Dân Việt

Bà Tân Vlog và hiện tượng YouTuber "triệu view" mọc như nấm sau mưa

Tuấn Phong 31/05/2019 06:42 GMT+7
Hiện nay, các kênh YouTube "bà Tân Vlog", "Tam Mao TV", "Ẩm thực Tam Mao", "NTN Vlogs", “Hưng Vlog”... đang là tâm điểm, thu hút hàng triệu người theo dõi.

Hiện tượng Youtuber “mọc như nấm sau mưa”

Có thể nói, những ngày qua, từ khóa "Bà Tân Vlog" là 1 trong những cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội. 

Theo tìm hiểu của PV, bà Tân tên đầy đủ là Nguyễn Thị Tân (58 tuổi), hiện ở thôn Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Bà Tân có hai người con trai, chồng bà đã mất vì bệnh hiểm nghèo. Trên các tài khoản mạng xã hội của mình, bà Tân giới thiệu bà nặng 32 kg và cao 1m1. 

img

Kênh YouTube của bà Tân Vlog. (Ảnh chụp màn hình)

Kênh YouTube "Bà Tân Vlog" được lập từ ngày 7/2/2018 nhưng đến đầu tháng 5/2019 mới chính thức đăng tải video đầu tiên. Nội dung trong video của bà Tân khá đơn giản, pha trò nhưng số lượng người đăng kí tăng chóng mặt. 

Tính đến thời điểm này, kênh Youtube Bà Tân Vlog đã vượt ngưỡng 1,5 triệu người lên “sub” (subscribers - người đăng ký theo dõi). Theo thống kê của Social Blade, Kênh YouTube của bà Tân Vlog lọt vào danh sách top 3 kênh lên sub nhanh nhất thế giới trên YouTube trong 24 giờ. Theo đó, chỉ 20 ngày sau khi đăng tải video, kênh “Bà Tân Vlog” đã đạt được 1 triệu đăng kí. 

Dễ nhận thấy, nội dung trong các video của bà Tân đa số ghi lại quá trình nấu các món ăn gần gũi nhưng ở dạng "siêu to, siêu cay và khổng lồ" như: Trà sữa khổng lồ; Cá viên chiên khổng lồ; Cơm sườn siêu cay khổng lồ; Nướng 500 cái chân gà rút xương siêu cay khổng lồ; v.v…

Bên cạnh đó, có lẽ chính sự mộc mạc, giản dị và những câu nói với chất giọng địa phương Bắc Giang gần gũi, mộc mạc mang tính lan tỏa cao như: “Xin chào các cháu”; “Chào mừng các cháu trở lại với kênh bà Tân Vlog”; “Cuộc đời bà 60 nồi bánh chưng”; “Các cháu thấy bà có ngầu không?”... đã khiến cho kênh "Bà Tân Vlog" đạt được những thành tích “khủng”.

img

Lượng người xem các video của kênh "bà Tân Vlog" rất lớn. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, việc một bà Tân có thân hình nhỏ bé nhưng lại chuyên chế biến được những bữa ăn 'khổng lồ' cũng là yếu tố thu hút người xem. Chia sẻ với PV, bà Tân cho rằng: Đây là khoảng thời gian "vui nhất trong cuộc đời bà" vì có thể mang tiếng cười đến cho mọi người.

Sau thành công của “hiện tượng mạng” bà Tân Vlog, những ngày qua, mạng xã hội VN tiếp tục “khai quật” hàng loạt các kênh mới như “Bà Mập Vlog”, “Bà già 61 tuổi”, “Bà sáu vlog”, “Ông ba vlog”, “Bà tám Vlog”, “Ông già 65 tuổi”,… Nội dung các kênh này chủ yếu quay cảnh đời thường của các nhân vật như đi làm đồng ruộng, nấu các món ẩm thực “đồng quê”,… nhưng không có ông, bà nào tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ như bà Tân đã làm được.

Trước đó, cộng đồng mạng cũng xôn xao với hai kênh “Ẩm thực Tam Mao” và “Tam Mao TV” có lượng sub lên tới 2 triệu lượt với các clip xoay quanh hai nhân vật chính là “Mao đệ đệ” và “Mao đại ca”. Hay như kênh NTN Vlog, Hưng Vlog, v.v…

img

Trên YouTube hiện nay xuất hiện nhiều "ông bà Vlog". (Ảnh chụp màn hình)

“Con dao hai lưỡi”

Gần đây, trong một bài đăng tải lên vào tối ngày 28/5 trên cả fanpage và Facebook cá nhân, Nguyễn Thành Nam - chủ nhân kênh NTN Vlogs nổi tiếng với hơn 7 triệu sub đứng Top 3 Việt Nam đã trực tiếp bộc lộ những suy nghĩ của mình về việc nhiều kênh vlog lập ra của các cụ ông cụ bà gần đây, nối tiếp chuỗi tranh cãi chưa kịp nghỉ ngơi của cộng đồng mạng. Cụ thể, điều Nam muốn nói đến chính là “vấn đề đua đòi làm theo phong trào rồi bắt cả ông bà lên làm video”, đồng thời Nam cũng cho thông tin “YouTube nghiêm cấm hành vi lạm dụng sức lao động của người già và trẻ nhỏ”.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kênh YouTube có nội dung nhân văn, ý nghĩa thì nhiều kênh YouTube có nội dung quá đơn giản, hời hợt, miễn cưỡng, không có tính giáo dục trẻ em, gây ra nhiều hệ lụy…  Đáng chú ý, các kênh này lại đang là tâm điểm thu hút mọi người, số "view" không ngừng gia tăng. 

img

Cách làm YouTube của NTN Vlogs trước đây cũng hứng chịu nhiều gạch đá.

Mới đây, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt 2 anh em “Tam Mao” vì làm thịt “chim quý” rồi quay clip đăng lên Youtube. Cụ thể, ngày 25/3, đại diện cán bộ kiểm lâm huyện Ba Vì (Hà Nội) cho hay, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt anh em Tam Mao liên quan đến việc giết thịt chim, quay clip đăng lên YouTube vi phạm Nghị định 157 về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. 

Trước đó, ngày 5/3, kênh YouTube “Ẩm thực Tam Mao”đã đăng tải clip về món ăn “Thần điêu xào xả ớt”. Clip thu hút rất nhiều lượt xem chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đến ngày 6/3, cộng đồng mạng phát hiện con chim mà 2 anh em Tam Mao làm thịt giống với loài Diều hoa Miến Điện, đây là một loài chim quý, cần được bảo vệ. Sau đó, clip “Thần điêu xào xả ớt” đã bị xóa khỏi kênh YouTube này. 

Có thể nhận thấy, kể từ khi khóa các kênh "giang hồ mạng" vì vi phạm chính sách nghiêm trọng của Youtube về bạo lực, Youtube đang "âm thầm" dọn dẹp thị trường video trực tuyến tại Việt Nam. 

Đặc biệt, mới đây, Youtube đã bất ngờ chặn tính năng kiếm tiền của nhiều kênh Youtube khiến giới làm nội dung trong nước bất ngờ. 

Trường hợp đáng chú ý nhất đó là của kênh Ẩm thực Tam Mao với 2 triệu lượt sub bị tắt kiếm tiền trên Youtube trong tuần qua. Google không đưa ra bất cứ bình luận nào về việc tắt kiếm tiền của kênh này.

img

YouTube vẫn là một thế giới phức tạp khó chiều lòng được hết cộng đồng mạng.

Hay như Kênh YouTube “NTN Vlogs” của Nguyễn Thành Nam vào thời điểm kênh được hơn 3 triệu người theo dõi (năm 2018) đã bị YouTube tắt kiếm tiền ở kênh của mình một cách bất ngờ. Việc kênh NTN Vlogs bị khóa kiếm tiền đã rơi vào đúng thời điểm YouTube quyết định mạnh tay quét toàn bộ cộng đồng video thế giới để rà soát chất lượng, sau những vụ lùm xùm như video phân biệt chủng tộc hay các clip độc hại cho trẻ em bị phát tán. 

Được biết, NTN Vlogs từng khiến người xem thót tim khi anh này đăng video “Thử làm nhà trên không”. Căn nhà có khung sắt, vỏ bằng gỗ, sơn màu vàng, cheo leo giữa không trung, cách mặt đất gần chục mét chỉ được nâng đỡ duy nhất bằng một chiếc cột thẳng đứng. 

Nam trèo thang lên căn nhà như tổ chim trên cao, sau đó đẩy thang ra xa, một mình ngồi trong căn nhà chơ vơ giữa trời và nói chuyện với các khán giả qua chiếc máy quay. "Tôi sẽ còn làm video thử thách 24 giờ sống ở trong căn nhà này", anh giới thiệu trong video. Video thu hút hơn 4 triệu lượt xem sau 2 tuần. Nhiều bình luận chê trách Nam quá liều lĩnh khi tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiều bình luận còn châm biếm khi “khen ngợi” tinh thần dũng cảm, "biết hy sinh vì nghề nghiệp" của Nam.

Hay thì mới có nhiều người xem và phản hồi?

Đánh giá về sự thành công của bà Tân Vlog, nhiều YouTuber tỏ vẻ ngạc nhiên và đáng ngưỡng mộ đối với người phụ nữ được giới thiệu cao chỉ “một mét mốt” này. 

“Bình thường các kênh ở VN muốn đạt được 1 triệu sub thì phải mất khoảng 6 tháng, 1 năm thậm chí 3-4 năm. Nhưng kênh của Bà Tân chỉ trong 3 tuần đã được được 1 triệu thì quả thực rất đáng ngưỡng mộ và tuyệt vời. Đây là một con số kỷ lục”, P.T.L – YouTuber chia sẻ.

Theo YouTuber này, các video đều nhất quán về nội dung, nhất quán về thông điệp cũng như ngôn từ và hình ảnh. Điều này khiến anh cảm thấy thích thú khi theo dõi kênh này suốt thời gian qua.

YouTuber này cũng cho rằng, nhiều người có ý kiến cho rằng kênh của bà Tân thực tế rất nhảm nhưng anh không cảm thấy điều này. "Bà làm về ẩm thực rất nhất quán, "cái gì cũng khổng lồ" thì rất đơn giản, gần gũi và vui;  thông điệp của bà đưa ra rất là vui như "bà chào các cháu", "chào mừng các cháu đã quay trở lại với kênh của Bà Tân Vlog" hay  "các cháu ạ... cuộc đời bà", "gần 60 nồi bánh chưng"... nó cứ lặp đi lặp lại thực sự rất dễ nhớ và mang lại sự ấn tượng và ám ảnh. 

“Nội dung chắc chắn hay. Hay thì mới có nhiều người xem và phản hồi. Nhưng đáng khâm phục vẫn phải là cả một ê kíp đứng đằng sau, họ làm việc liên tục rất cần mẫn, chuyên nghiệp, liên tục tìm cái mới. Tôi dự đoán kênh của bà Tân Vlog sẽ vượt xa kênh của con trai bà là Hưng Vlog vì nó mới mẻ, trẻ trung và đầy thú vị. Đây cũng là hiện tượng đáng phải học hỏi”, P.T.L nhận định.