UBND tỉnh Cà Mau vừa có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh này đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện kế hoạch này, tỉnh Cà Mau dự chi kinh phí khoảng 3,7 tỷ đồng; trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 2,5 tỷ đồng, cấp huyện 550 triệu đồng và xã hội hóa 550 triệu đồng.
Theo đó, Cà Mau sẽ lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với các di sản: Nghề truyền thống gác kèo ong và nghề truyền thống muối ba khía (năm 2019), lễ hội nghinh Ông - Sông Đốc (năm 2020), lễ hội Đền thờ Vua Hùng (năm 2021), nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022), lễ vía Bà Thủy Long (năm 2023), lễ vía Bà Thiên Hậu (năm 2024).
Cà Mau xây dựng kế hoạch đưa nghề gác kèo ong (ăn ong) thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Chúc Ly.
Cụ thể, trong từng năm, Cà Mau sẽ xây dựng, thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đối với các di sản nói trên, như: Sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật, quy trình thực hành di sản,... Xây dựng 2 mô hình thực hành di sản gác kèo ong và muối ba khía để giới thiệu tại huyện Ngọc Hiển và huyện Trần Văn Thời.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức, chỉnh lý phòng trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận tại phòng trưng bày cố định của bảo tàng.
Muối ba khía là nghề truyền thống ở Cà Mau đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân. Ảnh: Chúc Ly.
Trong năm 2025, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, nhằm xác định lại danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần đưa vào danh mục Quốc gia, cấp tỉnh, hoặc đưa ra khỏi danh mục đã được phê duyệt. Từ năm 2026 - 2030, mỗi năm xây dựng ít nhất một hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị bổ sung vào danh mục Quốc gia; xây dựng và thực hiện ít nhất một kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận trong năm trước liền kề.