Dân Việt

Thiết kế "Bàn thờ" gây tranh cãi vẫn hút hơn 52.000 lượt like, chia sẻ "khủng"

Ngọc Mi 30/05/2019 19:25 GMT+7
Dù gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng nhưng tính đến thời điểm hiện tại, thiết kế trang phục “Bàn thờ”của tác giả Phạm Quang Minh đã thu hút lượng chia sẻ, bình luận "khủng".

img

Thiết kế "Bàn thờ" gây tranh cãi vẫn hút hơn 52.000 lượt like, chia sẻ "khủng".

Trong mẫu thiết kế của cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy - đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019 được Ban tổ chức (BTC) Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đăng tải có thiết kế trang phục mang tên "Bàn thờ" của thí sinh Phạm Quang Minh khiến dư luận tranh cãi dữ dội. Theo chia sẻ từ phía tác giả và BTC, "Bàn thờ" với ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhằm sự bày tỏ lòng hiếu thảo, mang giá trị về mặt tâm linh, ý thức luôn hướng về nguồn cội, dân tộc.

"Để lột tả hết ý nghĩa của trang phục này, người trình diễn cần một phong thái trang trọng, với một thái độ thành tâm. Đến giữa sân khấu thể hiện cái tâm, lòng thành bằng cách thắp 03 cây nhang để vái và xá 03 cái. Sau đó, người trình diễn xoay lưng lại phía sau để giúp người xem thấy được vật phẩm dâng lên bàn thờ (mâm cỗ dần dần hạ xuống nhờ vào động cơ)" - BTC cuộc thi trích dẫn. 

img

Không ít cư dân mạng bày tỏ thái độ bức xúc khi thiết kế này được lọt top các thiết kế được bình chọn cho đại diện Việt Nam làm trang phục dân tộc tham gia cuộc thi Miss Universe 2019: "Không hiểu sao có thể thiết kế ra trang phục như vậy"; "Bàn thờ là nơi thiêng liêng lại đem thiết kế trang phục. Bộ hết ý tưởng rồi sao"...

Dưới con mắt của người làm nghề, NTK Quang Huy cũng đánh giá, tác giả thiết kế "Bàn thờ" có vấn đề trong tư duy, nhận thức. "Việc bạn Quang Minh đưa ý tưởng người trình diễn thắp 3 nén hương, vái ba lạy là không tôn trọng văn hóa tín ngưỡng. Nếu nhìn vào bộ trang phục bàn thờ, sẽ thấy thiết kế này là đi quá thuần phong mỹ tục và văn hóa tín ngưỡng. Bàn thờ là nơi linh thiêng mang ý nghĩa tâm linh văn hóa, rất khó động chạm đến để đưa vào những vật dụng thông thường chứ chưa nói đến quần áo mặc trên người". 

img

Điều đáng nói là thiết kế "Bàn thờ" dù gây tranh cãi gay gắt nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn tồn tại fanpage chính thức Miss Universe Vietnam - Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam với lượng like, chia sẻ, bình luận "khủng". Nếu tính điểm theo cách thức từ BTC cuộc thi 1 like = 3 điểm; 1 bình luận = 4 điểm; 1 bình luận = 5 điểm thì thiết kế "Bàn thờ" rất có thể lop top thiết kế có số điểm bình chọn online cao nhất sẽ được vào thẳng vào top 15 thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy dự thi Miss Universe 2019.

Nhiều ý kiến từ phía cộng đồng mạng cho rằng, cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy - đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019 dù thí sinh được tự do thiết kế nhưng BTC cũng nên có khâu tuyển chọn kỹ lưỡng khi công bố các tác phẩm như thế này. 

Trước đó, Zing dẫn lời đại diện BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam giải thích rằng, thiết kế "Bàn thờ" của tác giả Phạm Quang Minh chỉ là vòng đầu tiên, mọi thứ mới dừng ở mức ý tưởng, chưa được thực hiện: "Bộ trang phục cuối cùng được lựa chọn mang đi thi chắc chắn sẽ phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố về sáng tạo, văn hóa, đủ ấn tượng để mang Việt Nam ra thế giới". 

Phía tác giả Phạm Quang Minh cũng thừa nhận: "Do ý tưởng của các bạn tham gia cuộc thi có những thứ quá phổ biến, nên tôi chọn bàn thờ gia tiên cho thiết kế. Tuy nó hơi lố nhưng vẫn mang một nét đẹp truyền thống của dân tộc mà lại quen thuộc với người dân Việt Nam".

Ngoài thiết kế "Bàn thờ", nhiều thiết kế trang phục dân tộc đáng chú ý như:

img

Bộ trang phục dự thi "Trầu cau" cũng độc đáo với sự kết hợp giữa chiếc áo yếm đặc trưng của miền Bắc và những chi tiết trang trí lấy cảm hứng từ bộ dụng cụ ăn trầu truyền thống của người Việt. 

img

Thiết kế "Kim quyền" với ý tưởng từ hình ảnh Vua Lê hoàn kiếm cho rùa vàng và hình ảnh của Nam Phương hoàng hậu. Bộ trang phục được cách điệu với các họa tiết cung đình Việt Nam và chiếc mão đội đầu của hoàng hậu xưa để tạo nên một tổng thể quyền lực nhưng vẫn mang được nét truyền thống song song với hiện đại.

img

Trang phục “Rồng bay phượng múa” lấy cảm hứng từ tà áo dài được cách điệu. Phần trên được đặt hình ảnh chim phượng hoàng bên chiếc quạt. Họa tiết sử dụng được khai thác từ họa tiết rồng, hoa văn thời Lý.

img

"Cảm hứng từ Hạ Long park, với nhiều kỷ lục thế giới như Cabin và cáp treo có trụ cao nhất thế giới, vòng quay mặt trời cao nhất thế giới..."

img

Thiết kế "Đêm rằm" lấy cảm hứng từ đêm rằm trung thu, với những đồ vật đặc trưng như ánh trăng, lồng đèn, hoa sen, đầu lân, ngôi sao…