Gia đình tôi, cả mấy thế hệ trong đó có 8 người con, gần 20 đứa cháu, ai cũng biết chơi violon cùng một số loại nhạc cụ khác như tiêu, sáo, nhị, ghi-ta và đều tham gia đội văn nghệ của làng. Quanh năm lăn lộn mưu sinh cùng thửa ruộng, chuồng trại chăn nuôi, vườn cây, ao cá, nhờ tình yêu dành cho cây đàn violon mà tôi và những người nông dân ở vùng quê này được bạn bè bốn phương biết đến, tìm về...
Xuân này bước sang tuổi 83, không tính quãng thời gian gần 10 năm tham gia đoàn văn công Hà Bắc lưu diễn khắp các chiến trường Nam - Bắc, tôi đã có hơn 50 năm dành trọn niềm đam mê cho cây đàn violon. Tôi đã sưu tập được rất nhiều các loại nhạc cụ nhưng đáng giá nhất là những cây đàn violon đủ loại, cỡ nhỏ để dạy trẻ con, cỡ trung, cỡ lớn để người lớn, người già tập kéo.
Trong bộ sưu tập đàn violon của tôi có những chiếc mua cách đây gần 45 năm. Đó là vào khoảng năm 1957, phong trào chơi đàn ở làng phát triển mạnh, đòi hỏi cấp bách phải tìm chơi những nhạc cụ mới bên cạnh các nhạc cụ truyền thống. Chẳng thể ngồi chờ người ta mang đến, tôi lặn lội ra Hà Nội mua về 2 chiếc đàn violon đầu tiên của làng.
Có đàn rồi nhưng không ai biết kéo, tôi giao việc nhà, việc đồng cho vợ con, đánh bạo đạp xe lên tận Đài Tiếng nói Việt Nam tìm gặp nhạc sĩ Đỗ Bài nhờ chỉ giáo những kiến thức cơ bản về đàn violon và tự sưu tầm cả trăm cuốn sách dạy nhạc của Việt Nam và quốc tế về để tự học.
Đến năm 1965 tôi đã thực sự làm chủ được cây đàn violon và lớp học nhạc đầu tiên ở làng cũng được tôi mở cùng vào thời điểm đó. Phòng học chính là căn nhà lá chật chội của gia đình, phấn bằng gạch đỏ, vôi khô, nốt nhạc viết trên cánh cửa, vách nứa... Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng lứa học trò đầu tiên của lớp học này đã vinh dự được về thủ đô biểu diễn phục phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (năm 1976).
Nửa thế kỷ gắn bó với cây đàn violon, mấy mươi năm tâm huyết dạy nhạc cho các thế hệ, từ lớp học mái lá, bảng vách đơn sơ của tôi đã có hàng trăm học trò trưởng thành, nhiều người trong số đó đã thành tài ở tỉnh, ở thủ đô, nổi tiếng cả nước. Với con cháu trong nhà, dù cuộc sống có khó khăn, vất vả đến đâu vẫn được tôi truyền cho tình yêu với cây đàn violon từ những ngày thơ bé...
Dịp Tết vừa rồi, sau khi Đài Truyền hình Trung ương phát sóng những đoạn phim tư liệu về tôi, về đội violon làng Then, nhiều người đã gọi điện, về tận nơi chia vui. Với tôi, niềm hạnh phúc là gìn giữ tiếng violon ăn đời ở kiếp với người dân làng này. Để dù cháu con có ở chân trời, góc biển nào hễ nghe tiếng violon là nhớ đến quê; gặp một bản nhạc quen biết tìm về nơi chôn nhau cắt rốn của mình...
Ông Nguyễn Hữu Đưa - làng Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Vinh Minh (ghi)