Cụ thể các ổ dịch này được phát hiện tại các xã Ea Rốk và đồn Biên phòng Yok Mbre- xã Ea Bung (đều thuộc huyện Ea Súp). Trước đó, trong hai ngày 31/5 và 1/6, hộ gia đình ông Cao Ngọc Đình (thôn 18, xã Ea Rốk) và hộ ông Đinh Quốc Tuấn (thôn 12, xã Ea Rốk) báo đến cơ quan chức năng đàn lợn 56 con của gia đình có hiện tượng bỏ ăn, da hồng nhạt, nghi mắc dịch tả lợn châu Phi. Cùng thời gian trên, Đồn biên phòng Yok Mbre, xã Ea Bung cũng phát hiện đàn lợn rừng lai 60 con của đồn có 20 con bỏ ăn, ốm chết.
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Trạm chăn nuôi thú y huyện Ea Súp phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục thú y vùng V để xét nghiệm. Kết quả, các mẫu bệnh phẩm lợn được lấy xét nghiệm đều dương tính với virút dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 3/6, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã tổ chức họp khẩn, triển khai công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi vừa xuất hiện trên địa bàn. Đồng thời, địa phương cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy 116 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi với khối lượng gần 4 tấn; tổ chức các biện pháp phun tiêu độc, khử trùng bao vây các ổ dịch.
Như vậy đến thời điểm này, Đắk Lắk ghi nhận 4 ổ dịch tả lợn châu Phi tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Ea Súp, tổng số lợn tiêu hủy là 149 con.Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Chi cục chăn nuôi và thú y cấp hóa chất, vôi bột cho các địa phương tiến hành tiêu độc, khử trùng.
Ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng tăng cường lực lượng lập chốt kiểm dịch động vật tại xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột (khu vực tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông); cửa khẩu Đắk Ruê, xã Ea Bung, huyện Ea Súp; kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp bán tháo lợn, tiêu thụ lợn bị bệnh trong và ngoài vùng dịch.