Giáp Tết, thôn Đoàn Kết (xã Tân Quang) đỏ rực sắc cam chín. Hai bên đường thôn những cây cam trĩu quả, nông dân phải dựng cột tre, chằng dây để khỏi gãy cành. Từng đoàn ô tô, xe máy của thương lái hối hả đổ về thôn Đoàn Kết "ăn hàng". Ước tính, mỗi ngày thôn cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn cam.
Cây cam Canh đã “bén duyên” trên đất Lục Ngạn. |
Thu 12 tỷ đồng/năm từ cam
Khi chúng tôi đến nhà anh Trần Thế Tình, các thành viên đều ở vườn cam. Anh Tình đỡ chùm cam đỏ mọng nói: "Gia đình tôi trồng cam Đường Canh từ năm 2003 với 250 gốc ban đầu. Giống mua, kỹ thuật chăm sóc học từ Văn Giang (Hưng Yên). Có kinh nghiệm, tôi tự chiết, ghép nhân ra 500 gốc. Năm 2006, tôi thu hoạch vụ cam đầu tiên. Năm nay cam được mùa, được giá, đầu tháng 12 gia đình tôi bán hơn 1 tấn giá 48.000-50.000 đồng/kg, đợt Tết Nhâm Thìn giá còn cao hơn".
Cạnh vườn nhà anh Tình là vườn cam của gia đình ông Trần Văn Hóa và bà Trần Thị Điện. Bà Điện cho hay: "Gia đình tôi có 800 gốc cam. Vụ này gia đình tôi thu về không dưới 500 triệu đồng".
Chị Trần Thị Mười-Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đoàn Kết cho biết: "Thôn có gần 1.000 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc, diện tích tự nhiên khoảng 100ha. Đất canh tác là phù sa ven sông Lục Nam rất phù hợp với trồng cây ăn quả. Trước đây bà con trồng hồng Nhân Hậu, vải... vài năm gần đây chuyển sang trồng cam Đường Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn. Tổng thu nhập năm 2011 của thôn từ cây ăn quả gần 20 tỷ đồng, trong đó từ cam Đường Canh khoảng 12 tỷ đồng. Hiện gần 65% số hộ trong thôn khá, giàu, chỉ còn 17 hộ nghèo. Hạ tầng của thôn được xây dựng hầu hết từ đóng góp của người dân".
Anh Bùi Xuân Chỉnh (thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc) - người đi đầu đưa cam Đường Canh lên đồi, thay thế diện tích vải thiều kém chất lượng, cho biết: Vài năm đầu, nhiều vụ cam không cho quả, thậm chí anh đã có lần chặt đi trồng mới, nay mới có được vườn cam ưng ý. Cam Đường Canh tuy khó tính, đòi hỏi công sức và kỹ thuật chăm sóc cao nhưng là cây "siêu lợi nhuận". Nhiều gia đình ở Đồng Quýt đã học tập anh Chỉnh. Hiện Đồng Quýt có hơn 20ha cam Đường Canh cho thu hoạch. Vụ này, sản lượng cam cả thôn khoảng 200 tấn, riêng gia đình anh Chỉnh thu 15 tấn.
Rất cần quy hoạch
Tuy nhiên, câu chuyện về cam Đường Canh không chỉ toàn "màu hồng". Trước hết là việc quy hoạch. Huyện Lục Ngạn đã có định hướng phát triển có chọn lọc trang trại kết hợp các loại cây ăn quả có múi, song việc rà soát, đánh giá và có chiến lược, quy hoạch phát triển lâu dài, bền vững đối với cam Đường Canh vẫn đang dừng ở mức tiếp tục xem xét, nghiên cứu.
Hiện Lục Ngạn có hơn 200ha cam Đường Canh, sản lượng hơn 1.000 tấn/năm và có xu hướng phát triển mạnh trong những năm tới. Do vậy rất cần có quy hoạch tổng thể và các giải pháp đồng bộ để cam Đường Canh "cắm rễ" vững chắc.
Rút kinh nghiệm từ cây vải thiều, hồng Nhân Hậu... ngay từ bây giờ rất cần hình thành những vùng trồng cam Đường Canh tập trung theo mô hình sản xuất sạch, an toàn (tiêu chuẩn VietGAP); không để người dân tự phát trồng. Có như vậy mới hạn chế tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến "được mùa, mất giá" như nhiều loại cây trồng khác.
Quốc Phương