Dân Việt

Vừa bảo vệ rừng vừa thêm thu nhập

Anh Kiếm 07/06/2019 06:01 GMT+7
Tỉnh Kon Tum có 74 UBND xã, thị trấn và gần 3.600 hộ gia đình, 34 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao bảo vệ rừng và được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hơn 250 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ vậy, hoạt động quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn luôn có sự chuyển biến tích cực.

Phát huy hiệu quả dịch vụ môi trường rừng

Gần 10 năm nay, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Quỹ BVPTR) tỉnh Kon Tum đã tổ chức hàng nghìn buổi tập huấn, hội thảo tuyên truyền đến nhiều địa phương và người dân ở những nơi có cung ứng DVMTR. Ban đầu, nhiều người dân hiểu mông lung rằng “tiền chính sách được nhà nước cấp miễn phí” thì nay cách nghĩ đó đã thay đổi: “Bảo vệ rừng là nghĩa vụ và trách nhiệm, người dân cung ứng dịch vụ tốt nhất sẽ được chi trả tiền cao nhất”.

img

Người dân tham gia lớp tập huấn về chính sách chi trả DVMTR và thảo luận về mô hình sinh kế. Ảnh: L.K

"Sau một thời gian triển khai thí điểm, năm 2019 tỉnh sẽ hoàn thành 100% việc chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng thông qua tài khoản ngân hàng. Việc làm này sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí, đảm bảo an toàn và phù hợp với xu thế hiện nay”.

Hồ Thanh Hoàng -Giám đốc
Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum

Xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, Kon Tum) là xã vùng cao với 95% là người đồng bào dân tộc thiểu số, lâu nay tình trạng lấn chiếm rừng, xâm hại rừng vẫn diễn ra nhức nhối. Tuy nhiên, từ khi có chính sách chi trả DVMTR thì tình trạng này đã giảm hẳn, người dân đã ý thức được vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng. Hiện, trong 10 thôn thuộc xã đã có 5 thôn nhận giao khoán bảo vệ rừng. Nhận thức được vai trò quan trọng trong việc quản lý bảo vệ rừng, các buổi tập huấn, hội nghị về chính sách chi trả DVMTR ở đây luôn có đông người tham gia.

Có mặt ở buổi tập huấn về chính sách chi trả DVMTR, anh A Vu (26 tuổi, thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm) chia sẻ: “Những buổi học như thế này bà con ở đây không còn lạ nữa, giờ người dân đã biết và hiểu về lợi ích của việc bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường sống của con người, giữ gìn nguồn nước, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nhờ bảo vệ rừng, bà con vừa có thêm thu nhập, vừa biết cách quản lý đồng tiền và học được các mô hình hay, không còn xâm phạm đến rừng”.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, các thôn có nhận khoán bảo vệ rừng tại xã Đăk Trăm còn thành lập các tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ gồm 3 - 5 thành viên, phân công nhau đi tuần tra rừng, ngăn không để tình trạng chặt phá hay lấn chiếm đất rừng xảy ra. Trước đây, việc tuần tra bảo vệ rừng không ai nghĩ tới nhưng nay bà con đều tự giác phân công nhau làm, xem bảo vệ rừng như chính việc của gia đình.

Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết: “Bên cạnh việc Quỹ BVPTR tỉnh tuyên truyền hàng năm, chính quyền xã cũng phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn, công an thực hiện tuyên truyền đến từng thôn, làng để người dân bảo vệ rừng, vận động người dân cam kết không xâm lấn đất rừng. Quan trọng là người dân thấy được lợi ích, cái hay từ chính sách chi trả DVMTR, dần nâng cao nhận thức và có trách nhiệm hơn trong quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương”.

Theo Quỹ BVPTR rừng tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có khoảng 568.000ha rừng. Trong đó có hơn 360.000ha cung ứng DVMTR do 22 đơn vị, tổ chức; 74 UBND xã, thị trấn và gần 3.600 hộ gia đình, 34 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao bảo vệ. Năm 2017 Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum thu hơn 160 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR, năm 2018 hơn 273 tỷ đồng và năm 2019 dự kiến thu khoảng 252 tỷ đồng. Năm 2018 thu nhập trung bình của 1 hộ gia đình, cá nhân là 8.789.373 đồng, thu nhập trung bình của 1 cộng đồng dân cư thôn là 88.389.000 đồng.

Nhiệm vụ trọng tâm DVMTR năm 2019

img

Cán bộ Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum phối hợp với lực lượng kiểm lâm kiểm tra rừng. Ảnh: L.K

Nhiều năm qua, Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đồng quản lý Quỹ BVPTR tỉnh, Quỹ BVPTR Việt Nam cùng với sự phối hợp của các sở, ban ngành, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã tạo nên sự thay đổi và hiệu quả rõ rệt.

Theo ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum, trong năm 2019, Quỹ BVPTR tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện 3 nội dung chính, gồm: Tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR, quản lý bảo vệ rừng và hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả thông qua các mô hình sinh kế. Mục tiêu giúp mọi người dân, nhất là người dân ở các khu vực cung ứng dịch vụ hiểu về chính sách và có giải pháp cung ứng dịch vụ tốt nhất để được hưởng lợi ích tốt nhất.

Cụ thể, Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum tiếp tục thực hiện 59 hội nghị cấp xã để tuyên truyền, hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả thông qua các mô hình sinh kế. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình “đồng hành cùng em đến trường”, in 400.000 cuốn vở có thông điệp về chính sách chi trả DVMTR tặng cho học sinh ở những vùng có diện tích rừng cung ứng DVMTR.

Đồng thời, Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục rà soát, đàm phán, ký kết hợp đồng với các đơn vị sử dụng DVMTR mới đi vào hoạt động để huy động cao nhất nguồn lực của xã hội tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh với mục tiêu bảo vệ, duy trì bằng được diện tích rừng cung ứng DVMTR hiện có và phát triển thêm diện tích rừng trong thời gian tới.

“Thông qua các hoạt động tuyên truyền, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn toàn tỉnh đã hiểu rõ hơn về chính sách chi trả DVMTR. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng của những tổ chức, đơn vị và người dân được hưởng lợi từ rừng, góp phần bảo vệ, phát triển rừng ngày càng tốt hơn”- ông Hoàng cho biết.

Những năm qua, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó, chính sách đã tạo nguồn lực tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng, đời sống của người dân vùng cung ứng được cải thiện rõ rệt qua từng năm.

Trong năm 2018, Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum đã tổ chức 50 hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR với hơn 5.300 lượt người tham gia; 6 hội nghị hỗ trợ đánh giá cách quản lý, sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế và 3 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực của Quỹ BVPTR cấp xã. Đồng thời thực hiện chương trình “đồng hành cùng em đến trường”, in hàng trăm nghìn cuốn vở tặng học sinh vở những vùng thực hiện cung ứng DVMTR.