Dân Việt

Gian lận thi cử diễn ra theo hệ thống: Trách nhiệm Bộ GDĐT đến đâu?

Hà My 31/05/2019 09:20 GMT+7
Đó là câu hỏi chung của nhiều Đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ GDĐT sau bê bối gian lận thi cử tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình diễn ra một cách có hệ thống, tinh vi.

Ngày 30.5, tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017, nhiều đại biểu đã đưa ra đánh giá về ngành giáo dục hiện nay. Câu hỏi được đặt ra là vai trò, trách nhiệm của Bộ GDĐT trong bê bối gian lận vừa qua tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình.

“Mỗi năm 1 lần, Bộ thay đổi cách thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng càng cải cách, kết quả lại càng kém hơn, tiêu cực nhiều hơn", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhận định.

Trong 3 năm vừa qua, vẫn theo vị đại biểu của An Giang, Bộ GDĐT không tổ chức tập huấn cho tỉnh khắc phục kẽ hở từ khâu chấm thi. Phần mềm chấm môn tự luận quá lỏng lẻo, bài thi trắc nghiệm không rọc phách, dùng bút chì để khoanh. Đặc biệt, Bộ GDĐT không có khâu hậu kiểm, đánh giá tương quan điểm số của các thành phố với nhau sau khi có kết quả thi.

img

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Quochoi.vn.

“Không thể không đặt dấu hỏi tại sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá, giỏi cao hơn Hà Nội, TP.HCM. Nếu phúc tra trên cả nước, tôi tin sẽ còn phát hiện rất nhiều. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân. Có như vậy, những thử nghiệm của Bộ Giáo dục trong thi cử nói riêng và giáo dục nói chung mới đảm bảo tính nghiêm túc”, đại biểu Hiếu đề nghị.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ GDĐT cứ loay hoay với những vấn đề ít đem lại kết quả đạt được mục tiêu đề ra. Cải tiến nối tiếp cải tiến, nhưng khi chưa có kết quả gì rõ ràng thì tiêu cực, sai phạm lại nảy sinh.

"Quay lại sai phạm kỳ thi 2018, dám chắc Bộ GDĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại của sai phạm đó. Nó khiến xã hội mất niềm tin vào nền giáo dục nước nhà", đại biểu Cương nhận định. Ông Cương cho rằng, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, sai phạm diễn ra nhưng chính Bộ GDĐT lại không phát hiện ra sai phạm. Sau đó, chậm chạp và không có chính kiến rõ ràng trong xử lý sai phạm khiến vụ việc vẫn là nỗi bức xúc trong dư luận.

img

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng, trúng thực chất các tồn tại của ngành giáo dục, có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để cứu vãn nền giáo dục nước nhà. "Nếu như trước kia, tiêu cực trong thi cử diễn ra nhỏ lẻ, thì ngày nay hành vi gian lận có tổ chức, quy mô lớn, tinh vi hơn, diễn ra ở nhiều địa phương, do những người có chức có quyền, có tiền, có thế lực trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện. Chính hành vi gian lận này đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật và thi thật", ông Giang nhận xét.

Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhận định, trách nhiệm của Bộ GDĐT trong bế bối gian lận thi cử là không thể phủ nhận, tuy nhiên cần phải có cái nhìn tổng quát: "Không thể phủ nhận trách nhiệm của Bộ GDĐT trong bê bói gian lận thi cử, Bộ GDĐT đã chậm trễ trong việc phát hiện ra gian lận, nhưng theo tôi cũng cần phải nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh, nơi tổ chức kỳ thi xảy ra gian lận thi cử. Tính tới thời điểm này tôi chưa thấy bất kỳ cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về gian lận thi cử diễn ra ở tỉnh mình cả".