Dân Việt

Rút cục có hay không chuyện nâng điểm giá 1 tỷ đồng ở Sơn La?

DV (tổng hợp) 31/05/2019 19:00 GMT+7
Vụ nâng điểm thi ở Sơn La những ngày vừa qua gây xôn xao dư luận khi có thông tin cho rằng phụ huynh bỏ 1 tỷ đồng ra mua điểm. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La cho rằng đây là tin thất thiệt.

Về vụ nâng điểm thi tại Sơn La, căn cứ tài liệu thu thập được, Công an tỉnh Sơn La đã triệu tập, xác minh với 18 đối tượng trung gian và làm việc với 42 trường hợp là cha mẹ, người thân của 44 thí sinh trong danh sách được nâng điểm.

8 bị can khai được nhờ “nâng điểm thi”, song những người liên quan thì nói chỉ “nhờ xem điểm thi” hoặc phủ nhận dính líu. Thậm chí, có trường hợp cả số tiền tỷ chi ra để nâng điểm đến giờ không ai nhận.

img

5 trong số 8 đối tượng đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ án nâng điểm thi Sơn La. Ảnh: Lao Động

Điển hình là trường hợp mà Vietnamnet dẫn nguồn từ Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La cho hay: Qua quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga khai nhận đã thỏa thuận, nhận số tiền 1,04 tỷ đồng từ Trần Văn Điện khi giúp sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh Nguyễn Thanh H., Nguyễn Văn M., Trần Ích Q., Ngần Văn Ch. Bà Nga và người thân đã tự nguyện giao nộp tiền cho cơ quan công an. Tuy nhiên, Trần Văn Điện và người thân các thí sinh không thừa nhận việc này.

Một số bị can khác khai, sau khi nâng điểm bài thi cho thí sinh cũng nhận số tiền hàng trăm triệu đồng từ người nhờ vả nhưng đến giờ, không ai trong số này thừa nhận việc thỏa thuận, đưa tiền.

Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Số tiền 1 tỷ đồng để nâng điểm từ đâu mà ra và có hay không khi các bị can nói “có” còn phụ huynh nói “không”?

Trong khi đó, chiều 30/5, trước câu hỏi của một số cơ quan thông tấn báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Sơn La liên quan đến thông tin báo chí đưa như: “Giá chạy điểm cho mỗi thí sinh là 1 tỷ đồng; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La Hoàng Tiến Đức đưa danh sách 8 trường hợp cho bị can Trần Xuân Yến"..., ông Trần Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La khẳng định: "Những thông tin trên là tin thất thiệt, không có căn cứ, không có cơ sở pháp lý".

Ông Tuấn cho biết, trong 8 bị can bị đề nghị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 3 bị can (Nguyễn Thị Hồng Nga - nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo; Đặng Hữu Thủy - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP.Sơn La; Lò Văn Huynh - nguyên Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng của Sở Giáo dục và Đào tạo) bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.

img

Ảnh: Vietnamnet

Các bị can gồm: Trần Xuân Yến - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; Cầm Thị Bun Sọn - nguyên Phó Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng của Sở Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thị Thanh Nhàn - nguyên Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo; Đỗ Khắc Hưng - nguyên trung tá, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh; ông Đinh Hải Sơn - nguyên thiếu tá Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh bị áp dụng biện pháp cho tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trước đó, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Sơn La cũng cho biết, thông tin về giá nâng điểm 1 tỷ đồng cho một thí sinh chỉ là lời khai của bị can.

Sáng nay (31/5), bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực,Trưởng Đoàn ĐBQG tỉnh Sơn La đã trao đổi nhanh với báo chí xung quanh việc gian lận điểm thi xảy ra ở tỉnh Sơn La.

Trước câu hỏi thông tin 1 tỷ đồng/suất nâng điểm thi là thế nào, ĐB Nguyễn Đắc Quỳnh cho biế, nghe một Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Sơn La nói, thông tin trên mới là một phía, chưa được kiểm chứng.

“Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu phải làm rõ. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi phải bị xử lý, dù không có tiền. Nếu có tiền thì dứt khoát phải xử lý theo tội nhận hối lộ, ĐB Quỳnh nhấn mạnh quan trọng phải tìm ra chứng cứ, làm rõ sự thật.

Trong một diễn biến mới, hôm nay, báo Người Đưa Tin cho biết, cơ quan điều tra đã có kết luận ban đầu về lời khai của các thí sinh được nâng điểm, kết quả xác minh với 21/44 thí sinh. Trong đó, 11 trường hợp thí sinh khai nhận trực tiếp chuyển thông tin cá nhân, 10 trường hợp phủ nhận hoặc vắng mặt tại địa phương nên chưa thể xác minh.

Bản kết luận điều tra cho rằng, đối với số thí sinh khai nhận cung cấp thông tin cá nhân nhờ xem điểm chỉ là né tránh, bao biện.

Thực tế, các bị can không thể tự ý tìm rút bài thi nâng điểm cho các thí sinh khi không có "mối quan hệ quen biết". Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định, các thí sinh này không phải là đối tượng trực tiếp tác động đến các bị can để nhờ nâng điểm.