Dân Việt

Rất nhiều ĐBQH không đồng ý quy định đã uống rượu bia, không lái xe

Lương Kết 03/06/2019 15:11 GMT+7
Đầu giờ chiều nay (3/6), Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bằng bảng điện tử về 3 nội dung liên quan đến dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

img

Kết quả lấy ý kiến với phương án: Cấm điều khiển giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn (nghĩa là đã uống rượu, bia là không được điều khiển phương tiện giao thông) không đạt quá bán.

Nội dung thứ nhất: Quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông

Phương án 1: Cấm điều khiển giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn (nghĩa là đã uống rượu, bia là không được điều khiển phương tiện giao thông).

Phương án 2: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Kết quả lấy ý kiến như sau: Chỉ có 48,76% số ĐBQH đồng ý phương án 1, có 36,36% số ĐBQH không đồng ý.

Về phương án 2: Có 49,59% ĐBQH đồng ý, có 34,92% ĐBQH không đồng ý.

Sau khi có ý kiến cho rằng các ĐBQH chưa nghe rõ về nội dung trong 2 phương án nêu trên, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, người điều hành phần lấy ý kiến đã xin ý kiến Quốc hội và Quốc hội đã đồng ý biểu quyết lại đối với phương án 1 của nội dung thứ nhất. Tuy nhiên kết quả cũng không quá bán, cụ thể chỉ có 44,21% số ĐBQH đồng ý phương án 1, có đến 43,80% số ĐBQH không đồng ý.

Nội dung thứ hai là hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ với 2 phương án.

Phương án 1: quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau.

Phương án 2: không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ".

Kết quả như sau: Chỉ có 46,28% số ĐBQH  đồng ý với phương án 1, có 42,56% số ĐBQH không đồng ý phương án này.

Về phương án 2: Chỉ có 42,21% số ĐBQH đồng ý, có 42,56% số ĐBQH không đồng ý.

Như vậy trong cả nội dung thứ nhất và thứ hai xin ý kiến ĐBQH, khi biểu quyết đều không đủ kết quả đồng ý quá bán (quá 50%).

Về nội dung thứ ba: Khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình nêu tại điểm c khoản 3 điều 12 của dự thảo luật, với 2 phương án xin ý kiến.

Phương án 1: Quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18h đến 21h hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.

Phương án 2: Quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 19h đến 20h hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.

Kết quả lấy phiếu nội dung thứ 3, có 72,52% đồng ý phương án 1, có 14,88% không đồng ý với phương án này. Như vậy với tỷ lệ quá bán, Quốc hội đã đồng ý với quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18h đến 21h hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.

Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 và 11/2018). Đến kỳ họp thứ 7, dự án Luật này đã được Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai. Sau phiên thảo luận ngày 23/5 của Quốc hội về dự án Luật này, trên cơ sở ý kiến tại hội trường và văn bản góp ý của các đại biểu, Ban soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Cề các vấn đề xã hội của Quốc hội đã bàn bạc, thống nhất nhóm nội dung gửi Thường vụ Quốc hội xin ý kiến, sau đó nội dung trên được gửi đến các ĐBQH để lấy ý kiến.

Theo chương trình kỳ họp, dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6 (ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp).

Luật giao thông đường bộ 2008 quy định cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là nhằm loại trừ nguy hiểm cho chính người sử dụng cũng như những người tham gia giao thông khác. Theo nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính Phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia cụ thể như sau: Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

- Phạt tiền từ 2 tới 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

- Phạt tiền từ 7 tới 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 6 tháng tùy từng trường hợp.