MC Quyền Linh: "Lủi thủi một mình, bàn chải, dao cạo râu toàn đồ khách sạn".
Mới đây, cộng đồng mạng "dậy sóng" truyền tay nhau chia sẻ bài viết khá dài có tựa "Người tử tế - sống tử tế - làm việc tử tế" của facebooker Do Dienthanh viết về những chuyện mà có thể nhiều người chưa biết MC Quyền Linh. Mở đầy bài viết, facebooker này cho biết, MC Quyền Linh vừa là người bạn, người anh, vừa là đồng nghiệp vì cả hai có thời gian dài gần 20 năm gắn bó với nhau trong công việc.
Facebooker Do Dienthanh viết: "Anh ấy là nghệ sĩ như người ta thường gọi, là người của công chúng, người nổi tiếng trong showbiz, vậy mà tôi chẳng thấy anh có chút gì hào nhoáng, bóng bẩy của dân showbiz cả.
Người thì đen thùi lùi, xuề xoà, cục mịch, chân chất như ông nông dân, bản tính thật thà chất phác như bản chất của người dân Nam Bộ, mà cũng phải thôi bởi anh là dân miền Tây mà. Tốt nghiệp và làm diễn viên một thời gian nhưng cơ duyên đưa đẩy anh trở thành người dẫn chương trình lúc nào chẳng hay. Mà nghĩ cũng ngộ, nghệ sĩ người ta đi show thì có người đưa kẻ đón, có quản lý, có người phục vụ ra nắng ra mưa có người che dù, quạt mát, ngồi máy lạnh, ăn pizza, hay những suất ăn cao cấp.
Còn anh thì ngộ thiệt, đi làm chương trình nào cũng lủi thủi một mình, tự chắt chiu thu xếp hành lý đôi khi chỉ là cái bọc ni lông trong đó có vài bộ quần áo, bàn chải đánh răng, tuýp kem, dao cạo râu cũng toàn của khách sạn. Bữa ăn cũng vậy, anh chị em trong đoàn ăn gì thì anh ăn cái đó, có lúc là cơm hộp bình dân ngay hiện trường, có khi là những bữa cơm bụi dọc đường di chuyển, có những hôm làm việc ở vùng sâu vùng xa thì anh cũng ngồi húp mì gói xì xụp cùng anh em ê kíp ngay tại sân cỏ. Lúc đầu tôi cứ nghĩ bụng: "Anh này làm cũng có tiền mà sao sống khổ dữ trời"...nhưng càng làm việc chung cùng nhau và chứng kiến nhiều việc anh làm có khi là trong chương trình, có khi ngoài chương trình thì tôi hiểu rằng anh xuề xòa và tiết kiệm với bản thân nhưng lại luôn hào phóng với những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn...
Tôi nhớ có lần làm chương trình ở Khánh Hòa gặp trường hợp hộ dân có hoàn cảnh quá ngặt nghèo với số vốn hỗ trợ từ chương trình đối với họ là khá lớn nhưng cũng chưa đủ để trang trải. Anh tự móc hết hầu bao của mình hỗ trợ thêm cho họ nhưng cũng chỉ nói rằng đây là số tiền từ một mạnh thường quân nhờ tôi gửi tới anh chị.
Trưa hôm đó anh có việc gấp phải về Sài Gòn, ra tới sân bay lúc vào mua vé anh mới nhận ra mình chẳng còn đồng nào trong túi, anh gọi cho tôi hỏi có quen ai trong sân bay Cam Ranh không, mượn tiền giúp anh với vì chỉ có chuyến bay này anh mới kịp về thôi. Tôi chỉ còn biết than trời và nói: "Bó tay anh luôn". Anh cười xòa nói: "Vậy thôi! Để anh vô hỏi mua thiếu thử coi được không". Vậy mà không biết sao anh vẫn mua được vé, lúc về tới Sài Gòn anh gọi tôi nói rằng: "Anh nổi tiếng ở sân bay Cam Ranh rồi em ơi!".
Có lẽ điều tôi khâm phục nhất ở anh đó là sự lao động không mệt mỏi, bất kể trời nắng hay mưa gió bão bùng anh luôn nhiệt tình cống hiến hết mình cho công việc, cho chương trình, cho khán giả miễn là việc đó có ích cho cộng đồng và xã hội bằng cái tâm với đời và với nghề. Mười mấy năm làm chương trình là mười mấy năm anh phơi nắng, phơi mưa cùng anh chị em ê kíp cũng như bà con nghèo ở dọc dài mảnh đất hình chữ S thân thương này.
Tôi nhớ mãi không thể nào quên được hình ảnh anh cầm micro đứng co ro trong cái rét cắt da cắt thịt và mưa phùn miền Trung, môi anh thâm tím, răng va vào nhau lập cập (vì tính chất đặc thù của chương trình nên anh không mặc áo ấm) ấy vậy mà khi nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của nhân vật anh dường như quên đi sự khắc nghiệt của thời tiết lúc đó để tiếp tục vai trò cầm trịch chương trình. Tối hôm đó về nhà nghỉ, anh sốt cao, giọng khàn đặc nói không ra hơi, anh em sản xuất nói sức khỏe anh như vậy ngày mai mình tạm dừng anh nhé, anh xua tay và lắc đầu lia lịa bảo: "Không. Anh làm được, nếu chương trình dừng đồng nghĩa với việc nhân vật không nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Họ lấy tiền đâu mà trang trải khi có người thân đang mắc bệnh hiểm nghèo trong bệnh viện. Anh cố được mà".
Vậy đó, cái tình của người nghệ sĩ đôi khi đơn giản vậy thôi nhưng thấm đẫm tình người. Và cứ thế hành trình giúp người giúp đời cứ thầm lặng theo anh suốt dọc dài đất nước, và hành trang anh mang theo có cả những bịch thuốc đủ loại. Trời lạnh thì vậy, còn những lúc trời nắng và thêm khoản gió Lào ở Nghệ An thì thật khủng khiếp. Cũng là đặc thù của chương trình nên anh cũng không được đội mũ, nón cứ đầu trần phơi nắng suốt mấy tiếng đồng hồ.
Trong khi anh em ở bộ phận sản xuất chúng tôi vì không xuất hiện trong hình nên vẫn được đội nón và che dù thì anh đầu trần vậy. Những lúc chờ sắp xếp giữa các vòng thi của chương trình thì vật dụng che nắng của anh là bất kể thứ gì có trên sân, lúc thì là manh chiếu, có khi cái chổi, cái thúng hay nhanh nhất đó là núp dưới gầm bàn...
Da anh đen sạm thêm cũng vì lẽ đó, có hôm mắt anh sưng húp vì nhìn trực diện với ánh nắng mặt trời chói chang. Vậy mà điệp khúc vẫn là "anh cố được mà"...Có lẽ trong số những người nổi tiếng mà tôi từng gặp và làm việc cùng thì anh là người thân thiện nhất, dễ gần gũi nhất, khoảng cách phân biệt gần như không có. Sở dĩ tôi nói chắc như vậy vì tôi biết rất nhiều người có cùng nhận xét như tôi khi gặp anh. Tôi không biết anh nổi tiếng cỡ nào nhưng bất kể ai từ người già, người trẻ ở mọi tầng lớp đều nhận được sự thân thiện đó từ anh.
Có lần đoàn về công tác ở Tây Ninh một nhóm học trò từ trong trường học ùa ra vây quanh anh xin chữ ký, ai cũng nhao nhao xếp hàng cầm giấy, cầm tập và tôi thấy cả những tờ tiền lẻ trên tay các em. Có 1 cậu bé quần áo lấm lem không có giấy hay tập viết gì cả, em lượm vội tờ giấy lau miệng của ai đó vứt trên sân đưa anh ký, anh vẫn vui vẻ nắn nót ký tặng và hỏi cậu bé: "Con không mang tập à?". Cậu bé lấm lét trả lời:"Con hết tập rồi". Anh xoa đầu cậu bé: "Sao con không nói ba mẹ mua tập cho, chứ đi học lấy gì con viết?". Thằng bé im lặng rồi lí nhí:"Ba mẹ con hổng có tiền".
Anh lặng người 1 chút rồi động viên cậu bé:"Cố gắng học giỏi nghe con, hết chương trình con ra xe đó gặp chú nhé!", nói rồi anh vội vã vào sân khấu làm việc. Tôi trộm quan sát cậu bé và thấy đôi mắt nó rưng rưng cảm động, cẩn thận xếp mảnh giấy lau miệng có chữ ký của anh cất vào túi như một cái gì quý giá đối với nó. Cuối buổi làm việc hôm đó cậu bé đó đã nhận được từ anh 1 chồng tập mới và một số tiền. Anh dặn về đưa cho mẹ nói chú cho để mua quần áo mới nha.
Khi ấy tôi thấy 1 chị bán vé số rưng rưng đứng gần đó tiến lại cảm ơn anh thật nhiều và nói cậu bé là con của chị. Anh cười và bảo chị rằng: "Cháu ngoan lắm chị cố gắng cho cháu học nha, đừng để nó nghỉ học giữa chừng, tội lắm chị". Nói rồi anh vội vã lên xe theo đoàn đi xóa nợ cho thí sinh...
Bẵng đi 1 thời gian tôi trở lại vùng đó khảo sát hộ nghèo cho một chương trình thiện nguyện khác, tình cờ địa phương dẫn tôi vào đúng ngay nhà cậu bé. Đập vào mắt tôi trong gian nhà tồi tàn là góc học tập của cậu bé, trên mảnh tường đất loang lổ là chi chít những giấy khen học sinh giỏi và trong đó là mảnh giấy lau miệng có chữ ký của anh được dán trang trọng ở giữa. Tôi hỏi cậu bé: "Sau này lớn lên con sẽ làm nghề gì?". Cậu bé không đắn đo trả lời tôi rằng: "Con sẽ làm MC như chú MC đen nhất Việt Nam đi giúp người nghèo".
Tôi thật sự ngạc nhiên nhìn cậu bé, đúng là ước mơ của con trẻ. Tôi không biết sau này cậu bé có thực hiện được ước mơ của mình không, nhưng tôi tin một điều anh đã truyền cho cậu bé một khát vọng vươn lên và một nghị lực, một hoài bão mà trong đó có cả lòng tốt và sự nhân hậu. Không tính toán thiệt hơn, không đòi hỏi cao sang cũng chẳng màng danh lợi, anh cứ chất phác như thể anh sinh ra là vậy".
Thay cho lời kết, facebooker này gửi tặng MC Quyền Linh những hình ảnh mà có khi nam MC chưa được nhìn thấy về mình để lấy đó làm động lực làm việc: "Em tin ngoài kia vẫn còn biết bao mảnh đời khốn khó, cơ cực, những hoàn cảnh không lối thoát đang chờ những việc làm tử tế nơi anh và em tin anh sẽ nói câu: "Anh cố được mà" như mọi khi anh nhé".
Với những người có những lời khiếm nhã về MC Quyền Linh khiến nam MC từng chia sẻ mệt mỏi và phải dừng hoạt động showbiz thời gian qua, facebooker Do Dienthanh nhắn nhủ: "Tôi nghĩ bạn là người sống thiếu niềm tin, thật bất hạnh cho bạn. Bởi thiếu niềm tin nên bạn luôn nghi ngờ và nghĩ xấu về việc tốt của người khác đang làm nhưng việc tốt là việc để làm không phải để tính toán thiệt hơn bạn nhé! Nên nếu bạn không làm được gì hơn ngoài việc đó thì việc bạn im lặng cũng là việc tử tế đối với bạn rồi".
Bài viết của facebooker Do Dienthanh nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía cộng đồng mạng ngay sau khi đăng tải. "Em đọc đến đoạn cái rét của miền Trung thì nước mắt tự dưng mà rơi"; "Đọc thương anh Quyền Linh lắm!"; "Rất cảm phục sự thiện lương và tử tế của Quyền Linh! Mong anh khoẻ và trao thêm nhiều hơn để cuộc đời này được sẻ chia thêm tình người!"...