Sau loạt bài "Xẻ thịt" bãi biển Đồ Sơn được Báo Điện tử Dân Việt phản ánh, Sở Du lịch TP Hải Phòng đã vào cuộc kiểm tra và xác định "hình ảnh phản ánh về tình trạng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch Đồ Sơn của báo chí là có cơ sở".
Đoàn công tác của Sở Du lịch TP Hải Phòng đã phối hợp với các cơ quan ban ngành kiểm tra thực tế tại khu du lịch Đồ Sơn.
Sở Du lịch TP Hải Phòng cho biết phản ánh về việc "xẻ thịt" bãi biển Đồ Sơn là có cơ sở
Tại thời điểm Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vỉa hè khu I, II Đồ Sơn không có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nước giải khát. Tuy nhiên, vẫn còn bàn ghế, xe máy, xe đạp trên khu vực vỉa hè khu II, gây ảnh hưởng cho người đi bộ và mất mỹ quan. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn, vẫn cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ giải khát trên vỉa hè sau 18 giờ hàng ngày.
Tài liệu thanh tra của Sở Du lịch ghi nhận thường xuyên diễn ra việc lấn chiếm, sử dụng vỉa hè để kinh doanh ăn uống, giải khát sau 18 giờ, nhất là đoạn vỉa hè kéo dài từ nhà hàng Tằng Hậu tới Bến Thốc.
Đặc biệt vào những ngày cuối tuần; còn hiện tượng chặn đầu xe, chèo kéo khách du lịch tiểm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn giao thông và ảnh hưởng tới môi trường du lịch.
Đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên bãi tắm, hiện có 3 hoạt động kinh doanh dịch vụ. Đáng lưu ý, 10 điểm làm dịch vụ cho thuê ô, ghế (khoảng 300 ô và 600 ghế nằm) do Trung tâm Dịch vụ và Phát triển du lịch Đồ Sơn quản lý, đầu thầu cho các hộ kinh doanh thuê.
10 điểm dịch vụ này khi hoạt động sẽ chiếm khoảng 80% diện tích bãi tắm. Mật độ ô, ghế dầy; khoảng cách giữa các ô, ghế gần sát nhau (cách nhau khoảng 1m); khoảng cách từ chân bờ kè đến hàng ô đầu tiên từ 3 - 5m. Ngoài ra, mỗi điểm dịch vụ có một ki ốt di động để ngay sát dưới chân bờ kè, phục vụ bán nước giải khát và các dụng cụ phục vụ sinh hoạt cá nhân, gây mất mỹ quan, vệ sinh bãi tắm.
Các ki ốt đã ký hợp đồng cho thuê chiếm đến 80% diện tích bãi tắm
Các điểm kinh doanh dịch vụ ô, ghế có biển ghi tên điểm, đại diện điểm kinh doanh, niêm yết giá các dịch vụ, số điện thoại đường dây nóng. Mặc dù, thời điểm kiểm tra là ngày mưa và không phải thời gian cao điểm tập trung khách du lịch, tuy nhiên bãi tắm vẫn có rác thải sinh hoạt do sóng đưa từ biển vào bờ.
Các điểm dịch vụ ô, ghế đã tổ chức ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không tổ chức đun nấu trên bãi tắm,... Trung tâm Dịch vụ và Phát triển du lịch quận đã ký hợp đồng thu gom rác thải hàng ngày với Công ty Cổ phần Công trình công cộng và dịch vụ du lịch Hải Phòng để đảm bảo vệ sinh môi trường cho bãi tắm.
"Như vậy, hình ảnh phản ánh về tình trạng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch Đồ Sơn của báo chí là có cơ sở" - báo cáo của Sở Du lịch gửi UBND TP Hải Phòng khẳng định.
Sở Du lịch đã đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo UBND quận Đồ Sơn thực hiện nghiêm việc tuyệt đối không sử dụng vỉa hè cho mục đích kinh doanh. Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp, giám sát chặt chẽ việc quản lý vỉa hè trong khu du lịch, đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Đối với việc cho phép kinh doanh ô, ghế trên bãi biển trong năm 2019, yêu cầu UBND quận Đồ Sơn phải đảm bảo theo đúng phạm vi cho phép của UBND TP tại mục 1 Công văn số 2811/UBND-DL ngày 17/5/2019 và yêu cầu về quản lý, khai thác bãi tắm tại mục 2.2 Báo cáo số 426/SDL-QHPTDL ngày 4/5/2019 của Sở Du lịch.
Đồng thời, UBND quận Đồ Sơn phải điều chỉnh giảm số lượng ô, ghế cho phù hợp để đảm bảo diện tích bãi tắm, không gian công cộng. Theo đó, chỉ bố trí hoạt động kinh doanh ô, ghế tại các khu vực có chiều rộng từ bờ kè ra tới ngấn nước thủy triều thường xuyên từ 30 mét trở lên; khoảng cách các điểm kinh doanh giáp với lối lên xuống bãi tắm phải đảm bảo tối thiểu từ 15 mét trở lên.
Các khu vực đủ điều kiện được kinh doanh ô, ghế phải đảm bảo chiều rộng kể từ hàng ghế đầu tiên hướng biển tới mép nước tối thiểu là 30 mét, khoảng cách giữa các ô, ghế tối thiểu là 1,5 mét. Tuyệt đối không được bố trí đặt kios và tập kết đồ dùng, thực phẩm dưới bất cứ hình thức nào trên bãi tắm. Duy trì và thực hiện tốt các cam kết về bảo vệ môi trường và an ninh trật tự trong khu du lịch.