Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 04/6, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 3.682 xã, 357 huyện của 53 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Nam Định, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TT Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Hậu Giang, Hà Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Định, Kon Tum, Trà Vinh).
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Thái Bình. Ảnh: Phan Lợi.
Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.223.765 con. Ngoài ra, đã có 125 xã thuộc 68 huyện của 23 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này là 33.400 con. Thời gian qua, đã có 47 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.
Tốc độ lây lan nhanh chóng, mức độ tàn phá đàn lợn của bệnh dịch tả lợn châu Phi đang khiến nhiều địa phương lo lắng. Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định thừa nhận, dịch đã lan rộng khắp nơi ở tỉnh Nam Định. Thống kê đến thời điểm hiện tại, số tiền tỉnh này dự kiến hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi lợn đã tiêu hủy lên tới 450 tỉ đồng. Trong khi đó, quỹ dự phòng của tỉnh chỉ có 100 tỉ đồng.
Bà Nga ví thiệt hại dịch tả lợn châu Phi tại Nam Định lớn chưa từng thấy ở địa phương, hơn cả bão gió, thiên tai từng xảy ra trong tỉnh. “Thiệt hại lớn đến nỗi lãnh đạo tỉnh phát sốt lên, khi trong đời làm quản lý tài chính chưa bao giờ thấy thiệt hại lớn đến thế” - bà Nga nói tại hội nghị đánh giá công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 4/6.
Tại tỉnh Thái Bình, gần 40% tổng đàn lợn đã buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.