Theo bà Mai Thu Hương – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La: "Qua theo dõi diễn biến vụ án, dư luận, cơ quan báo chí, cán bộ đảng viên, nhân dân rất quan tâm đến vụ án này. Buổi gặp mặt hôm nay rất cần thiết nhằm cung cấp thông tin chính thống, công tác định hướng tuyên truyền cho các cơ quan báo chí và đông đảo cán bộ đảng viên, nhân dân hiểu rõ quy trình, kết quả của vụ án đến thời điểm này. Để có thông tin chính thống về vụ án này, Ban Tuyên giáo đã mời Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Sơn La đến thông tin và trả lời các câu hỏi của các cơ quan báo chí".
Sáng 7/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La đã phối hợp với các cơ quan tố tụng của tỉnh này tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí của tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn để cung cấp thông tin về kết quả xét xử vụ án sai phạm đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực nhà máy thủy điện Sơn La.
Trả lời câu hỏi của một số cơ quan báo chí về việc thay đổi biện pháp tạm giam đối với các bị cáo do thời gian tạm giam đã kéo dài gần 19 tháng, ông Nguyễn Hồng Nam – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La cho biết, các cơ quan sẽ nghiên cứu từng trường hợp cụ thể xem có đủ điều kiện để thay đổi biện pháp ngăn chặn hay không, thì sẽ cân nhắc từng trường hợp. Trường hợp nào đủ điều kiện, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét cụ thể.
Trước câu hỏi một số cơ quan báo chí phản ánh, trong quá trình xét xử có bị cáo khai là điều tra viên cung cấp bản tự khai và bắt bị cáo chép lại lời khai, ông Nam nhấn mạnh: "Tại phiên tòa, các bị cáo không có chứng cứ để chứng minh là có bản khai của điều tra viên đã ghi sẵn và yêu cầu họ chép lại, nên HĐXX đã trả lời ngay tại phiên tòa rằng, bị cáo khai như vậy nhưng không có tài liệu chứng minh điều tra viên có hành vi như vậy nên không có căn cứ".
Ông Nguyễn Hồng Nam – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La thông tin kết quả xét xử vụ án tới các cơ quan thông tấn báo chí.
Ông Trần Quốc Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La cho biết: "Một bộ phận dư luận và người dân đang hiểu vấn đề trả hồ sơ điều tra bổ sung thì có oan sai là không đúng. Việc trả lại hồ sơ cho Cơ quan an ninh điều tra bổ sung là để thu thập, đánh giá, củng cố lại tài liệu, không phải trả hồ sơ là có oan sai. Thời hạn điều tra không quá 1 tháng theo quyết định của HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh. Ở đây, tôi giải thích thêm cho các cơ quan báo chí là không phải Viện Kiểm sát điều tra bổ sung, mà Viện Kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung lại trong thời hạn 1 tháng".
"Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cuối giờ chiều qua (6/6), Viện Kiểm sát đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La. Sáng nay (7/6), Viện Kiểm sát cũng đã chủ trì cuộc họp với Cơ quan an ninh điều tra, Tòa án nhân dân tỉnh để thống nhất, đánh giá các nội dung và tiến hành các công việc theo yêu cầu", ông Tuấn thông tin.
Theo ông Trần Quốc Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, việc trả lại hồ sơ cho Cơ quan an ninh điều tra bổ sung là để thu thập, đánh giá, củng cố lại tài liệu.
Phát biểu kết luận buổi họp, bà Mai Thu Hương – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La nhấn mạnh, vụ án Trương Tấn Dũng và đồng phạm là vụ án lớn, kéo dài nhiều năm qua, do đó thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Việc cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền như cuộc họp hôm nay là rất cần thiết.
Qua theo dõi diễn biến vụ án, từ ngày 21/5 đến nay, có nhiều báo mạng, trang mạng cá nhân... đưa thông tin sai lệch về bản chất của vụ án.
"Trong 3 ngày nay, vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn biến phức tạp, người thân, người nhà bị cáo tụ tập trước các cơ quan công quyền, cơ quan tố tụng để đòi hỏi yêu sách. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan báo chí giúp tỉnh tuyên truyền tốt các thông tin chính thống về việc thụ lý, xử lý vụ án, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là bình thường và đúng với quy định của pháp luật để dư luận và nhân dân nắm được", bà Hương thông tin.
Như Dân việt đã đưa tin, sáng nay (7/6), thông tin kết quả xét xử vụ án sai phạm đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực nhà máy thủy điện Sơn La với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Hồng Nam - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La cho biết, sau 10 ngày tranh tụng và 5 ngày nghị án, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX Tòa án tỉnh Sơn đã quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát tỉnh Sơn La để điều tra bổ sung.
Vị lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La thông tin: "Đây là vụ án tương đối lớn trong hàng chục năm qua ở tỉnh Sơn La. Mặc dù trong quá trình điều tra, quá trình truy tố, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có nhiều cố gắng nhưng đây là vụ án rất phức tạp, với số lượng bị can, bị cáo đông gồm 17 người; liên quan đến chính sách đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ qua các thời kỳ khác nhau, nên có những khó khăn nhất định trong quá trình điều tra và truy tố. Bên cạnh đó, diện tích đất, tài sản có liên quan đến việc phạm tội của các bị cáo, hiện nay, hiện trạng không còn. Tính chất phức tạp của vụ án là như vậy nên gây khó khăn cho cơ quan điều tra, cơ quan truy tố".
Do tính chất phức tạp của vụ án, chiều 5/6, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã quyết định trả hồ sơ xét xử 17 bị cáo trong vụ án sai phạm đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực nhà máy thủy điện Sơn La để cơ quan an ninh điều tra điều tra bổ sung.
Theo bị lãnh đạo này, mặt khác, tại cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, toàn bộ các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình. Khi nhận được hồ sơ vụ án, thẩm phán báo cáo là các bị cáo nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình và đều khai nhận tại cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát. Nhưng tại phiên tòa, 16/17 bị cáo kêu oan và các luật sư bào chữa các bị cáo xuất trình một số các tài liệu mới. Chính vì vậy, để thận trọng hơn nữa và bảo đảm vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện, đánh giá đúng mức độ phạm tội của từng bị can, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là cần thiết.
Theo quy định của Luật tố tụng hình sự và thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố xét xử, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung không phải là hoạt động đặc biệt trong hoạt động tố tụng của vụ án.
"Đến nay, HĐXX chưa phát hiện ra có dấu hiệu oan sai, tuy nhiên có một số vấn đề cần làm rõ hơn để đánh giá chính xác hơn, toàn diện hơn hành vi phạm tội của từng bị cáo, mức độ phạm tội và vai trò của từng bị cáo trong vụ án, nên HĐXX quyết định trả hồ sơ để Viện Kiểm sát điều tra bổ sung và việc trả hồ sơ không có gì đặc biệt và theo đúng quy định của pháp luật", ông Nam thông tin thêm.