Dân Việt

Trả lời dự án 8B Lê Trực thuộc Hà Nội, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bị ĐBQH truy trách nhiệm

Trần Kháng 04/06/2019 15:52 GMT+7
Ngay đầu phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đã truy trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về việc xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực và HH Linh Đàm. Ngay sau khi Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời "trách nhiệm xử lý là của TP. Hà Nội", đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã xin tranh luận về trách nhiệm của Bộ Xây dựng.

Tiếp tục phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, chiều nay, ngày 4/6 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan tới Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô các thành phố lớn đã được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

img

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn ngày 4/6. Ảnh: Lê Hiếu.

Đẩy trách nhiệm cho Hà Nội, ĐBQH truy trách nhiệm

Là đại biểu đầu tiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý, Uỷ viên Uỷ ban các vấn đề xã hội, chất vấn chuyện các khu đô thị xây dựng tràn lan không có người ở, nhà siêu mỏng, siêu méo "mọc" ở nhiều đô thị mà chưa được khắc phục. "Người dân và Quốc hội cần chờ thời gian bao lâu để giải quyết căn bản tình trạng này", bà hỏi.

Tiếp đến, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh, nói về tình trạng vi phạm quy hoạch, quản lý đô thị. Ông Hồng cũng đề nghị Bộ trưởng có cam kết trách nhiệm trong phối hợp với TP Hà Nội để xử lý dứt điểm vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (tỉnh Bình Dương) về việc xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực , Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng khẳng định đây là trách nhiệm của TP. Hà Nội. Bộ trưởng thông tin, TP. Hà Nội đang thực hiện công tác cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Hiện tại, việc phá dỡ các tầng vi phạm theo chiều ngang đã được thực hiện. Tuy nhiên, việc phá dỡ phần vi phạm theo chiều dọc còn gặp khó khăn.

“Cắt một số diện tích của các tầng theo chiều dọc có liên quan đến kết cấu và khả năng chịu lực của công trình. Bộ Xây dựng sẽ sử dụng các đơn vị của Bộ hỗ trợ nếu TP.Hà Nội yêu cầu để có đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý hợp lý nhất", ông Hà trả lời. 

Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đã giơ biển tranh luận.

“Tôi thấy sự lúng túng của Bộ rất rõ. Khi nói về việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực thì Bộ trưởng có nói là nếu như Hà Nội yêu cầu thì Bộ mới phối hợp. Như thế là không đúng với vị trí của một Bộ quản lý Nhà nước”, đại biểu Hồng tranh luận.

“Bộ trưởng chia sẻ sai phạm đã có, vậy cử tri muốn biết bao giờ thì xử lý được những vấn đề đó? Tại sao trách nhiệm lại bị đưa về chính quyền địa phương? Trong thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu cùng lãnh đạo địa phương phản ánh việc tham mưu cho Chính phủ giải quyết những vấn đề ở địa phương đang rất yếu. Có khó mới hỏi đến các Bộ nhưng các Bộ lại trích dẫn những văn bản quy phạm pháp luật và còn gây khó hơn cho địa phương cho nên câu trả lời của Bộ trưởng thì có lẽ phải đến tầm Chính phủ”, đại biểu Hồng bức xúc.

Đại biểu Hồng cũng đề nghị Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cam kết xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực.

Về tranh luận này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, từ tháng 8/2017, Bộ đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện biện pháp và khắc phục hậu quả sai phạm của dự án, đảm bảo kết cấu chịu lực và an toàn cho người dân. Bộ cũng đã giao Cục Giám định nhà nước cùng với Sở Xây dựng đánh giá kết cấu chịu lực. "Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Hà Nội để giải quyết. Nếu Hà Nội tiếp tục có yêu cầu gì thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ", ông Hà nói.

img

Sai phạm tại công trình 8B Lê Trực nhiều năm chưa được giải quyết triệt để gây bức xúc. 

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận trách nhiệm

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng cũng yêu cầu Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ ra trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc quản lý trật tự đô thị.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, Việt Nam đã có khung pháp luật tương đối đầy đủ các quy định để xử lý hiệu quả các vấn đề về trật tự xây dựng. “Trong thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng để kiểm soát, quản lý, hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Số lượng vi phạm đã giảm dần so với những năm trước nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là những hành vi xây dựng không phép, sai phép”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Xây dựng cho hay năm 2016 có 15.593 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, công trình không phép là 7.038, sai phép là 5.164 công trình, vi phạm khác là 3.181 công trình. Đến năm 2018, số lượng công trình sai phạm đã giảm còn 10.608. Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn cao.

Trước đó, mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà có 5 phút để giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Ông cho hay trong nhiều năm qua từ đầu nhiệm kỳ, ngành xây dựng và Bộ Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về xây dựng.

“Ngành xây dựng và Bộ Xây dựng đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã - hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình về các hạn chế tồn tại này nên đã và đang thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng và sớm khắc phục các hạn chế", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói. 

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có 53 đại biểu đã đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành xây dựng. 

Nhóm nội dung vấn đề Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà

- Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình.

- Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa).

- Công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.