- Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) họ bảo La Nina năm nay còn mạnh, sẽ có lũ lụt nhiều hơn năm ngoái.
- Năm ngoái là El Ninô, cặp đôi này thay nhau nhảy hoàn vũ để hại dân mình.
- Hôm nay đã 13 mà làng mình chưa thấy đông người ra đồng nhỉ?
- 13 là ngày Thị Màu lên chùa…
- Ở miền Bắc mình chỉ có dân Hồng Thái, Văn Lâm, Hưng Yên ra đồng sớm nhất, mùng ba mùng bốn đã ì oạp, vắt vắt, diệt diệt.
- Làm gì còn trâu bò mà vắt với diệt.
- Thì máy lồng phành phạch.
- Cũng không có máy móc gì cả.
- Dễ thường họ kéo cày thay trâu như trong phim ngày xưa?
- Trúng phóc 100%. Ruộng đã có nước, vợ cuốc, chồng kéo bừa, tiết kiệm chi phí.
- Chả ở đâu ki bo kẹt xỉ thế cả.
- Nguyên do thế này, xã Hồng Thái vốn đã ít ruộng. Khu công nghiệp Phố Nối A đã thu hồi một phần ba diện tích. Cả xã chỉ còn 96 mẫu ruộng với 400 hộ nông dân, cuốc vài giờ là xong.
- Có khu công nghiệp thì nông dân được làm công nhân, có lương.
- Có chuyện đó, đầu năm khu công nghiệp chưa mở rộng, bà con công nhân tranh thủ ra đồng làm nghề truyền thống. Bỏ ruộng đong gạo chợ ăn vẹt mất nửa lương nên tranh thủ “công nông liên minh”. Phần nữa, cánh đồng vùng này cũng lắt nhắt như các cánh đồng nhiều nơi, có mảnh chỉ trồng được vài luống khoai, thêm mấy cây cải tỉa nấu canh ăn dần, máy móc, thậm chí trâu bò làm gì cho mệt. CNH, HĐH nông thôn nghe rất “hoành tờ ráng”, nhưng cơ sở hạ tầng vẫn như thời xưa, lại không có cánh đồng mẫu lớn hay dồn điền đổi thửa thì hiện đại hóa kiểu gì.
Cụ lão nông cổ quấn phu la như anh xiếc trăn ở Liên đoàn Xiếc, đầu chụp mũ bông biên phòng như các cụ trên cao nguyên đá Đồng Văn, nói:
- Ngày xưa có HTX, tuy không hiện đại hóa nhưng giải quyết mấy việc chư vị vừa nói đâu có khó, đâu đến nỗi kéo cày thay trâu.
- Thế sao hồi ấy các cụ hết nhập lại tách, rồi cuối cùng bây giờ HTX của các cụ đâu rồi?
Cụ lão nông nhìn ra cánh đồng mù sương, chỗ xanh chỗ trắng ánh nước, mặt buồn như “Hạng Võ biệt Ngu Cơ”: “Lão không đủ “tâm thế” để bàn chuyện này đâu. Thời thế khác rồi. Mà sắp tới lão cũng không còn chống gậy đi “sinh hoạt” với chư vị nữa, mệt lắm, không chờ đợi tương lai được đâu”.
Lý Lão Làng