Liên quan tới vấn đề này, PV Báo NTNN đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Ông cho biết: Cập nhật mới nhất của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho thấy tình hình dịch cúm A-H5N1 thời điểm này không có gì bất thường.
Trong dịp Tết Nguyên đán không ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm mới nào phát sinh. Tuy nhiên, ngày 30.1 Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã ghi nhận một trường hợp tử vong do ăn gà bệnh, kết quả dương tính với virus cúm A - H5N1. Tích lũy từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm A - H5N1 tại Kiên Giang và Sóc Trăng, hiện cả hai bệnh nhân này đều đã tử vong.
Theo ông virus này có biến chủng gì mới không?
- Trong số 15 phân típ cúm thì virus cúm A-H5N1 có tính biến dị nhanh, có chứa các gen của các virus từ các động vật khác nhau. Kết quả nghiên cứu và xét nghiệm mới nhất của cả hai bệnh nhân tử vong vì cúm A-H5N1 vừa qua cũng cho thấy chưa có biến chủng mới kể từ năm 2003 tới nay. Hiện nay, chủng virus lưu hành tại Việt Nam vẫn là chủng có động lực cao. Tại Việt Nam, 5/5 trường hợp mắc đều tỷ vong, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 4/7, ở Indonesia là 19/21.
Diễn biến dịch cúm A- H5N1 vẫn sẽ diễn biến phức tạp, Viện đã lên kế hoạch gì để chủ động ứng phó?
- Chiều 2.2, Bộ Y tế đã có cuộc họp giữa Viện Vệ sinh dịch tễ, Cục Y tế dự phòng, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A–H5N1 trong cả nước. Đồng thời, chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng địa phương, trọng tâm là Sở Y tế Sóc Trăng và Sở Y tế Kiên Giang giám sát chặt chẽ tình hình cúm A - H5N1 để phát hiện và xử lý sớm ổ dịch. Đặc biệt, Viện cũng đã ra chỉ thị cho Viện Pastuer Nha Trang cử đội cơ động chống dịch nhằm hỗ trợ, phòng chống dịch cúm A-H5N1.
Minh Nguyệt