Chân dung cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên. (Ảnh: Tư liệu)
Sáng nay (2.6), tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố (5/6/1889-5/6/2019).
Dự Lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các tầng lớp nhân dân Thủ đô…
Trong buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ôn lại quá khứ hào hùng của cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước ta.
Theo diễn văn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cụ Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình có truyền thống Nho học, tại làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm thống trị, cụ đã chứng kiến nhiều phong trào đấu tranh yêu nước do các văn thân, sĩ phu lãnh đạo như: Phong trào Duy Tân 1906-1908, vụ Hà Thành đầu độc năm 1908, Phong trào Chống thuế ở Trung Kỳ,… tất cả đều bị đàn áp dã man, bị dìm trong bể máu. Từ thực tiễn lịch sử đó, cụ Nguyễn Văn Tố đã tiếp thu truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc diễn văn Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thành An)
Hấp thụ những tinh hoa của nền văn hóa Kinh Kỳ, từ nhỏ, cụ Nguyễn Văn Tố đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, nổi tiếng là người tinh thông Nho học, giỏi ngôn ngữ Pháp và am tường văn hóa phương Tây.
Năm 1905, khi vừa 16 tuổi, người thanh niên Nguyễn Văn Tố đã đỗ đầu kì thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống xứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 1906, cụ được nhận vào viện Viễn Đông Bắc cổ Hà Nội, một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội của Pháp ở Đông Dương thời đó. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, Nguyễn Văn Tố đã trở thành một học giả nổi tiếng, có nhiều nghiên cứu nổi tiếng về văn hóa phương đông, văn hóa phương tây, nhất là về lịch sử văn hóa Việt Nam.
Năm 1921, chí sĩ Nguyễn Văn Tố được cử làm Chủ sự Tạp chí Trí Tri của Hội Trí Tri, một tổ chức có uy tín trong việc thúc đẩy, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Pháp ở Bắc Kỳ. Đến năm 1934, cụ được bầu làm Hội trưởng Hội Trí Tri.
“Với tầm hiểu biết sâu rộng, uyên bác nghiên cứu khoa học, tinh thần làm việc nghiêm túc, bản lĩnh vững vàng và bao trùm lên tất cả là tinh thần yêu nước. Cụ Nguyễn Văn Tố đã biên soạn, nghiên cứu nhiều công trình, bài viết có giá trị về sử học, khảo cổ học, văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học và đăng trên những tạp chí có uy tín ở thời đó như Nam Phong Tạp chí, Đông Thanh Tạp chí, báo Thanh Nghiệp và đặc biệt là Tạp chí Tri Tân. Những công trình, bài viết này đã góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu, lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, những trang viết về lịch sử văn hóa dân tộc của cụ Nguyễn Văn Tố còn khơi gợi lên tinh thần dấu tranh yêu nước của nhân dân ta”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, đầu năm 1938, xứ ủy Bắc Kỳ thành lập một tổ chức công khai lấy tên là Hội truyền bá học Quốc ngữ (Hội truyền bá quốc ngữ), nhằm vận động, truyền bá nhân dân xóa nạn mù chữ.
Trên cương vị Hội trưởng, cụ Nguyễn Văn Tố đã vận động và tổ chức phong trào dạy - học chữ quốc ngữ sôi nổi trong cả nước, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Cùng với sự nỗ lực không ngừng của các thành viên trong Hội Truyền bá quốc ngữ, từ năm 1938 đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công cụ Nguyễn Văn Tố đã giúp cho hơn 7 vạn người thoát khỏi nạn mù chữ, góp phần làm thất bại “chính sách ngu dân” của thực dân Pháp.
“Thông qua phong trào dạy học chữ quốc ngữ tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ cách mạng của nhân dân ta đã được bồi đắp và củng cố nâng cao. Do phong trào vận động học chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ, nhiều cán bộ của Đảng đã học được những kinh nghiệm quý giá, được tôi luyện và trưởng thành nhất là trong công tác vận động, tổ chức quần chúng. Mặt khác, dưới sự chỉ đạo của cụ Nguyễn Văn Tố, hội Truyền bá quốc ngữ với hệ thống tổ chức và thành viên rộng khắp trong cả nước đã tạo tiền đề cho thành công của phong trào đấu tranh diệt giặc dốt của chính quyền quyền cách mạng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tiết mục văn nghệ trong Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố. (Ảnh: Thành An)
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nền dân chủ mới ra đời nhưng đứng trước nhiều thách thức ngặt nghèo bởi sự chống phá của thù trong, giặc ngoài. Với tinh thần đoàn kết dân tộc, quý trọng và kêu gọi những người có tài có đức tham gia giúp nước, Chủ tịch Hồ Chí Min đã trân trọng mời cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ cách mạng lâm thời, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội.
Bằng nhiệt huyết của một chí sĩ hết lòng yêu nước, yêu dân, cụ Nguyễn Văn Tố đã tổ chức thành lập các “Hội cứu đói” ở nhiều địa phương, vận động các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần tương thân tương ái, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “sẻ cơm, nhường áo”, cứu giúp những người đang bị đói...
Nhờ sự chỉ đạo khẩn trương của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn dân nạn đói đã bị đẩy lùi. Thế và lực của cách mạng ngày càng tăng, góp phần đưa cách mạng nước ta vượt qua tình thế hiểm nghèo, từng bước củng cố và phát triển. Trong thành tựu chung đó của dân tộc có phần đóng góp xứng đáng của cụ Nguyễn Văn Tố.
Với những đóng góp quan trọng và ý nghĩa. Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của cả nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã được nhân dân bầu là đại biểu Quốc hội. Đến ngày 2/3/1946, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, cụ đã được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tiết mục văn nghệ trong Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố. (Ảnh: Thành An)
Trong bối cảnh đất nước còn hết sức khó khăn, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực Quốc hội đoàn kết chặt chẽ, cùng sát cánh với Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, hoạch định và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại; thay mặt cho Quốc hội và nhân dân góp ý, đề nghị sửa đổi những sắc lệnh về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội của Chính phủ (trước khi các sắc lệnh được ban hành).
“Một trong những cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội là đã điều hành Quốc hội góp ý, xây dựng và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – đó là bản Hiến pháp năm 1946. Với những nội dung tư tưởng tiên tiến mang giá trị bền vững và sâu sắc đến tận ngày hôm nay. Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định nền độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam; khẳng định quyền làm chủ Nhà nước của mỗi công dân, quyền và nghĩa vụ xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho hay: Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố đứng đầu đã ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. “Điều đó cho thấy sự đồng cảm của những tư tưởng lớn luôn gặp nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Nguyễn Văn Tố đã hoàn toàn thống nhất trong những quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước”.
Vẫn lời diễn văn của Chủ tịch Quốc hội: Cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức vụ Trưởng Ban Thường trực Quốc hội 8 tháng từ tháng 3 đến tháng 11/1946, đây là thời gian khó khăn, gay cấn nhất của cách mạng Việt Nam. Với cương vị đứng đầu Quốc hội, cụ đã cùng Ban Thường trực Quốc hội tham gia nhiều ý kiến với Chính phủ để thi hành nhiều chính sách thích hợp chăm lo đến quyền lợi quốc gia và đời sống nhân dân. Hoạt động của Quốc hội trong thời gian cụ là Trưởng Ban Thường trực đã để lại dấu ấn sâu sắc, đã đưa ra được những quyết sách lớn vì nước, vì dân. Sự đoàn kết, ủng hộ, gắn bó của Quốc hội với Chính phủ trong giai đoạn này là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam mà cụ Nguyễn Văn Tố đã góp phần thực hiện.
Tháng 11/1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, cụ Nguyễn Văn Tố được mời trở lại tham gia Chính phủ với cương vị Bộ trưởng không bộ. Trên cương vị mới, cụ vừa tham gia góp ý, xây dựng đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ, vừa góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng đời sống mới, tạo dựng thế và lực cho sự nghiệp cách mạng.
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946), cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc, tham gia nhiều công việc của Chính phủ bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư, cụ đã tích cực chỉ đạo công việc tháo dỡ, di chuyển máy móc, trang thiết bị lên Việt Bắc phục vụ cho kháng chiến lâu dài; tổ chức cho đồng bào tản cư nơi ăn, chốn ở, động viên nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Tiết mục văn nghệ trong Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố. (Ảnh: Thành An)
Trong lúc cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước đang vào hồi ác liệt, tháng 10/1947, quân Pháp mở chiến dịch tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, cụ Nguyễn Văn Tố bị địch bắt và đã hy sinh oanh liệt trước mũi súng kẻ thù. Sự hy sinh của cụ là một tổn thất lớn của Chính phủ, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Quốc hội và nhân dân cả nước.
Dẫn lời điếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Cụ Nguyễn Văn Tố đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp khai mở dân trí và giải phóng dân tộc. Cụ đã nêu tấm gương mẫu mực của một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà văn hóa uyên bác; nhà lãnh đạo đức độ, tài năng của Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ là tấm gương sáng luôn nêu cao tinh thần cần kiệm, khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý cá nhân”.
Nhắc đến lễ Kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà trí sĩ yêu nước, Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là dịp chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao cống hiến to lớn của cụ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng là để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.
“Cuộc đời hoạt động tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân của cụ Nguyễn Văn Tố là một tấm gương cao đẹp để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập, noi theo. Tấm gương của cụ Nguyễn Văn Tố có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.