Dân Việt

Vì sao đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại TP.HCM được khen ngợi?

Hà My 03/06/2019 15:30 GMT+7
Với phong cách ra đề thi khác nhau nhưng vẫn đảm bảo tính thân thiện, dễ hiểu, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội và TP.HCM nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Sáng 2/6, gần 200.000 thí sinh thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội và TP.HCM đã hoàn thành môn thi Ngữ văn, môn thi luôn nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh và học sinh trước sự hấp dẫn của đề thi.

Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm nay của Hà Nội được giáo viên, học sinh đánh giá là khá quen thuộc, đề có cấu trúc được chia làm hai phần, kiểm tra toàn diện các kiến thức tiếng Việt, văn và kỹ năng viết các đoạn văn nghị luận. Nói cách khác, học sinh chỉ cần ôn luyện tốt đề thi các năm trước và kiến thức cơ bản, điểm sẽ ở mức khá trở lên.

Em Hoàng Mỹ Linh (thí sinh thi vào lớp 10 tại Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, đề Ngữ văn năm nay khá vừa sức theo nhận định chung của thí sinh. Có một câu ngoài sách giáo khoa nhưng không có gì khó khăn đối với thí sinh.

Theo một số giáo viên dạy Ngữ văn, đây có thể là một bất ngờ với các thí sinh, đoạn văn bản dùng làm ngữ liệu để hỏi trong đề thi lấy nguồn từ sách giáo khoa Ngữ văn 9. Các câu hỏi xoay quanh việc kiểm tra kiến thức tiếng Việt, kĩ năng đọc hiểu và nghị luận xã hội tương đối quen thuộc nên các em không gặp nhiều khó khăn.

img

Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 khiến thí sinh thích thú.

Cụ thể, ở Phần I, đề thi hỏi về bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh. Các câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản, với những dạng hỏi khá quen thuộc như xác định thể thơ, phân tích tác dụng của phép tu từ … Câu 4, yêu cầu viết đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài, chiếm trọng số điểm cao nhất của đề thi, đòi hỏi các em trình bày bài không chỉ đủ ý, mạch lạc mà còn phải đảm bảo các yêu cầu về hình thức đoạn văn, về phần tiếng Việt.

Phần II, khá bất ngờ với ngữ liệu đưa ra không phải là một đoạn trích trong tác phẩm thuộc chương trình Ngữ văn 9 mà là một văn bản nghị luận bàn về cách ứng xử của tuổi trẻ trước những khó khăn của cuộc đời. Các câu hỏi về tiếng Việt (xác định phép liên kết) hay đọc hiểu văn bản đều khá cơ bản, các em chỉ cần cẩn thận là có thể dành trọn điểm số.

Câu 3 của Phần II là câu yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội. Đây là một câu hỏi khá thú vị, ngay từ cách đặt vấn đề “hoàn cảnh khó khăn là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình”, cũng “mở” hơn với hình thức hỏi dùng câu nghi vấn “phải chăng” khơi gợi thí sinh tự do thể hiện quan điểm cá nhân.

Đối với đề thi Ngữ văn vào lớp 10 TP.HCM, nhiều ý kiến khen ngợi về tính “mở”, sáng tạo của đề thi này. Cô Đỗ Khánh Phượng (giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn trường THPT Hermann Gmeiner – Hà Nội) nhận định, đề thi vẫn có cấu trúc quen thuộc với hai dữ liệu, qua đó học sinh có thể đọc hiểu được. Phần thứ 2 có 2 câu hỏi mang tính lựa chọn, 1 câu hỏi cơ bản và 1 câu hỏi nâng cao, đó cũng là “đất diễn” của học sinh giỏi.

“Tôi thấy đề tương đối hay, câu hỏi có tính mở, gần gũi thực tế và đặc biệt hướng học sinh tới cách ứng xử đẹp, tích cực trong xã hội. Đối với đề thi của TP.HCM, điều khiến cho học sinh thích thú là các em được lựa chọn trong cả câu 1 và câu thứ 2.

Tính phân loại của đề thi hợp lý hơn do việc thay đổi trong việc sử dụng ngữ liệu, cách thức ra đề thi. Ở phần 2, đoạn văn gây bất ngờ vì không nằm trong văn bản đọc hiểu nhưng lại nằm trong phần luyện tập sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 trang 11 và là đoạn nghị luận xã hội. Điều này sẽ tránh được tình trạng học tủ của học sinh”, cô Phượng nhận định.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM cho biết: "Đề Ngữ văn theo tôi là hay và có tính định hướng cũng như giáo dục cao vì đánh thức mọi giá trị nhân văn và giá trị truyền thống của người Việt. Đề thi tạo cảm hứng cho thí sinh và cả những giáo viên không dạy Ngữ văn. Theo tôi, cách ra đề thi thú vị như thế này sẽ kích thích được sự thích thú của thí sinh".