về sẽ là những câu chuyện truyền mãi cho muôn đời sau. Quỹ thời gian để mọi người có được cơ hội chiêm ngưỡng ngón “xà quyền cực đỉnh” của cặp rắn này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. |